Dấu hiệu có khối u ở bụng là biểu hiện bất thường cho thấy cơ thể có thể mặc một số bệnh lý. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, khối u này có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu dấu hiệu đi kèm khối u ở bụng, biến chứng và cách chẩn đoán.
Khối u ở bụng là gì?
U bụng là một khối phát triển bất thường trong vùng bụng, thường được nhận biết qua một khối sưng có thể nhìn thấy và làm biến dạng ổ bụng. Người có u bụng có thể gặp các triệu chứng như tăng cân, khó chịu, đau và chướng bụng. Mặc dù u bụng thường có thể điều trị được, một số biến chứng có thể xuất hiện tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra khối u.
Những dấu hiệu biểu hiện và triệu chứng đi cùng với khối u bụng
Khối u trong ổ bụng thường được xác định và gọi tên theo vị trí của nó trên vùng bụng, chia thành bốn phần tư: Phần tư trên phải, phần tư trên trái, phần tư dưới phải và phần tư dưới trái. Ngoài ra, vùng bụng trên được chia thành hai phần: Thượng vị và quanh rốn. Vùng quanh rốn là khu vực dưới và xung quanh rốn; thượng vị là khu vực phía trên rốn và dưới xương ức.
Triệu chứng đi kèm với khối u bụng có thể bao gồm:
- Sưng, đau tại vị trí có khối u;
- Đầy bụng, khó tiêu;
- Buồn nôn, nôn mửa;
- Tăng cân không chủ ý;
- Khó tiểu;
- Khó đi tiêu;
- Sốt.
Khối u bụng có thể có tính chất cứng, mềm, chắc hoặc di động. Nguyên nhân gây ra khối u trong bụng rất đa dạng, và mỗi nguyên nhân đều có các triệu chứng đi kèm riêng biệt. Các nguyên nhân bao gồm:
- Ung thư: Nhiều loại ung thư có thể dẫn đến sự xuất hiện của khối u trong bụng, phổ biến nhất là ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư thận, ung thư đại tràng. Các loại ung thư trong ổ bụng thường có những triệu chứng chung như: Sụt cân không rõ nguyên nhân, chán ăn, đau bụng, cảm giác khó chịu khi khối u lớn dần.
- Nang: Nang là những túi chứa dịch có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Nang trong ổ bụng có thể phát triển đủ lớn để tự cảm nhận được và có thể gây đau. Nang buồng trứng lớn có thể dễ nhận thấy khi vùng bụng dưới phình to. Trong chu kỳ kinh nguyệt, nhiều nang có thể hình thành, nhưng có một số loại nang, chẳng hạn như nang lạc nội mạc, xuất hiện khi mô tương tự như nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung. Khối u này thường xảy ra ở bệnh nhân bị lạc nội mạc tử cung.
Bên cạnh đó, nhiều tình trạng nghiêm trọng khác cũng có thể gây ra khối u trong bụng, bao gồm:
- Gan to: Bệnh nhân có thể bị đau ở hạ sườn phải hoặc vàng da. Uống quá nhiều đồ uống có cồn hoặc ung thư có thể làm cho gan phình to.
- Áp-xe tụy: Bệnh nhân có thể đau ở bụng trên, bên trái hoặc phải, kèm theo sốt kéo dài.
- Bệnh Crohn: Những người mắc bệnh Crohn có cảm giác khó chịu trong ống tiêu hóa, với các triệu chứng như đau bụng sau ăn và tiêu chảy.
- Phình động mạch chủ bụng: Đại động mạch cung cấp máu cho vùng chậu, chân và bụng bị phình ra do thành mạch yếu. Bệnh nhân có thể cảm thấy đau chói ở lưng hoặc sau rốn.
- Thận ứ nước: Khi thận phình to do bị tắc nghẽn, bệnh nhân có thể cảm thấy đau ở bên hông, sốt hoặc buồn nôn.
- Lách to: Bệnh nhân có thể cảm thấy đau ở phần tư trên trái của bụng và cảm giác sưng phù.
Phương pháp chẩn đoán khi có khối u ở bụng
Việc chẩn đoán khi xuất hiện dấu hiệu có khối u ở bụng thường bắt đầu từ thăm khám lâm sàng và hỏi bệnh sử của bệnh nhân. Khám lâm sàng giúp bác sĩ xác định vị trí của khối u và những cơ quan hoặc mô có thể bị ảnh hưởng. Bác sĩ thường sẽ ấn bụng bệnh nhân để xác định vị trí đau. Các khu vực sẽ được kiểm tra lần lượt bao gồm:
- Phần tư trên phải;
- Phần tư trên trái;
- Phần tư dưới phải;
- Phần tư dưới trái.
Việc ấn các vùng khác trên bụng, bao gồm vùng thượng vị (khu vực ở giữa bụng ngay dưới khung sườn) và vùng quanh rốn, cũng giúp bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây ra khối u bụng. Thăm khám lâm sàng cho phép bác sĩ đánh giá kích thước, độ cứng và bề mặt của khối u, từ đó xác định được nguyên nhân tiềm ẩn của khối u.
Sau khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện thêm các chẩn đoán hình ảnh để xác định kích thước và vị trí chính xác của khối u. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh bao gồm:
- Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan);
- Siêu âm;
- X-quang.
Nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh Crohn hoặc một bệnh đường tiêu hóa khác đang gây ra tình trạng đau và sưng bụng, họ sẽ chỉ định nội soi đường tiêu hóa.
Trong trường hợp bác sĩ chẩn đoán là nang buồng trứng, họ sẽ thực hiện xét nghiệm đo lượng hormone và có thể chỉ định siêu âm để đánh giá kích thước, hình dạng và vị trí của nang buồng trứng.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu chụp hình mạch máu để chẩn đoán phình động mạch chủ bụng. Đây là kỹ thuật chụp X-quang các mạch máu, giúp bác sĩ kiểm tra xem có sự tắc nghẽn hoặc hẹp mạch máu hay không.
Khối u ở bụng có thể dẫn đến biến chứng gì?
Dấu hiệu có khối u ở bụng có thể gây tắc nghẽn và phá hủy các cơ quan trong vùng bụng. Nếu bất kỳ phần nào của cơ quan bị phá hủy, khối u cần được phẫu thuật loại bỏ. Nếu có nhiều khối u trong ổ bụng, bạn có thể cần nhiều phương pháp điều trị hoặc phẫu thuật để loại bỏ chúng. Khối u ác tính có thể tái phát sau khi điều trị.
Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang có thể có nhiều nang trong buồng trứng. Những nang này có thể tự biến mất mà không cần điều trị, nhưng trong một số trường hợp, chúng sẽ phát triển lớn hơn. Tùy theo kích thước và đặc tính của các nang, bác sĩ sẽ quyết định liệu bạn có cần phẫu thuật hay không.
Dấu hiệu có khối u ở bụng - khi nào nên đi khám?
Nếu bạn cảm thấy dấu hiệu có khối u ở bụng, hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt, đặc biệt khi có các triệu chứng sau:
- Đau nặng;
- Sốt;
- Nôn ói;
- Tiểu tiện ra máu.
Mặc dù không phải tất cả các khối u trong bụng đều cần điều trị, bác sĩ có thể giúp xác định nguyên nhân gốc rễ và đề xuất các lựa chọn điều trị phù hợp.
Dấu hiệu có khối u ở bụng là một trong những triệu chứng bất thường cần được chẩn đoán và chữa trị kịp thời. Nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường như trên, bạn cần liên tục theo dõi và đến các cơ y tế gần nhất để được tư vấn và thăm khám.