Thấy nốt ruồi vùng cánh mũi bỗng dưng phát triển to dần, ông Hiếu đi khám phát hiện ung thư da, được phẫu thuật kịp thời.
Ông Lê Văn Hiếu (66 tuổi, ngụ Cà Mau) có nốt ruồi vùng cánh - chóp mũi phải từ rất lâu, khoảng 4-5 tháng nay nốt ruồi bỗng dưng phát triển lớn dần. Ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM thăm khám, bác sĩ da liễu chỉ định bấm sinh thiết, cho kết quả ung thư da vùng cánh mũi phải. Ông Hiếu chia sẻ, ông làm nông và nuôi đầm tôm nên phơi nắng trên đồng cả ngày. Ngoài đội nón, ông không có biện pháp che chắn nắng nào khác.
ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, kết quả sinh thiết lần một của bệnh nhân là ung thư da tế bào đáy, bờ cắt còn tế bào u nên bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt rộng từ bờ khối u thêm khoảng 5mm để lấy trọn khối u, phòng ngừa còn sót tế bào ung thư dẫn đến tái phát. Sau đó, bác sĩ tiếp tục gửi mẫu giải phẫu bệnh lần 2 để xác định còn tế bào ung thư không.
Bác sĩ Hằng cho biết, do phẫu thuật cắt rộng nên để đảm bảo thẩm mỹ cho bệnh nhân, các bác sĩ tiến hành đồng thời kỹ thuật tái tạo vạt da che phủ vùng khuyết lõm bằng vạt da xoay tại chỗ (vạt cánh mũi). “Đây là một cuộc phẫu thuật ‘hai trong một’, vừa điều trị ung thư, vừa tái tạo thẩm mỹ cho vùng mũi, hạn chế được vùng da mất chất cho bệnh nhân”, bác sĩ Hằng nói.
Sau phẫu thuật 2 ngày, vết mổ khô, vạt da hồng hào, bệnh nhân sinh hoạt bình thường và được xuất viện.
Kết quả giải phẫu bệnh lần 2 là ung thư biểu mô carcinoma tế bào đáy, giai đoạn T0N0M0, bờ u không còn tế bào ung thư, chưa di căn hạch, chưa di căn xa. Theo bác sĩ Hằng, tiên lượng sống trên 5 năm với trường hợp này là hơn 95%. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và tái khám tại khoa Tai Mũi Họng mỗi 3 tháng/lần trong năm đầu và 6 tháng/lần năm tiếp theo.
Bác sĩ Hằng cho biết, ung thư da thường phát sinh từ vùng da hở, trong đó đầu, cổ, mặt chiếm 80-90%. Có 4 loại ung thư da bao gồm ung thư tế bào vảy, phổ biến thứ 2 sau ung thư tế bào đáy. Loại ung thư da này thường gặp ở các nước Âu Mỹ, ít gặp ở châu Á. Ung thư các tuyến phụ thuộc da ít gặp hơn. Ung thư tế bào hắc tố chiếm 5% tổng ung thư da, có thể gặp ở mọi chủng tộc nhưng người da trắng mắc nhiều nhất.
Carcinoma tế bào đáy là một loại ung thư da phổ biến nhất, chiếm khoảng 75% trong số các loại ung thư da, thường gặp sau tuổi 50. Bệnh này ít nguy hiểm hơn loại ung thư tế bào hắc tố và có tiên lượng sống trên 5 năm là 90-95% nếu được phát hiện và điều trị sớm.
Nguyên nhân gây ung thư da được biết đến chủ yếu do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, mắc bệnh lý về da mạn tính, gia đình có bệnh lý da di truyền. Carcinoma thường do tiếp xúc với tia cực tím từ ánh nắng mặt trời gây sai lệch quá trình tổng hợp ADN trong quá trình phân chia tế bào…
Ung thư da tế bào đáy Carcinoma thường có biểu hiện u nhỏ, mật độ chắc, trên có giãn mạch, không ngứa, không đau. Khối u tiến triển chậm, tăng dần về kích thước, lan ra xung quanh, thâm nhiễm, xâm lấn đến các tổ chức dưới da. Tổn thương có thể loét, dễ chảy máu, đóng vảy tiết đen.
Bác sĩ Hằng khuyến cáo, khi phát hiện nốt ruồi có sự phát triển bất thường, kèm các dấu hiệu kể trên ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, chúng ta nên đến ngay bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để phòng ngừa ung thư da, biện pháp tốt nhất là bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời như: mặc quần áo chống nắng, đeo khẩu trang, kính râm, đội nón, mũ, thoa kem chống nắng; hạn chế đi ra ngoài trời vào khung giờ cao điểm, tia cực tím hoạt động mạnh (từ 11-14 giờ). Mỗi người cần tránh tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, bức xạ; tránh để mắc các bệnh ngoài da; không tự ý cắt, tẩy nốt ruồi. Đối với những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư da, người thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, từ tuổi 50 nên thăm khám da định kỳ và thực hiện tầm soát khi có lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa.
* Tên bệnh nhân đã thay đổi.