Vết thương do mảnh bom văng từ thời chiến khiến ông L. chịu đựng tiểu khó, tiểu són, bí tiểu từ thời trai trẻ đến tận lúc đầu bạc.
Trở lại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tái khám và rút ống thông tiểu sau phẫu thuật 3 tuần, ông D.T.L. (74 tuổi, An Giang) cho biết không còn són tiểu, tiểu khó hay bí tiểu. Đây những vấn đề ông đã chịu đựng hơn 40 năm qua.
“Nếu biết sẽ hiệu quả như vậy, đáng lẽ tôi nên mổ sớm”, ông L. hào hứng nói.
Ông L. nhập ngũ năm 18 tuổi. Hai tháng sau nhập ngũ, trong một trận đánh ở vùng biên giới phía Tây, ông bị mảnh bom văng vào, làm tổn thương nhiều vùng trên cơ thể, bao gồm cả vùng kín. Ông được đưa về dưỡng thương tại một bệnh viện quân y ở TP.HCM trong 6 tháng.
Di chứng từ vết thương tại vùng kín khiến ông đi tiểu khó khăn hơn, dòng nước tiểu yếu, phải cố gắng rặn nhưng do còn trẻ, ông không cảm thấy khó chịu, bất tiện. Tuy nhiên, sau tuổi 30, các triệu chứng này diễn tiến nghiêm trọng hơn. “Bàng quang lúc nào cũng đầy nước, bụng căng phình, đau quặn nhưng cố rặn cũng chỉ đi tiểu nhỏ giọt rất khó chịu”, ông L. chia sẻ.
Thời điểm đó, tình hình kinh tế khó khăn, ông lại là trụ cột của gia đình nên bỏ qua khó chịu của bản thân, dành điều kiện tốt nhất trong khả năng để nuôi 4 người con ăn học.
Một lần đi dự đám cưới họ hàng, nước tiểu đột ngột rỉ ra không thể kiểm soát khi ông đang ăn uống, nói chuyện vui vẻ với mọi người xung quanh. Từ đó, ông không nhận lời mời đi đám cưới nữa vì không muốn phá hỏng ngày vui của người khác. Con cháu muốn đưa ông đi du lịch đây đó ông cũng nhất quyết từ chối vì sợ những lần “mất kiểm soát” khiến cuộc vui của con cháu không trọn vẹn.
“Niệu đạo của người bệnh có một đoạn hẹp nghiêm trọng, kích thước chỉ bằng cây kim, chiều dài đoạn hẹp khoảng 1cm”, thạc sĩ bác sĩ Cao Vĩnh Duy, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết sau khi nội soi niệu đạo và chụp X-quang niệu đạo ngược dòng cho ông L. ngày 30/5. Nguyên nhân hẹp niệu đạo là do vết thương trong quá khứ xơ hóa, dày lên theo thời gian, dần lấp kín lòng niệu đạo.
Niệu đạo là đường thoát nước tiểu từ bàng quang (bọng đái) ra ngoài cơ thể. Niệu đạo chít hẹp khiến nước tiểu khó thoát ra, dồn ứ tại bàng quang. Lượng nước tiểu từ thận đổ về bàng quang luôn lớn hơn nhiều lượng nước tiểu thải ra khỏi cơ thể khiến bàng quang đầy, căng tức khó chịu. Khi nước tiểu vượt quá sức chứa của bàng quang sẽ xảy ra hiện tượng rò rỉ nước tiểu không kiểm soát, gọi là són tiểu do tràn đầy.
Khi nghe phẫu thuật tạo hình niệu đạo là phương án điều trị hiệu quả duy nhất, ông L. quyết liệt từ chối, đòi về nhà ngay lập tức.
Chị S., con gái ông, giải thích khoảng 3 tháng trước, ông bí tiểu, bụng phình to, đau đớn, phải vào cấp cứu ở bệnh viện gần nhà. Trên đường cả nhà nơm nớp sợ ông bị bể bàng quang. Tại bệnh viện, ông được nội soi xẻ lạnh niệu đạo. Một thời gian sau mổ, niệu đạo tái phát hẹp, gây đau, đi tiểu khó khăn hơn, không rặn tiểu được nên ông sợ phẫu thuật, sợ tiếp tục thất bại, sẽ phải mang túi nước tiểu suốt đời.
Bác sĩ Duy giải thích phẫu thuật tạo hình niệu đạo hiện là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị hẹp niệu đạo do loại bỏ hoàn toàn phần niệu đạo bị hẹp, tỷ lệ thành công sau phẫu thuật trên 90%.
Được bác sĩ giải thích cặn kẽ về kỹ thuật mổ cùng với sự động viên của con cháu, ông L. quyết định một lần nữa lên bàn mổ. Cuộc mổ được thực hiện bởi ê kíp bác sĩ khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM: ThS.BS Cao Vĩnh Duy và BS.CKI Phạm Thế Anh.
Bác sĩ Duy cho biết do đoạn hẹp trên niệu đạo của ông L. chỉ khoảng 1cm nên phẫu thuật cắt nối tận - tận là phương án tốt nhất. Tuy nhiên, đoạn hẹp nằm sâu, khó tiếp cận, bác sĩ sử dụng đường mổ đặc biệt, dạng chữ T ngược, tại tầng sinh môn (nằm giữa bìu và hậu môn) mới có thể bộc lộ đủ không gian phẫu thuật. Sau khi đoạn xơ hẹp được loại bỏ, bác sĩ tỉ mỉ khâu nối hai đoạn niệu đạo bình thường lại với nhau.
Ngay sau khi tạo hình niệu đạo xong, ê kíp tiến hành mở bàng quang ra da. Một lỗ nhỏ được tạo chính giữa xương mu để đặt ống thông tiểu dẫn vào bàng quang. Ống này có tác dụng dẫn lưu nước tiểu trực tiếp từ bàng quang ra khỏi cơ thể, không cần đi qua niệu đạo. Điều này tạo điều kiện để vết thương phẫu thuật ở niệu đạo phục hồi, ngăn nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu. Ca tạo hình niệu đạo của ông L. hoàn thành sau 180 phút.
Một tuần sau khi xuất viện về nhà, ông nhờ con gái gọi điện cho bác sĩ Duy, phấn khởi thông báo: “Hết rồi bác sĩ ơi, không còn tiểu khó nữa”.
Theo bác sĩ Duy, sau khi vết thương phục hồi, có thể đi tiểu qua niệu đạo như bình thường, ông L. không cần mang túi nước tiểu bên cạnh.
Hẹp niệu đạo thường gặp ở nam giới hơn nữ giới do sự khác biệt cấu tạo niệu đạo giữa hai giới. Độ dài niệu đạo nam giới 18-20cm, gấp khoảng 5 lần niệu đạo nữ giới (3-4cm), nên nguy cơ gặp tổn thương cao hơn. Hẹp có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên niệu đạo, thậm chí, trên một niệu đạo có thể có nhiều chỗ hẹp.
Ngoài chấn thương như trường hợp của ông L., hẹp niệu đạo có thể hình thành do mô sẹo sau phẫu thuật qua niệu đạo, viêm nhiễm tại niệu đạo, bệnh lây truyền qua đường tình dục, phì đại lành tính tuyến tiền liệt, khối u ung thư chèn ép…
Hẹp niệu đạo có thể được điều trị bằng các phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, ngoài phẫu thuật tạo hình niệu đạo, các phương pháp như xẻ lạnh niệu đạo, nong hay đặt stent niệu đạo có hiệu quả không cao, dễ tái phát. Bác sĩ dựa vào vị trí hẹp, chiều dài đoạn hẹp, mức độ hẹp để lựa chọn một trong 3 kỹ thuật tạo hình gồm: cắt nối tận - tận, tạo hình bằng vạt da có cuống hoặc niêm mạc miệng.
Do cản trở đường thoát nước tiểu, hẹp niệu đạo có thể dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng sức khỏe, chất lượng sống người bệnh như són tiểu, tiểu khó, bí tiểu; thận ứ nước, nguy cơ hình thành sỏi thận, suy giảm chức năng thận, nhiễm trùng thận, viêm mủ thận…
Do đó, bác sĩ Cao Vĩnh Duy khuyến cáo nam giới có gặp tình trạng tiểu khó, tiểu phải rặn lâu, tiểu lắt nhắt, nhất là người có tiền sử phẫu thuật qua niệu đạo, chất thương dương vật hay tầng sinh môn, cần sớm đến bệnh viện khám, xác định nguyên nhân để có phương án điều trị phù hợp.