Đây là cuốn tiểu thuyết tâm huyết của nữ nhà văn nổi tiếng xứ Huế Trần Thùy Mai, với văn phong thuần Việt và cốt truyện đậm chất điện ảnh, sinh động, cuốn hút từ đầu đến cuối, đã đạt giải “Sách Hay” năm 2020 của Hội Nhà văn Việt Nam.
Với gần 1.000 trang, 69 hồi, chia thành hai quyển thượng - hạ, bộ tiểu thuyết khai thác lịch sử giai đoạn hưng thịnh của nhà Nguyễn từ Gia Long đến Tự Đức qua cái nhìn của một nhân chứng: Thái hậu Từ Dụ.
Tác giả chọn hậu cung làm nền để kể câu chuyện dài về cuộc đời một trong những bà hoàng lừng danh trong sử Việt, đó là bà Phạm Thị Hằng, chánh thất của hoàng đế Thiệu Trị, sau trở thành hoàng thái hậu Từ Dụ nổi tiếng hiền đức.
Câu chuyện được trải dài 30 năm, qua 3 triều vua Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị; từ lúc cô thiếu nữ 13 tuổi Phạm Thị Hằng theo cha từ vùng đất phương Nam trù phú về kinh đô, chịu bao thăng trầm dâu bể rồi trở thành người đứng đầu hậu cung nhà Nguyễn.
Cô tiểu thư họ Phạm xinh đẹp, thông minh và nhân hậu đã chứng kiến rất nhiều phận đời sau bức tường thành cung cấm, những bi kịch chốn cung đình, và rồi bản thân nàng cũng trở thành một thân phận điển hình. Những mưu mô thủ đoạn tàn độc đầy rẫy ở hậu cung đôi lúc làm khuynh đảo cả triều chính, gây ra những cái chết tức tưởi, những án oan dậy trời tiếng nhơ khó rửa, đến mức hậu thế phải tốn nhiều bút mực tranh luận.
Giữa nơi cung cấm xa hoa đầy bí hiểm đó, mối tình của Phạm tiểu thư và hoàng trưởng tử Miên Tông (vua Thiệu Trị sau này), hiện lên trong trẻo, lãng mạn và chung thủy, dẫu gặp không ít trắc trở éo le. Bên cạnh đó còn có bóng dáng thầm lặng mà trung thành trước sau như một của Trương Đăng Quế, đệ nhất công thần nhà Nguyễn, người mang mối ẩn tình với Phạm tiểu thư bao năm (mối tình này đã trở thành một “đại nghi án” gây tranh cãi của triều Nguyễn). Cuộc chiến cam go bảo vệ tình yêu, danh phận, bênh vực giúp đỡ người ngay và lẽ phải ở nơi quyền quý thực sự gay cấn và đầy hiểm nguy, nhất là khi tranh tối tranh sáng thiện ác khôn lường.
Ngoài trục chính với các nhân vật trung tâm kể trên, tác phẩm còn xoay quanh các mối quan hệ quân thần, huynh đệ, những âm mưu thủ đoạn trong hoàng thất khi quyền lực luôn luôn bị nhòm ngó tranh giành.
Những đại án thời nhà Nguyễn - vẫn còn gây tranh cãi sôi nổi trong hậu thế - được tái hiện sinh động và hấp dẫn, gay cấn: Vụ án quật mồ đại công thần Lê Văn Duyệt do loạn Lê Văn Khôi; đại nghi án con hoàng tử Cảnh thông dâm với mẹ ruột; loạn Hồng Nhậm do vua Thiệu Trị phế trưởng lập thứ; nghi vấn nhức nhối vua Tự Đức có phải là con của đại thần Trương Đăng Quế và thái hậu Từ Dụ?...
Tác giả đưa ra những lý giải thuyết phục về các sự kiện lịch sử, thể hiện sự am hiểu sâu rộng cổ sử và tầm nhìn hợp tình hợp lý. Đồng thời cũng trổ hết tài khéo của một người viết nữ, tinh tế và miêu tả tâm lý nhân vật cực tài tình.
Số lượng nhân vật hấp dẫn và gây ấn tượng trong tiểu thuyết này có rất nhiều: Gia Long thâm trầm khôn khéo, Minh Mạng thông minh quyết đoán và nam tính, Thiệu Trị giàu tình cảm, cả nể, Tam phi Ngọc Bình “con vua mà lại hai lần vợ vua”, Nhị phi Trần Thị Đang cơ mưu xảo quyệt, Trương Đăng Quế điềm đạm nhu cương chu toàn, và Phạm Thị Hằng dịu dàng thông minh, luôn lấy lòng nhân đối đầu cường bạo...
Đọc “Từ Dụ Thái hậu”, độc giả được chiêm ngưỡng lẽ sống cao đẹp về tình người với những quan hệ truyền thống, những giá trị cao quý như bất biến trước cường quyền và thời gian. Đó là lòng trung nghĩa giữa tớ chủ (Hạnh Thảo - Ngọc Tú, Đăng Hưng), là tình vợ chồng thắm thiết keo sơn (Thiệu Trị - Thị Hằng), là tình mẫu tử bao la (Từ Dụ - Tự Đức), tình tri kỷ hiếm có (Lê Văn Duyệt - Phạm Đăng Hưng), nghĩa sư đồ sâu nặng (Đăng Hưng - Đăng Quế).
Đặc biệt, tác giả Trần Thùy Mai còn gửi gắm rất nhiều thông điệp về con người và cuộc sống, về dân tộc; trong đó thấm đẫm tinh thần nhân văn của Phật giáo.
Khẳng định “Từ Dụ thái hậu” là một cuốn tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn và trung thực lạ lung, độc giả Hoàng Quốc Hải nhận định: “Chỉ thông qua các chuyện trong hậu cung, chính trường nhà Nguyễn qua ba triều vua hiện lên một cách sinh động dưới ngòi bút sắc sảo của nữ nhà văn Trần Thùy Mai. Mặt khác, văn hóa phong tục được gói trong các lễ nghi giao tiếp, trong các sinh hoạt cung đình và dân dã được mô tả rất tinh tế, rất Huế”.