“Đôi mắt có sức thuyết phục hơn cái miệng.” Tục ngữ phương Tây
“Vẻ đẹp của một người phụ nữ được tìm thấy trong đôi mắt của nàng, bởi vì đó là cánh cửa dẫn đến trái tim, là nơi tình yêu ngự trị.” Audrey Hepburn
“Giống như cái lưỡi, đôi mắt của con người truyền tải nhiều điều. Lợi thế của giao tiếp ánh mắt là không cần đến từ điển nhưng vẫn được cả thế giới thấu hiểu.” Ralph Waldo Emerson
Cửa sổ cho phép chúng ta từ trong nhìn ra ngoài và từ ngoài nhìn vào trong. Cho dù bốn phía đều có tường bao quanh nhưng nếu có cửa sổ, nắng và gió sẽ lùa vào khiến cho căn nhà trở nên dễ chịu.
Cơ thể chúng ta cũng có một cơ quan đảm nhiệm chức năng như cửa sổ. Đó là đôi mắt. Đôi mắt đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể của chúng ta. Trong số các cơ quan cảm giác, cơ quan truyền tín hiệu lên não nhiều nhất chính là mắt. Khoảng 80% thông tin được xử lý bởi não bộ là thông qua thị giác.
Đôi mắt không chỉ giúp chúng ta quan sát thế giới, nhận thức về sự vật mà còn như cánh cửa sổ thể hiện thế giới nội tâm của bản thân với người khác. Như câu nói: “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”, đôi mắt bộc lộ cảm xúc của con người. Mắt phản ứng trước cả khi chúng ta phản hồi bằng lời nói hoặc cử chỉ. Bên cạnh đó, có những khi đôi mắt thậm chí còn truyền tải được cả những cảm xúc không thể diễn đạt hết bằng lời nói. Đôi mắt đóng một vai trò thiết yếu trong quá trình giao tiếp.
Đôi mắt nói ra một cách thầm lặng
Theo giả thuyết được công bố bởi giáo sư tâm lý học Albert Mehrabian, ngôn ngữ chỉ chiếm 7% trong giao tiếp, 93% còn lại là các yếu tố phi ngôn ngữ. Trong đó, tỷ lệ biểu cảm là 55% trong 93% các yếu tố phi ngôn ngữ. Yếu tố quan trọng để tạo nên biểu cảm dĩ nhiên là đôi mắt rồi. Giả sử nếu bạn nói: “Rất vui được gặp bạn” với khóe miệng nhếch lên nhưng các cơ quanh mắt không di chuyển theo biểu hiện của lời nói thì cảm giác chào đón sẽ không được truyền tải. So với lời nói, thông điệp được truyền tải qua đôi mắt mạnh mẽ hơn nhiều.
Mắt được thư giãn khi nhìn vào một vật thể mang lại cảm xúc tích cực hoặc cảm giác hài lòng, và lông mày lúc này sẽ cong lên. Khi mối quan hệ rạn nứt do hiểu lầm hoặc mâu thuẫn, bạn sẽ tránh ánh nhìn của người kia. Khi phạm lỗi hay cảm thấy xấu hổ, bạn sẽ không thể giao tiếp bằng mắt được. Khi tức giận, bạn sẽ ngước mắt lên và nhìn chằm chằm vào đối phương. Khi suy nghĩ điều gì đó hoặc khi nghi ngờ, bạn sẽ nheo mắt lại. Bạn sẽ mở to mắt khi ngạc nhiên, và cau mày khi cảm thấy phẫn nộ. Khi trong lòng đầy nỗi buồn, nước mắt sẽ trào ra. Ngoài ra, khi căng thẳng hoặc nói dối, bạn sẽ thường xuyên chớp mắt.
Đồng tử giúp điều chỉnh lượng ánh sáng vào mắt theo độ sáng xung quanh không chỉ phản xạ ánh sáng mà còn có chức năng gửi tín hiệu đến hệ thần kinh tự chủ. Nếu một người cảm thấy không thoải mái hoặc tức giận, đồng tử sẽ co lại và to ra khi bạn thích thú và quan tâm với những gì mình đang xem, hoặc học được điều gì đó mới mẻ và tuyệt vời. Đồng tử sẽ rung lên khi ngạc nhiên hoặc hoảng sợ.
Phản ứng ở mắt là phản xạ vô thức, tự động và nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Đó là lý do rất khó biểu đạt bằng mắt cho dù có thể mô tả điều đó bằng lời đi chăng nữa. Bạn có thể đọc được suy nghĩ của người kia qua đôi mắt chân thành và đồng thời người kia cũng có thể đọc được suy nghĩ của bạn.
Điều gì sẽ xảy ra khi giao tiếp bằng mắt?
Trẻ sơ sinh chưa biết nói nhận ra tình yêu thương của cha mẹ qua tiếp xúc da thịt và ánh mắt. Khi cha mẹ nhìn con bằng ánh nhìn trìu mến, em bé sẽ cảm thấy an toàn về tâm lý, nhờ đó hình thành sự gắn bó với cha mẹ một cách sâu sắc. Việc vừa cho trẻ bú sữa, vừa nhìn vào mắt trẻ không chỉ cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển thể chất mà còn là chất dinh dưỡng cho sự phát triển tình cảm ở trẻ.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Cambridge đã thực hiện một nghiên cứu để khám phá xem điều gì sẽ xảy ra trong não của trẻ sơ sinh khi em bé giao tiếp bằng mắt. Khi trẻ sơ sinh và người lớn đội mũ có gắn điện cực và giao tiếp bằng mắt, các sóng não của họ đã trùng khớp với nhau. Sóng não là những xung điện phát ra từ hoạt động của các tế bào thần kinh trong não. Những biểu hiện như “thần giao cách cảm” cũng có ý nghĩa trong khoa học. Từ quan điểm này, việc sóng não của một em bé chưa biết nói được đồng bộ với sóng não của người lớn có thể được coi là tín hiệu giao tiếp mà em bé muốn gửi đến người lớn thông qua ánh mắt.
Có quan điểm cho rằng nếu cha mẹ thường xuyên giao tiếp bằng mắt với các con ngay từ khi chúng còn nhỏ, con cái sẽ ít có nguy cơ phạm tội ở tuổi vị thành niên hơn. Một nhóm nghiên cứu tâm lý học tại Đại học New South Wales, Úc đã tiến hành cuộc thử nghiệm đối với 60 thanh thiếu niên có xu hướng nổi loạn và hiếu chiến. Những thanh thiếu niên này có một điểm chung là tránh ánh nhìn của người khác. Các nhà nghiên cứu đã chiếu nhiều hình ảnh khác nhau và quan sát họ thông qua máy đo đồng tử và chụp cộng hưởng từ (MRI). Kết quả cho thấy não bộ của họ phản ứng mạnh mẽ với những hình ảnh tạo ra sự đồng cảm về cảm xúc. Giáo sư phụ trách cuộc thử nghiệm cho biết: “Nếu có thể kiềm chế sự kháng cự, nổi loạn của đối phương bằng cách giao tiếp bằng mắt, chia sẻ và đồng cảm với cảm xúc của họ thì điều này sẽ có ích hơn là nổi giận hoặc ép buộc họ phải điều chỉnh hành vi sai trái.”
Kết quả của các cuộc thử nghiệm khác trên người lớn cũng cho thấy việc nhìn vào mắt nhau có thể làm tăng thêm thiện cảm giữa người với người. Chúng ta có thể đi đến kết luận rằng dù trẻ em hay người lớn thì cũng đều cảm thấy hạnh phúc khi đón nhận ánh mắt ân cần và ấm áp từ người khác. Hành động giao tiếp bằng mắt đơn thuần sẽ sinh ra các hormone tình yêu và hạnh phúc như phenethylamine và oxytocin.
Cuộc trò chuyện với ánh nhìn ấm áp
Liệu chúng ta có thể trò chuyện một cách chân thành mà không cần nhìn nhau không? Nếu bạn nói chuyện với ai đó mà đối phương trả lời bằng đôi mắt nhìn chằm chằm vào điện thoại thông minh hoặc TV, hay nếu người đó không tập trung mà cứ nhìn sang chỗ khác thì bạn sẽ không muốn nói tiếp nữa. Không phải là quá lời khi nói rằng đôi mắt gắn liền với trái tim. Việc nhìn đi nơi khác khi đang nói chuyện không chỉ là hành vi thô lỗ mà còn giống như muốn nói những gì bạn nhìn còn quan trọng hơn người đang ở trước mặt bạn.
Một cuộc trò chuyện trọn vẹn sẽ đi kèm với ánh mắt ấm áp. Nhìn chăm chú vào mắt người nói là cách chắc chắn để thể hiện rằng bạn đang lắng nghe, và đó cũng là thông điệp mạnh mẽ bày tỏ bạn muốn nghe điều họ nói. Nếu mở cửa sổ trái tim bằng ánh mắt thì mọi người sẽ nói ra những điều họ đang ấp ủ trong lòng. Ngay cả khi không phải là người giỏi ăn nói, bạn vẫn có thể mở ra cuộc trò chuyện chân thành nếu tập trung lắng nghe và giao tiếp bằng ánh mắt. Nếu ai đó nói chuyện với bạn lúc bạn đang tập trung vào điều gì đó, bạn có thể trả lời mà không cần nhìn họ. Tuy nhiên, nếu bạn tạm dừng việc đang làm, vừa nhìn đối phương vừa nói: “Tôi rất xin lỗi, nhưng chúng ta có thể nói chuyện khi tôi xong việc này được không?” thì người đó sẽ cảm thấy được tôn trọng.
Giao tiếp ánh mắt không có nghĩa là phải nhìn chằm chằm hoặc chỉ nhìn vào mắt của người nói trong suốt cuộc trò chuyện. Điều quan trọng là tạo ra bầu không khí ấm áp để người đối diện có thể nói chuyện một cách thoải mái. Bạn có thể di chuyển ánh nhìn một cách tự nhiên về phía trán, sống mũi và cằm của họ kèm theo một nụ cười nhẹ nhàng. Giống như đôi mắt của các vận động viên thi đấu trong bộ môn thể thao đối kháng khác với đôi mắt của người mẹ nhìn con mình, thì tùy thuộc vào trạng thái tấm lòng mà ánh nhìn cũng sẽ khác. Khi nói về những chủ đề không thoải mái chẳng hạn như tin buồn và không may, hoặc những câu chuyện nhắc đến lỗi lầm và thiếu sót của nhau, việc tránh nhìn vào mắt có thể giúp đối phương cảm thấy thoải mái hơn.
Khi phạt các con hoặc mỗi khi quan điểm của bạn khác với vợ/chồng, trao đi ánh mắt ấm áp sẽ giúp tình hình trở nên tốt hơn. Hành động nhíu mày, vẻ mặt lạnh lùng hoặc biểu cảm không hài lòng sẽ chặn đứng cuộc đối thoại. Nên tránh nhìn chằm chằm từ trên xuống dưới hoặc nhìn xuống ai đó vì hành động này gây cho đối phương cảm giác bị khinh thường.
Hãy nhìn lại xem đôi mắt của bạn đang trao thông điệp gì cho gia đình. Đôi mắt bạn có đang nói rằng TV hoặc điện thoại thông minh quan trọng hơn gia đình không? Đôi mắt bạn có đang khiến gia đình đóng lại tấm lòng vì cái nhìn đầy bực bội hoặc giận dữ không? Hãy gửi gắm tình yêu thương đến các thành viên trong gia đình quý giá của bạn qua đôi mắt sâu, ấm áp và truyền tải sự cổ vũ, động viên bằng đôi mắt lấp lánh, sống động của chúng ta. Nhờ đón nhận ánh mắt yêu thương từ mọi người mà chúng ta trưởng thành và có thêm sức mạnh để sống tiếp.
Bụi trên cửa sổ khiến chúng ta không thể phân biệt chính xác giữa thế giới bên ngoài khi nhìn từ bên trong, hay những điều ở bên trong khi nhìn từ bên ngoài. Cửa sổ vô hình của trái tim cũng vậy. Hãy thường xuyên làm sạch cửa sổ tâm hồn của chúng ta bằng sự thấu hiểu, bao dung và suy nghĩ tích cực. Khi cửa sổ trái tim thông thoáng và sạch sẽ, chúng ta có thể nhìn rõ thế giới tươi sáng và thể hiện trọn vẹn tấm lòng chân thành của mình với người kia. Khi hai đôi mắt như thế này nhìn nhau thì trái tim của cả hai cũng có thể kết nối với nhau.