TP HCM_Con trai đau bụng kéo dài 2 năm, khó khăn trong điều trị, chị Liên đưa bé về Việt Nam khám, sau hai ngày bác sĩ phát hiện bé bị động kinh và migraine thể bụng.
Chị Kim Liên (34 tuổi, Cần Thơ) lập gia đình rồi chuyển đến Na Uy sinh sống cùng chồng là người Việt đã định cư 10 năm. Họ có một con trai là bé Johan Phạm. Lúc sinh, bé khỏe mạnh. Khi Johan được khoảng 2,5 tuổi, nói sõi, bé thường xuyên than đau bụng.
Chị Liên nghĩ con đau bụng giun, cho uống thuốc xổ nhưng không khỏi. Khám tại Na Uy, bác sĩ nghi ngờ hiện tượng không dung nạp đường lactose trong sữa bột, khuyên gia đình đổi sữa cho con uống, song bé vẫn không hết bệnh.
Tình trạng này xảy ra thường xuyên hơn khi Johan học mẫu giáo. Bé liên tục than đau bụng, yêu cầu cô giáo báo mẹ đón về. Ban đầu vợ chồng chị Liên còn nghĩ con viện cớ vì không muốn đi học, nhưng nhiều lần quan sát thấy bé mệt, nằm im, than đau tầm một tiếng rồi tự hết. Johan được thăm khám, nội soi dạ dày vẫn không phát hiện bất thường. Bác sĩ nghi bé gặp vấn đề tâm lý, tự “tưởng tượng” ra cơn đau bụng, khuyên vợ chồng chị Liên đưa con đi gặp bác sĩ tâm lý. Tuy nhiên, xuyên suốt quá trình dài kiểm tra tại khoa Tâm lý, bác sĩ không thể kết luận Johan gặp bất thường. Bé vui vẻ, giàu năng lượng, phát triển đúng độ tuổi.
Gia đình chị Liên như rơi vào ngõ cụt, vì tình trạng đau bụng mãn tính khiến Johan phải nghỉ học thường xuyên, chương trình học bị gián đoạn khiến bé khó hòa nhập và học tiếng Na Uy.
“Nhiều hôm vừa đến cửa công ty, cô giáo Johan lại gọi điện yêu cầu về đón con, tôi phải bỏ việc chạy về”, chị Liên nói, thêm rằng dù nghỉ việc để chuyên tâm chạy chữa cho con, song bệnh Johan ngày càng nặng.
Biến cố lớn xảy đến vào tháng 4/2024, trong giờ biểu diễn võ thuật trên lớp, Johan bỗng ngất xỉu, mặt xanh xao, miệng và lưỡi co cứng, bé không thể nói. Từ dưới khán đài, vợ chồng chị Liên vội lao lên sân khấu bế con. Bé mất ý thức trong khoảng 3 phút rồi hồi tỉnh khi xe cứu thương đến.
Tại bệnh viện, Johan được kiểm tra tim, điện não đồ nhưng kết quả bình thường, bé liên tục than đau. Vì không tìm được nguyên nhân, bé được xuất viện. Chị Liên rơi vào khủng hoảng khi chỉ hai ngày sau, Johan lại tiếp tục ngất trong giờ học vẽ với biểu hiện tương tự, vị bác sĩ nói với gia đình: “Chúng tôi không thể tìm nguyên nhân vì sao bé đau và ngất”. Cậu bé lại được chỉ định xuất viện. Cơn đau dồn dập hơn, Johan liên tục ói, sụt cân, chị Liên như ngồi trên đống lửa, hoảng hốt và tuyệt vọng.
Theo chị Liên, ở Na Uy, việc trị bệnh cho Johan hoàn toàn miễn phí, song rất khó để được yêu cầu chụp CT hay MRI não, mọi việc phải theo trình tự. “Tôi không đủ kiên nhẫn tiếp tục chờ, con có mệnh hệ gì, tôi không sống được”, chị Liên nói, rồi đặt vé bay gấp về Việt Nam.
PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết bệnh nhi được nhập viện thực hiện các kiểm tra tìm nguyên nhân đau mạn tính, ngất bất thường. Kết quả tầm soát bệnh tiêu hóa đều bình thường nhưng MRI não bất thường tín hiệu vỏ não, gợi ý loạn sản vỏ não.
Tổn thương loạn sản vỏ não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh động kinh ở trẻ em. Khoa Nhi tiếp tục hội chẩn cùng Trung tâm Khoa học Thần kinh về bất thường này.
TS.BS Lê Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh cho biết, dựa trên triệu chứng, bệnh sử và kết quả MRI não, điện não đồ bác sĩ chẩn đoán Johan mắc bệnh động kinh. Các biểu hiện đau bụng nhiều khả năng là migraine thể bụng một tình trạng có thể gặp ở trẻ em, đặc biệt trẻ bị động kinh.
Migraine thể bụng là các cơn đau bụng kịch phát, tái phát và cấp tính có thể kéo dài dài 1-72 giờ. Vị trí đau có thể giữa bụng hoặc quanh rốn, mức độ tăng dần. Bệnh có chu kỳ cách quãng so với lúc bình thường hàng tuần, hàng tháng, đau kèm với một trong 2 biểu hiện như biếng ăn, nôn ói, ói mửa. Giữa các đợt bệnh, bệnh nhi sẽ trở lại trạng thái sức khỏe ban đầu.
Theo Tiến sĩ Tuấn, động kinh ở trẻ em có tỷ lệ mắc khoảng 2,5/1.000 trẻ em, còn migraine thể bụng gây rối loạn chức năng đường tiêu hóa ảnh hưởng đến khoảng 0,2% đến 4,1% trẻ em.
Triệu chứng của migraine thể bụng thường khó nhận biết và dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề tiêu hóa thông thường như đau bụng, nôn mửa, buồn nôn, đầy hơi và tiêu chảy. Trẻ mắc bệnh thường tái phát đột ngột mà không thể giải thích, nặng hơn trẻ có thể có triệu chứng rối loạn hệ thần kinh như mệt mỏi, lú lẫn, nhức đầu.
Johan được sử dụng thuốc điều trị động kinh kéo dài nhằm kiểm soát các cơn và phòng ngừa các cơn migraine, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Sau 5 ngày dùng thuốc, bé không còn than đau bụng, ăn uống tốt, được xuất viện. Một tháng sau bé tái khám, hết đau, không còn nôn ói.
“Nếu bé không có hai đợt ngất chắc tôi chưa về Việt Nam, hồi hương là quyết định sáng suốt để tìm và chữa bệnh cho con”, người mẹ nói.
Chị Liên ở lại Việt Nam trong 3 tháng hè để con theo dõi, tái khám theo hẹn của bác sĩ. Hồ sơ y khoa của Johan sẽ được phiên dịch, để khi về lại Na Uy vẫn thuận tiện trong việc điều trị.
Theo bác sĩ Tuấn, động kinh là bệnh mạn tính và rất khó chữa. Tuy nhiên nếu được điều trị bằng các thuốc chống động kinh đúng phác đồ và đầy đủ, tần suất lên cơn ở trẻ sẽ giảm dần, không còn tái phát, và dần khỏi bệnh. Việc cho trẻ ngừng thuốc chống động kinh có thể được cân nhắc tùy theo từng bệnh nhân, thông thường là sau hai năm không bị động kinh tái phát.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), động kinh là một bệnh não mãn tính không lây nhiễm, ảnh hưởng đến khoảng 50 triệu người trên toàn thế giới. Ước tính có tới 70% số người mắc bệnh động kinh có thể sống mà không bị co giật nếu được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Bệnh động kinh chiếm hơn 0,5% gánh nặng bệnh tật toàn cầu, có thể tạo ra nhiều gánh nặng cho gia đình. Hiện khoảng 25% nguyên nhân gây bệnh động kinh có thể phòng ngừa bằng cách giảm chấn thương đầu, chăm sóc thai sản tốt để giảm giảm các trường hợp động kinh mới do chấn thương khi sinh…