Vắc xin 6 trong 1 được nhiều bố mẹ lựa chọn để tiêm ngừa cho con trong giai đoạn 2 năm đầu đời bởi tính tiện dụng của vắc xin. Vắc xin cung cấp khả năng phòng ngừa 6 bệnh trong 1 liều vắc xin, lịch tiêm 4 mũi. Tuy nhiên, sau khi tiêm, nhiều bậc phụ huynh cảm thấy quan ngại khi quan sát thấy con mình ngủ li bì, ngủ nhiều hơn, lo lắng rằng con còn quá nhỏ để tiêm phòng một lúc 6 bệnh truyền nhiễm, gây quá tải miễn dịch. Vậy, điều này là đúng hay sai? Nguyên nhân bé tiêm 6 trong 1 về ngủ li bì là gì? Cần phải làm gì trong tình huống này?
Bài viết dưới đây, chuyên gia VNVC sẽ giải đáp chi tiết tất cả thắc mắc trên của quý vị phụ huynh.
BS Phạm Hồng Thuyết - Quản lý Y khoa vùng Mekong, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết: “Vắc xin 6 trong 1 không gây quá tải miễn dịch cho trẻ. Tình trạng ngủ li bì của trẻ sau khi tiêm vắc xin 6 trong 1 có thể là một trong những phản ứng phụ sau tiêm của vắc xin. Hoặc trong quá trình tiêm trẻ cảm thấy lo lắng, căng thẳng khiến trẻ mệt mỏi sau tiêm và cần ngủ nhiều hơn bình thường nhằm phục hồi năng lượng đã mất. Ngoài ra, ngủ li bì, ngủ nhiều sau tiêm vắc xin cũng là một trong những dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch của trẻ đang phản ứng lại với các thành phần kháng nguyên có trong vắc xin và hình thành kháng thể chủ động bảo vệ trẻ trong tương lai.”Bé tiêm 6 trong 1 về ngủ li bì có sao không?
Hiện tượng bé ngủ li bì sau khi tiêm phòng vắc xin 6 trong 1 không phải là dấu hiệu bất thường hay là triệu chứng cảnh báo cho những tình trạng sức khỏe nghiêm trọng sau tiêm. Theo các chuyên gia y tế, buồn ngủ cũng có thể là một trong những phản ứng tự nhiên của cơ thể trẻ đối với vắc xin. Khi tiêm vắc xin, cơ thể sẽ xảy ra các phản ứng miễn dịch cần thiết để tạo kháng thể bảo vệ và quá trình này đôi khi có thể làm cho trẻ cảm thấy mệt mỏi dẫn đến giấc ngủ sâu hơn bình thường. Bé tiêm 6 trong 1 về ngủ li bì có thể kéo dài trong 24 - 48 tiếng sau tiêm, khi cơ thể trẻ đã phục hồi hoàn toàn năng lượng đã tiêu thụ cho các phản ứng miễn dịch từ vắc xin.
Tuy nhiên, bố mẹ nên theo dõi kỹ tình trạng sức khỏe của con và đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế địa phương hoặc bệnh viện gần nhất khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Nguyên nhân bé tiêm 6 trong 1 về ngủ li bì?
Như trên đã đề cập, tiêm 6 trong 1 về ngủ li bì, ngủ nhiều là hiện tượng bình thường và không đáng lo ngại. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, bao gồm:
Phản ứng sinh lý tự nhiên của cơ thể
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, cảm giác sợ hãi, lo lắng và căng thẳng có thể kích thích cơ thể tiết ra một loại hormone gọi là adrenaline (1). Khi tâm lý căng thẳng, nồng độ adrenaline trong máu tăng lên một cách nhanh chóng nhằm giúp cơ thể đối phó với tình trạng căng thẳng tức thì. Nhưng sau khi cơn hoảng sợ hoặc căng thẳng lắng xuống, lượng adrenaline dư thừa có thể gây ra những hiệu ứng “tàn dư” như mệt mỏi, đau đầu và buồn ngủ.
Điều này hoàn toàn phù hợp khi giải thích tại sao trẻ lại có xu hướng cảm thấy buồn ngủ và ngủ li bì sau khi tiêm phòng. Trong quá trình tiêm chủng, mức độ căng thẳng có thể tăng lên bởi cảm giác đau hoặc sự sợ hãi, hoảng sợ đối với kim tiêm hoặc căng thẳng khi gặp bác sĩ. Điều này kích thích cơ thể sản xuất adrenaline, khiến nồng độ hormone adrenaline trong máu tăng cao. Khi trẻ bình tĩnh lại sau tiêm, cơ thể sẽ cần một khoảng thời gian để “xử lý” lượng adrenaline còn lại, dẫn đến cảm giác mệt mỏi và giấc ngủ kéo dài hơn so với bình thường.
Sự căng thẳng tâm lý và thể chất khi tiêm chủng
Bé tiêm 6 trong 1 về ngủ li bì, ngủ nhiều cũng có thể được coi là một phản ứng sinh lý tự nhiên, giúp cơ thể trẻ hồi phục và tái tạo năng lượng. Đối với nhiều trẻ nhỏ, việc bước vào phòng tiêm để tiêm chủng thường là một “cơn ác mộng”. Sự sợ hãi trước kim tiêm và nỗi lo lắng về cảm giác đau khiến trẻ khóc lóc, giãy dụa và thậm chí la hét trong suốt quá trình tiêm. Điều này không chỉ gây ra căng thẳng tâm lý cho trẻ mà còn dẫn đến sự kiệt sức về thể chất. Điều này khiến sau khi tiêm, trẻ thường cảm thấy mệt mỏi, uể oải, cần phải nghỉ ngơi và ngủ nhiều hơn bình thường để hồi phục năng lượng. Tình trạng này tương tự như khi trẻ chơi đùa, chạy nhảy, vận động quá sức và cần nghỉ ngơi, ngủ bù để tái tạo năng lượng đã mất.
Phản ứng của hệ miễn dịch đối với vắc xin
Khi được tiêm vắc xin, cơ thể trẻ bắt đầu hình thành các phản ứng miễn dịch cần thiết để bảo vệ trẻ chống lại các tác nhân gây bệnh nếu chẳng may trẻ tiếp xúc trong tương lai. Quá trình này không chỉ bao gồm việc tạo ra kháng thể mà còn kích hoạt nhiều phản ứng sinh học khác. Bé ngủ li bì có thể là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch đang hoạt động mạnh mẽ, tạo ra các kháng thể.
Giấc ngủ chính là thời gian cơ thể tập trung vào việc sửa chữa và củng cố hệ miễn dịch, tiết kiệm năng lượng và tập trung năng lượng vào quá trình sản sinh lượng kháng thể mới. Tuy vậy, nếu phụ huynh nhận thấy các triệu chứng bất thường như sốt cao, khó thở, phát ban hoặc trẻ phản ứng chậm hơn bình thường, hãy lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Tác dụng phụ thường gặp của một số thành phần vắc xin
Vắc xin 6 trong 1 chứa các thành phần được thiết kế để kích thích hệ miễn dịch một cách an toàn. Tuy nhiên, một số thành phần như tá dược và chất bảo quản có thể gây ra phản ứng phụ tạm thời, bao gồm cảm giác mệt mỏi và buồn ngủ. Bên cạnh đó, sau khi tiêm vắc xin, trẻ thường gặp các phản ứng phụ toàn thân, phổ biến nhất là sốt. Phản ứng sốt khiến trẻ mệt mỏi, quấy khóc, nhiệt độ cơ thể tăng cao, chảy mồ hôi khiến trẻ mất nước và kiệt sức. Do đó, trẻ cần ngủ, muốn ngủ và ngủ nhiều hơn để bù lại sức.
⇒ Tham khảo thêm: 9 phản ứng sau tiêm 6in1 cần lưu ý và cách xử lý hiệu quả
Ngoài nguyên nhân trực tiếp từ vắc xin và phản ứng miễn dịch, có một số yếu tố khác cũng có thể góp phần gây ra tình trạng ngủ li bì ở trẻ sau khi tiêm. Bao gồm: Trẻ có thể chịu tác động từ thay đổi thói quen sinh hoạt, như giờ giấc sinh hoạt không đồng đều trong ngày tiêm. Một môi trường tiêm chủng không an toàn khiến trẻ bị căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ và dẫn đến buồn ngủ sau tiêm.
Bố mẹ cần làm gì khi bé đi tiêm 6in1 về ngủ nhiều?
Dưới đây là một số biện pháp hỗ trợ bé khi gặp tình trạng ngủ nhiều sau tiêm 6 trong 1 bố mẹ có thể áp dụng:
- Theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe tổng quát của bé: Mặc dù việc bé ngủ nhiều có thể là phản ứng tự nhiên, nhưng bố mẹ cần chú ý đến các dấu hiệu bất thường khác. Hãy kiểm tra xem bé có bị sốt cao (trên 39 độ C), co giật hay mệt lả, không có phản ứng khi được gọi; tím tái, khó thở, thở rít, rút lõm lồng ngực khi thở; trẻ quấy khóc, khóc thét kéo dài trên 3 giờ; trẻ bú kém, phát ban cùng các phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày không. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào như trên, cần đưa bé đến cơ sở y tế để kiểm tra và xử lý kịp thời.
- Bổ sung đủ nước và dinh dưỡng: Sau khi tiêm, việc duy trì đủ nước và dinh dưỡng cho bé là rất quan trọng. Nước giúp hạ nhiệt cơ thể nếu bé có hiện tượng sốt. Dinh dưỡng đầy đủ sẽ cung cấp năng lượng cho quá trình hồi phục.
- Khuyến khích trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn: Trẻ cần ngủ nhiều hơn thông thường để cơ thể tập trung năng lượng thúc đẩy hiệu quả của các phản ứng miễn dịch sau khi tiêm vắc xin. Chính vì thế, phụ huynh không nên cản trở quá trình nghỉ ngơi của trẻ, cần cho trẻ nghỉ ngơi và ngủ nhiều hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ phục hồi sau tiêm hiệu quả.
- Tạo môi trường ngủ thoải mái cho bé: Đảm bảo bé ngủ trong môi trường yên tĩnh, thoáng mát, sạch sẽ và thoải mái. Tránh các tác nhân gây nhiễu như tiếng ồn mạnh, ánh sáng chói để bé có giấc ngủ sâu và chất lượng.
- Đo nhiệt độ thường xuyên: Sau khi tiêm, thân nhiệt của bé có thể tăng nhẹ. Bố mẹ nên đo nhiệt độ của bé định kỳ để kịp thời phát hiện và xử lý nếu bé bị sốt cao. Khi phát hiện trẻ sốt cao trên 29 độ C, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế địa phương hoặc bệnh viện gần nhất để được xử trí thích hợp và kịp thời.
- Giảm đau và hạ sốt theo hướng dẫn: Nếu bé gặp phải triệu chứng sốt hoặc đau tại vị trí tiêm, bố mẹ có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc mà không có chỉ định của chuyên gia y tế.
- An ủi và chăm sóc bé nhẹ nhàng: Trẻ nhỏ rất nhạy cảm về mặt cảm xúc và tâm lý, nhất là sau khi trẻ vừa tiêm vắc xin xong, trẻ cần được đón nhận tình yêu thương và sự quan tâm từ bố mẹ thông qua các hành động ôm ấp, lời nói an an ủi để giúp bé cảm thấy an tâm hơn, cải thiện tâm trạng và sức khỏe của bé sau tiêm chủng.
Khi nào tình trạng ngủ li bì ở trẻ sau tiêm chủng cần được lưu ý?
Việc trẻ ngủ li bì sau tiêm chủng là một phản ứng phổ biến và thường không đáng lo ngại. Tuy nhiên, cha mẹ cần phải biết khi nào tình trạng này cần được lưu ý và can thiệp y tế kịp thời để đảm bảo an toàn cho bé.
Phân biệt giữa ngủ nhiều bình thường và bất thường ở trẻ
Bố mẹ có thể phân biệt giữa tình trạng ngủ nhiều bình thường và bất thường ở trẻ sau khi tiêm 6 trong 1 nhằm kịp thời phát hiện tình trạng bất thường trong giấc ngủ của con và kịp thời đưa con đến các cơ sở y tế và bệnh viện gần nhất để được bác sĩ thăm khám và xử trí đúng cách thông qua các tiêu chí sau:
Tiêu chí Ngủ nhiều bình thường ở trẻ Ngủ nhiều bất thường ở trẻ Thời gian ngủ về cảm quan Trẻ có thể có giấc ngủ dài hơn bình thường một chút, kéo dài từ vài giờ đến cả ngày Trẻ tiếp tục ngủ li bì kéo dài hơn 24 giờ mà không có dấu hiệu tỉnh giấc hoặc rất khó đánh thức Sự tỉnh táo Dù ngủ nhiều, trẻ vẫn tỉnh táo, năng động khi thức dậy, và ăn uống bình thường Trẻ khó khăn khi thức dậy, mệt mỏi và không hứng thú với những hoạt động thường ngày Chất lượng giấc ngủ Trẻ có giấc ngủ sâu và không bị gián đoạn nhiều Trẻ thức dậy đột ngột nhiều lần, giật mình khi ngủ, khóc nhiều và không thể dễ dàng quay lại giấc ngủ Các biểu hiện kèm theo Trẻ không có dấu hiệu bất thường nào khác ngoài giấc ngủ kéo dài Trẻ có thêm các triệu chứng bất thường khác như sốt cao, đổ mồ hôi nhiều, khó thở, da tái nhợt hoặc co giậtCách xử lý
Bố mẹ có thể ghi chép lại thời gian ngủ, số lần thức dậy và bất kỳ triệu chứng lạ nào để có thông tin cụ thể khi trao đổi với bác sĩ, giúp bác sĩ có cơ sở đầy đủ để chẩn đoán, xác định tình trạng sức khỏe trẻ đang gặp phải và đưa ra các phương án xử trí chính xác.
Một số trường hợp trẻ ngủ nhiều bất thường sau tiêm cũng có thể do môi trường nghỉ ngơi của trẻ không thoải mái. Do đó, bố mẹ có thể tạo cho trẻ một môi trường nghỉ ngơi yên tĩnh, thoáng mát, thoải mái để giúp trẻ có giấc ngủ sâu hơn và chất lượng hơn. Đồng thời, bố mẹ tích cực cho trẻ uống nhiều nước hơn và chia nhỏ lượng nước thành nhiều lần uống trong một ngày, xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tập trung vào các loại thực phẩm tươi, sạch, giàu dưỡng chất, cho trẻ em đa dạng chất và thực phẩm để giúp trẻ được tiếp nạp nguồn năng lượng dồi dào, sẵn sàng hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động, hình thành kháng thể tốt sau khi tiêm vắc xin.
Như vậy, bé tiêm 6 trong 1 về ngủ li bì, ngủ nhiều là hoàn toàn bình thường, đây là dấu hiệu cơ thể trẻ đang tập trung năng lượng vào việc thực hiện các phản ứng miễn dịch sau tiêm vắc xin. Mệt mỏi, ngủ nhiều, li bì là cách cơ thể bù đắp năng lượng và phục hồi sau phản ứng miễn dịch. Các triệu chứng này sẽ tự hết sau 1 - 2 ngày mà không cần can thiệp y tế, thay vào đó bố mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ ngủ nhiều hơn, nghỉ ngơi trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát, thoải mái. Tuy nhiên, nếu ba mẹ phát hiện các dấu hiệu bất thường khác kèm theo như sốt cao, khó thở, phát ban, lừ đừ, ít đáp ứng hơn bình thường, thời gian ngủ li bì của trẻ kéo dài hơn 24 giờ mà không có dấu hiệu tỉnh táo hoặc cải thiện, cần đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra ngay.