Trong quy trình thực hiện IVF, sau khi đã có kết quả đánh giá phôi và “sức khỏe” nội mạc tử cung người mẹ, bác sĩ điều trị sẽ cùng bệnh nhân cân nhắc và thống nhất nên chuyển phôi tươi hay phôi trữ lạnh và chuyển sau đó sẽ mang lại hiệu quả tối ưu hơn.
“Quyết định nên chuyển phôi tươi hay phôi trữ” sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan, bao gồm chất lượng phôi, khả năng nội mạc tử cung tiếp nhận phôi làm tổ và chính quyết định của vợ chồng bệnh nhân làm IVF”, Bác sĩ Trần Ngọc Hà Giang, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8 cho biết.
Làm IVF nên chuyển phôi tươi hay phôi trữ tốt hơn?
Kể từ khi kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm ra đời, chuyển phôi là cách thức duy nhất đưa phôi vào buồng tử cung để phôi tiếp tục phát triển, bắt đầu một hành trình mới của phôi bên trong cơ thể người mẹ.
Hiện nay, có 2 cách thức chuyển phôi: chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ lạnh. Vậy chuyển phôi tươi và phôi trữ, lựa chọn nào tốt hơn?
1. Tình huống nào nên chuyển phôi tươi?
Phôi được sử dụng để chuyển vào buồng tử cung trong cùng chu kỳ kích thích buồng trứng, ngay sau khi chọc hút trứng (noãn) gọi là chuyển phôi tươi. Chuyển phôi tươi thường được thực hiện vào ngày thứ 3 (chuyển phôi tươi ngày 3) hoặc ngày thứ 5 (chuyển phôi tươi ngày 5) sau chọc hút. (1)
Trứng (noãn) sau khi được thụ tinh trong ống nghiệm sẽ được nuôi trong tủ nuôi cấy chuyên dụng để phát triển thành phôi. Toàn bộ quá trình phôi phân chia tế bào sẽ được theo dõi thông qua hệ thống camera quan sát liên tục (time-lapse) để đánh giá, chọn lọc các phôi chất lượng tốt.
Lợi ích của chuyển phôi tươi là tiết kiệm thời gian, chi phí. Chị em có khả năng mang thai trong thời gian ngắn hơn vì phôi sẽ sớm được chuyển vào buồng tử cung. Đồng thời, chuyển phôi tươi sẽ tránh được một số rủi ro liên quan đến quá trình trữ lạnh phôi. Vì vậy trong trường hợp bác sĩ đánh giá sức khỏe toàn diện của chị em ổn, khả năng mang thai thành công cao, bác sĩ sẽ tư vấn chọn chuyển phôi tươi.
Bác sĩ Trần Ngọc Hà Giang - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8 cho biết, quá trình chuyển phôi tươi sẽ tạm dừng nếu mức progesterone ngày tiêm thuốc gây rụng trứng tăng cao do lo ngại hormone cao ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả chuyển phôi.
Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS) do tác dụng phụ của thuốc kích trứng (noãn), gặp vấn đề sau thủ thuật chọc hút… thì không nên chuyển phôi tươi. Bác sĩ sẽ tư vấn thêm về lựa chọn trữ đông lạnh phôi và tiến hành chuyển khi cơ thể của người mẹ ổn định.
2. Tình huống nào nên trữ phôi và chuyển phôi trữ
Xu hướng trữ đông lạnh phôi chờ thời điểm hợp lý để chuyển ngày càng được nhiều chị em lựa chọn khi điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Sau khi trứng được thụ tinh với tinh trùng, phát triển thành phôi trong các tủ nuôi cấy chuyên dụng sẽ được xử lý hạ nhiệt độ nhanh và lưu trữ trong các tủ trữ ở nhiệt độ âm 196 độ C. Khi chuyển phôi, bác sĩ tiến hành rã đông phôi và chuyển vào buồng tử cung khoảng 2-3 giờ sau đó.
Phôi chưa được sử dụng ngay sẽ được trữ đông trong nitơ lỏng ở nhiệt độ âm 196 độ C. Trường hợp bệnh nhân muốn chuyển phôi trữ, hoặc điều kiện tử cung chưa thuận lợi, ứ dịch vòi trứng, tiền căn chuyển phôi thất bại nhiều lần… phôi sẽ được rã đông và chuyển vào buồng tử cung sau khi đã chuẩn bị niêm mạc kỹ lưỡng. Ngoài ra, trữ đông phôi giúp bảo tồn khả năng sinh sản nếu bệnh nhân điều trị ung thư hoặc lo ngại suy giảm chất lượng trứng/tinh trùng vì tuổi tác.
Chuyển phôi trữ thường diễn ra khi cơ thể của người mẹ đã ổn định, sẵn sàng đón nhận phôi. Quá trình chuẩn bị nội mạc tử cung để chuyển phôi kéo dài khoảng 2 - 3 tuần. Đối với bệnh nhân đã mang thai bằng kỹ thuật IVF thành công, việc chuyển phôi trữ cho những lần mang thai sau sẽ được tiến hành khi bản thân người phụ nữ đã sẵn sàng cho thai kỳ tiếp theo.
Kỹ thuật trữ đông phôi giúp người bệnh chủ động hơn trong lựa chọn thời gian chuyển phôi. Theo lý thuyết, thời gian lưu trữ phôi là vô hạn. Tại IVF Tâm Anh, hầu hết các cặp vợ chồng hiếm muộn trữ đông phôi trong 4-6 năm. Các phôi sau khi rã được đánh giá không gặp vấn đề bất thường gì so với trước khi trữ đông.
Ưu điểm khi chuyển phôi trữ là không cần bắt đầu bằng chu kỳ kích thích buồng trứng và chọc hút noãn. Nhờ vậy bệnh nhân có thể giảm một số nguy cơ như quá kích buồng trứng do sử dụng thuốc kích trứng hoặc viêm nhiễm, chảy máu do thủ thuật chọc hút trứng gây ra.
Hội chứng quá kích buồng trứng là tình trạng đáp ứng quá mức của buồng trứng với thuốc kích thích buồng trứng. Một số nghiên cứu chỉ ra tình trạng quá kích buồng trứng nặng xảy ra khi nồng độ hCG (human chorionic gonadotropin) trong cơ thể tăng cao. Việc điều trị hội chứng này đòi hỏi chi phí lớn và có thể ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của người bệnh. Hiện nay, trữ đông phôi là biện pháp dự phòng quá kích buồng trứng được nhiều trung tâm hỗ trợ sinh sản ứng dụng.
Bệnh nhân có các bất thường hoặc bệnh lý liên quan tử cung, vòi trứng cần được điều trị trước khi chuyển phôi nhằm tối ưu hiệu quả điều trị IVF. Các bệnh lý polyp buồng tử cung, tử cung dị tật bẩm sinh, lạc nội mạc tử cung trong cơ, ứ dịch vòi trứng, bệnh lý toàn thân ảnh hưởng đến quá trình mang thai… cần được điều trị dứt điểm trước khi chuyển phôi. Lúc này, trữ đông phôi là giải pháp tối ưu cho bệnh nhân.
Đối với trường hợp bệnh nhân gặp thất bại chuyển phôi nhiều lần hoặc sảy thai liên tiếp, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm tiền làm tổ (PGT) đối với phôi. Vì vậy, những phôi này sẽ được trữ đông lại để chờ kết quả PGT trước khi quyết định chuyển phôi. Các phôi khỏe mạnh, chất lượng tốt sẽ được chuyển vào buồng tử cung, trong khi đó, những phôi có bất thường di truyền sẽ bị hủy.
Bác sĩ Trần Ngọc Hà Giang cho biết ngoài những lý do trên, một số trường hợp bệnh nhân có nội mạc tử cung không thuận lợi vào ngày chuyển phôi tươi như tình trạng ra huyết, ứ dịch lòng tử cung, nên nếu tiến hành chuyển phôi vào giai đoạn này, khả năng làm tổ của phôi sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Vì vậy lựa chọn trữ đông lạnh phôi và chuyển vào buồng tử cung ở một thời điểm khác góp phần cải thiện hiệu quả điều trị IVF.
Nhìn chung, chu kỳ chuẩn bị nội mạc tử cung để chuyển phôi trữ khá nhẹ nhàng, người bệnh chỉ cần tới bệnh viện khoảng 2 - 3 lần để bác sĩ đánh giá nội mạc tử cung trên siêu âm cho đến khi nội mạc đạt được độ dày và hình ảnh tốt nhằm tối ưu hóa khả năng có thai cho bệnh nhân sau chuyển phôi.
Sự thành công hay thất bại của một chu kỳ IVF phụ thuộc rất lớn vào khả năng chấp nhận phôi của nội mạc tử cung. Nhiều nghiên cứu cho thấy độ dày nội mạc tử cung đạt 8-14mm là lý tưởng nhất để chuyển phôi, cải thiện tỷ lệ có thai thành công.
Tóm lại, lựa chọn chuyển phôi tươi hay trữ đông đều có những ưu điểm nhất định. Dựa trên các thông tin trường hợp bệnh nhân cụ thể, bác sĩ sẽ tư vấn các lựa chọn chuyển phôi phù hợp nhất. Chị em nên trao đổi với bác sĩ điều trị trực tiếp để hiểu và đưa ra quyết định chuyển phôi phù hợp với bệnh lý của bản thân.
Lựa chọn nên chuyển phôi tươi hay phôi trữ phụ thuộc vào những yếu tố nào?
Sau khi trứng và tinh trùng đã được thụ tinh thành công và tạo thành phôi, quá trình chuyển phôi tươi sẽ diễn ra ngay khi có phôi, tức là 3-5 ngày sau chọc hút trứng. Ngược lại, việc chuyển phôi trữ đông có thể diễn ra sau nhiều tháng, nhiều năm, sau khi bệnh nhân lấy trứng để thụ tinh với tinh trùng.
Việc lựa chọn giữa 2 phương thức chuyển phôi tươi hay phôi trữ phụ thuộc vào một số yếu tố:
1. Tình trạng sức khỏe người bệnh
Bác sĩ Lê Đăng Khoa cho biết, một số bệnh lý tử cung (polyp tử cung, dị dạng tử cung, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung…), bệnh lý toàn thân ảnh hưởng đến khả năng mang thai thành công (bệnh tuyến giáp, rối loạn hệ miễn dịch…), hoặc hội chứng quá kích buồng trứng, rủi ro sau thủ thuật chọc hút trứng (noãn) có thể ảnh hưởng đến khả năng phôi làm tổ và phát triển thành thai nhi. Vì vậy, nếu các kết quả xét nghiệm đánh giá sức khỏe chị em gặp vấn đề, bác sĩ sẽ đưa ra tư vấn chuyển phôi trữ vào thời điểm thích hợp.
2. Phụ thuộc vào kế hoạch sinh sản của người bệnh
Các cặp vợ chồng điều trị hiếm muộn bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đều mong mỏi có con sớm nhất có thể. Căn cứ vào nguyện vọng của gia đình về thời gian mang thai, số con mong muốn mà bác sĩ đưa ra kế hoạch điều trị cụ thể. (2)
Nếu bệnh nhân đảm bảo sức khỏe và tâm lý ổn định, có thể chuyển phôi tươi để sớm có thai. Trong khi đó các phôi khỏe mạnh chưa được sử dụng trong đợt điều trị này có thể trữ đông lạnh phôi và chuyển phôi ở chu kỳ tiếp theo.
3. Phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ điều trị IVF
Việc lựa chọn sử dụng phôi tươi hay phôi trữ đông được bác sĩ cân nhắc rất nhiều dựa trên các yếu tố tình trạng sức khỏe của người bệnh, tiền sử điều trị và các yếu tố khác. Mục tiêu của bác sĩ khi lựa chọn phương thức chuyển phôi nhằm đạt hiệu quả điều trị cao nhất. Vì vậy quyết định lựa chọn giữa phôi tươi hay phôi trữ đông dựa trên khả năng thành công giữa các phương án và mong muốn của từng bệnh nhân.
4. Chi phí thực hiện chuyển phôi tươi và phôi trữ
Chi phí điều trị IVF là vấn đề quan trọng cần được xem xét để đưa ra quyết định chuyển phôi theo cách nào. Quy trình điều trị IVF không chỉ là một chỉ định y khoa mà còn đòi hỏi phù hợp với khả năng chi trả của gia đình bệnh nhân.
Chuyển phôi tươi có thể được ưu tiên hơn do phôi chất lượng tốt có thể nhanh chóng làm tổ và phát triển trong tử cung. Lựa chọn này giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn tiết kiệm thời gian, chi phí trữ đông phôi, giảm chi phí phát sinh do ăn uống, sinh hoạt, đi lại khi điều trị…
Trong một số trường hợp, trữ đông phôi có thể là giải pháp tiết kiệm hơn so với lựa chọn chuyển phôi tươi. Bác sĩ Huỳnh Kha lý giải việc trữ đông phôi là biện pháp dự phòng hiệu quả cho những cặp vợ chồng không may thất bại khi chuyển phôi trước đó. Bệnh nhân có thể nhanh chóng sử dụng nguồn phôi dự trữ có sẵn mà không cần bắt đầu lại chu kỳ kích trứng và chọc hút trứng (noãn) mới. Điều này góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị cho bệnh nhân.
5. Thời gian giữa chuyển phôi tươi và phôi trữ
Yếu tố tuổi tác khi lấy trứng (noãn)/tinh trùng, nuôi phôi và chuẩn bị cho quá trình chuyển phôi ảnh hưởng đến quyết định cách thức chuyển phôi. Trong một số trường hợp, lựa chọn chuyển phôi tươi được ưu tiên nếu bệnh nhân không có nhiều thời gian, thường gặp ở những chị em lớn tuổi hoặc gặp tình trạng bệnh lý liên quan buồng trứng.
Nếu bệnh nhân không gặp áp lực về yếu tố thời gian, lựa chọn chuyển phôi trữ đông được đánh giá hợp lý hơn. Điều này nhằm đảm bảo sức khỏe chị em ổn định, không gặp các vấn đề liên quan rối loạn nội tiết, quá kích buồng trứng do tác dụng phụ của thuốc kích trứng, đã điều trị dứt điểm các bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng mang thai, tâm lý thoải mái và sẵn sàng cho việc chuyển phôi… Điều này góp phần cải thiện tỷ lệ chuyển phôi thành công ở bệnh nhân đang điều trị IVF.
Tỷ lệ thành công khi chuyển phôi tươi và phôi trữ là bao nhiêu?
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng kết quả tỷ lệ trẻ sinh sống sau chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ không có sự khác biệt đáng kể (lần lượt là 50.2% và 48.7%). Điều này đồng nghĩa tỷ lệ mang thai thành công và sinh con khỏe mạnh giữa lựa chọn chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ tương đương nhau. Ngoài ra, không có sự khác biệt quá lớn giữa 2 nhóm về tỷ lệ làm tổ, mang thai lâm sàng, sảy thai và tỷ lệ mang thai kế tiếp. (3)
Mặc dù các kết quả không quá khác biệt nhưng chuyển phôi trữ giúp giảm nguy cơ quá kích buồng trứng - hội chứng có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống và đe dọa tính mạng bệnh nhân điều trị IVF. Ngoài ra, tùy thuộc vào các yếu tố khác của người phụ nữ như tuổi tác, phác đồ kích trứng, có bệnh lý ở tử cung - vòi trứng hay không… mà bác sĩ sẽ tư vấn bệnh nhân nên chọn chuyển phôi tươi hay phôi trữ để tăng khả năng thành công sau thụ tinh trong ống nghiệm.
Liên hệ BVĐK Tâm Anh để được tư vấn nên chuyển phôi tươi hay phôi trữ
Hiện nay, xu thế chuyển phôi trữ lạnh được lựa chọn nhiều hơn do khả năng giảm thiểu các biến chứng xảy ra trong quá trình kích thích buồng trứng và chọc hút trứng (noãn). Tại IVF Tâm Anh, tỷ lệ thành công giữa chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ đông là tương đương nhau. Cả 2 lựa chọn đều có những ưu - nhược điểm nhất định đối với từng bệnh nhân điều trị IVF. Từ đó, bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị và tư vấn phương thức chuyển phôi phù hợp cho người bệnh.
Lựa chọn phương pháp chuyển phôi còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân trong giai đoạn kích trứng, bệnh lý toàn thân, bệnh lý tại tử cung của người mẹ và mong muốn của các cặp vợ chồng đang điều trị. Trong suốt quá trình điều trị, bác sĩ sẽ theo dõi sát sao và đưa ra những lời khuyên cụ thể nhằm đem lại khả năng mang thai thành công cao nhất cho mọi bệnh nhân khi đến với trung tâm.
IVF Tâm Anh được trang bị hệ thống tủ nuôi cấy phôi chuyên dụng, phòng labo siêu sạch đạt chuẩn ISO 5, hệ thống tủ trữ đông phôi/noãn/tinh trùng ổn định, đảm bảo điều kiện tối ưu lưu trữ phôi và giao tử với chất lượng tốt nhất. Tiến trình phôi phát triển sẽ được các chuyên viên phôi học theo dõi, đánh giá thông qua camera theo dõi liên tục (time-lapse) tích hợp trong tủ cấy, sau đó sẽ được phần mềm trí tuệ nhân tạo AI phân tích nhằm phân loại phôi, hỗ trợ các chuyên viên phôi học lựa chọn các phôi chất lượng tốt nhất để chuyển phôi tươi hoặc trữ đông lại.
Khi chuyển phôi, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ hỗ trợ sinh sản trực tiếp thực hiện. IVF Tâm Anh quy tụ nhiều chuyên gia giỏi, bác sĩ giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại hỗ trợ, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới nhằm tối ưu hóa kế hoạch điều trị, giúp các cặp bố mẹ tiến gần hơn với giấc mơ có con chính chủ khỏe mạnh.
Để tìm hiểu quy trình chuyển phôi tại IVF Tâm Anh, các cặp vợ chồng có thể liên hệ theo thông tin:
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ đông có tỷ lệ thành công tương đương nhau. Việc lựa chọn nên chuyển phôi tươi hay phôi trữ đông phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý của người mẹ và quyết định của các cặp vợ chồng dựa trên những lời tư vấn từ bác sĩ điều trị. Hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị để có kế hoạch điều trị phù hợp.