Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
1. Trẻ 1 tuổi phát triển như thế nào về chiều cao?
“Trẻ 1 tuổi cao bao nhiêu cm thì đạt chuẩn?” là vấn đề được các bậc cha mẹ quan tâm hàng đầu để có thể xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp cho sự phát triển chiều cao của bé. Thực tế sự phát triển chiều cao của trẻ phụ thuộc nhiều vào độ tuổi, cụ thể như sau:
- Đối với trẻ sơ sinh mới chào đời, chiều cao của bé sẽ tăng lên nhanh chóng. Và trước khi trẻ tròn 1 tuổi chiều cao trung bình có thể đạt khoảng 72 - 76 cm.
- Trẻ 1 tuổi là giai đoạn tuổi tập đi, sự tăng trưởng chiều cao của bé không nhiều như giai đoạn trước đó, cụ thể chiều cao của trẻ tăng trung bình khoảng 1,2 cm mỗi tháng.
- Khi trẻ đạt 2 tuổi chiều cao sẽ tăng thêm khoảng 10 cm và đến giai đoạn trẻ 3 - 4 tuổi sự phát triển về chiều cao lớn hơn nhiều so với trước nên vóc dáng của trẻ sẽ cao ráo hơn.
- Trẻ từ 5 tuổi trở lên: Đây là giai đoạn dậy thì của trẻ nên chiều cao sẽ phát triển rất nhanh. Bé gái thường sẽ đạt chiều cao tối đa khoảng 2 năm sau khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Bé trai thường đạt chiều cao tối đa vào khoảng tuổi trưởng thành là 17 tuổi.
2. Trẻ 1 tuổi chiều cao bao nhiêu là đạt chuẩn?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chiều cao của trẻ ở mỗi độ tuổi khác nhau luôn có những mức tiêu chuẩn khác nhau. Bên cạnh đó, mức chiều cao chuẩn theo độ tuổi cũng khác nhau giữa bé gái và bé trai. Vậy đối với mức tiêu chuẩn đó thì bé gái 1 tuổi cao bao nhiêu cm và bé trai 1 tuổi cao bao nhiêu cm là phù hợp?
Mức chiều cao tiêu chuẩn theo độ tuổi được thể hiện qua bảng sau:
BẢNG CHIỀU CAO CHUẨN THEO TUỔI
Dựa vào bảng chiều cao tiêu chuẩn ở trẻ em có thể thấy, bé gái 1 tuổi có chiều cao đạt chuẩn khoảng 68.9 cm đến 79.2 cm và bé trai 1 tuổi cao từ 71.0 cm đến 80.5 cm là đạt chuẩn. Theo khuyến cáo từ các bác sĩ dinh dưỡng, cha mẹ nên thực hiện đo chiều cao định kỳ cho bé và so sánh với mức chiều cao tiêu chuẩn để đánh giá tình trạng phát triển về thể chất cũng như mức độ hấp thu dinh dưỡng ở trẻ.
3. Chiều cao của trẻ một tuổi bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nào?
Giai đoạn trẻ 1 tuổi phát triển nhiều về chiều cao và cân nặng. Tuy nhiên giai đoạn phát triển này cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như sau:
- Chế độ dinh dưỡng và môi trường: Chế độ dinh dưỡng và môi trường bên ngoài ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Chế độ ăn không đầy đủ các chất dinh dưỡng sẽ khiến trẻ suy dinh dưỡng và làm chậm quá trình phát triển thể chất bao gồm cả chiều cao của trẻ. Để trẻ 1 tuổi cao đạt chiều cao chuẩn, bạn nên thực hiện chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, cung cấp đủ canxi và vitamin trong các bữa ăn của trẻ.
- Sự chăm sóc của người lớn: Trẻ 1 tuổi đang ở trong giai đoạn cần sự chăm sóc của người lớn. Sự chăm sóc của bố, mẹ, ông, bà... đều có ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất và cả hành vi của trẻ.
- Sức khỏe của mẹ khi mang thai: Đây là yếu tố ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Chúng bao gồm tâm trạng, chế độ ăn uống của mẹ trong thời kỳ mang thai. Sự căng thẳng của mẹ có thể dẫn đến khả năng chậm phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống của mẹ cần cung cấp đủ dinh dưỡng, canxi, vitamin D để trẻ không bị còi xương, chậm phát triển chiều cao.
- Yếu tố di truyền: Chiều cao của trẻ bị ảnh hưởng một phần bởi các đặc điểm di truyền từ bố mẹ. Nghiên cứu từ các nhà khoa học cho thấy, sự phát chiều cao và thể chất của trẻ chịu ảnh hưởng khoảng 23% từ yếu tố di truyền.
Trẻ một tuổi đang ở giai đoạn phát triển toàn diện về thể chất. Vì vậy, bạn nên thực hiện đo chiều cao, khám dinh dưỡng định kỳ cho trẻ để theo dõi tình trạng phát triển và có chế độ dinh dưỡng phù hợp với sự phát triển về thể chất và chiều cao ở giai đoạn trẻ 1 tuổi. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần chú ý bổ sung các vi chất cần thiết: Selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... Đặc biệt là loại kẽm sinh học để cải thiện vị giác, giúp trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.