Thuyền Bát nhã hay còn gọi xe thuyền là phương tiện được dùng đưa linh cữu người mất đến nơi an nghỉ cuối cùng. Trong đạo Cao Đài, thuyền Bát nhã có thiết kế riêng, với hình dáng một con rồng vàng, đầu rồng, đuôi rồng, nơi chính giữa của mình rồng cất lên một cái nhà vàng đặt linh cữu.
Thiết kế và tạo dáng xe thuyền hoàn toàn được làm thủ công. Hiện nay, nơi duy nhất được cấp phép hoạt động, thiết kế thuyền Bát nhã chính là Ban Thuyền Bát nhã Toà thánh Cao Đài Tây Ninh.
Theo ông Lê Văn Ngàn- Phó Cai quản Thường trực Ban Nhà thuyền cho biết, trước đây, xe thuyền chủ yếu là đẩy bộ. Nhưng những năm sau này, để thuận lợi cho việc đi lại, xe thuyền được thiết kế có thể điều khiển chạy bằng máy. Hầu hết đều là xe các họ đạo tự chế với phần người lái ngồi sau đầu rồng, có tấm kính chắn phía trước. Gần đây, ngành giao thông không cho phép xe tự chế lưu thông trên đường do không bảo đảm tính an toàn. Xe phải có bản vẽ, có thiết kế phần thân rồng phù hợp được lắp đặt trên một xe tải nhỏ.
Khi thay đổi xe, các địa phương, họ đạo lại nhờ đến Ban Nhà thuyền để thiết kế xe và quan trọng hơn hết là tạo nên một con rồng vàng theo đúng mẫu xe thuyền của đạo Cao Đài bấy lâu nay.
Đầu rồng sau khi được hoàn chỉnh.
Rồng trên xe thuyền được làm từ gỗ mít. Để có những phần gỗ tương thích với từng bộ phận của rồng như đầu, đuôi, mũi, tai… người thợ phải khéo léo trong việc xẻ gỗ. Ông Nguyễn Văn Khoăn (phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành) có 20 năm điêu khắc rồng cho các xe thuyền. Ông Khoăn cho biết, trước đây, ông đi đẩy xe thuyền cùng mọi người trong Ban, rồi nhìn thấy những anh, chú đi trước điêu khắc rồng, nên tò mò đến xem cách làm, dần dần ông bị cuốn theo, “rồi biết làm từ khi nào chẳng nhớ rõ”.
Từ một khối gỗ mít to, ông Khoăn phải đục đẽo để thành hình dạng của đầu rồng. “Cực nhất là lúc đầu, gỗ còn nguyên khúc to. Mình phải đục đẽo ra. Hồi xưa, ở Ban Nhà thuyền chưa có nhiều máy móc, mà chở đi trại cưa cũng khó, nên là mình phải chịu khó, đục đẽo từ từ. Mấy năm sau này, Ban Nhà thuyền có cưa máy nên việc rọc rã cũng tiện hơn nhiều rồi”- ông Khoăn chia sẻ.
Từ một người không qua trường lớp điêu khắc hay nghề mộc trước đó, nhưng bằng sự kiên trì bền bỉ, và khiếu thẩm mỹ, ông Khoăn đã dần quen với công việc mới: điêu khắc rồng gỗ.
Tỉ mỉ, không vội vàng, nhưng từng nhát đục của ông Khoăn luôn dứt khoát, gọn gàng. Qua bàn tay cùng góc nhìn nghệ thuật của ông Khoăn, từng bộ phận của đầu rồng dần lộ diện: là cặp sừng hài hoà, là phần trán cao gắn liền bên dưới là chiếc mũi to, là đôi mắt uy mãnh, chiếc lưỡi uốn lượn sống động… Ngay đến những chiếc vây rồng cũng được ông chăm chút từng nét nhỏ.
“Trước đây còn những cây mít to, gỗ xẻ ra nguyên khối, nhưng giờ không còn cây to nữa, mình phải chọn gỗ để làm từng phần khác nhau. Phần nào gỗ nào to thì làm phần đầu, phần đuôi, gỗ nhỏ hơn thì để làm trán, mũi, răng, tai, sừng… sau đó mới ráp lại. Cây giờ kiếm khó có lắm, nhưng nhu cầu vẫn có, mình phải nghĩ cách để làm ra cho các họ đạo”- ông Khoăn nói.
Rồng sau khi được điêu khắc, tạc tượng sẽ được mang đi phơi nắng, tạo độ rút lại cho thân gỗ. Rồi từ thân gỗ màu vàng với những chỗ nối ráp, qua lớp sơn phủ của người thợ vẽ, từng đường nét, từng sắc thái oai dũng, hùng dũng của con linh vật đứng đầu tứ linh được thể hiện rõ hơn. Này là hàm răng trắng muốt, là cặp sừng trắng đỏ, phần thân rồng với hai màu chủ đạo đỏ trắng vàng…
“Ngoài những bộ phận được làm từ gỗ, phần vây, mi mắt… được cắt từ những mảnh nhựa rồi sau đó sơn lên, tạo độ mềm mỏng, nhẹ nhàng thay vì làm từ gỗ. Hay phần râu rồng sẽ được gắn vào sau khi hoàn tất với hai chiếc lò xo và chiếc đèn đỏ trên cùng. Mình cứ dựa vào mẫu các cụ ngày trước làm rồi theo”- ông Khoăn nói.
Ở phần “thân rồng”- nơi đặt linh cữu, cũng được các người thợ mộc, thợ vẽ chạm khắc, sơn vẽ với những biểu tượng thiên nhãn, cột rồng, chim loan… màu sắc tươi sáng như đưa người quá cố về thế giới tâm linh an lạc, nhẹ nhàng.
“Bây giờ trong Ban Nhà thuyền chỉ có tôi làm điêu khắc rồng. Tôi cũng mong có ai thật sự thích làm công quả, có khiếu vào đây, tôi sẽ hướng dẫn để duy trì công việc này của Ban. Chưa có ai làm được, mình cũng lo, nhưng cái này là năng khiếu, là sở thích, phải kiên trì, cần mẫn”- ông Khoăn chia sẻ.