Khi mắc giời leo, bệnh nhân thường được chẩn đoán thông qua các triệu chứng lâm sàng như ngứa rát, đau nhức dọc dây thần kinh ở vùng bị virus tấn công. Những triệu chứng của giời leo khi khởi phát thường không rõ ràng và khác nhau ở mỗi đối tượng nhất định, do đó thường bị nhầm lẫn với các bệnh da liễu khác do nội tiết hoặc do côn trùng tấn công. Vậy, làm sao để nhận biết bệnh giời leo? Hình ảnh bị giời leo qua các giai đoạn phát triển của bệnh như thế nào? Điều trị ra sao? Phòng ngừa bằng cách nào?
BS Lê Thị Trúc Phương - Chuyên viên Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC: “Varicella Zoster Virus (VZV) là virus gây ra bệnh thủy đậu và giời leo, có khả năng lây lan nhanh chóng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những giao tiếp sinh hoạt gia đình thông thường mang đến 75% tỷ lệ lây nhiễm VZV, gây ra thủy đậu. Không chỉ riêng trẻ em, VZV có thể tấn công mọi đối tượng, thậm chí có đến hơn 90% người trường thành bị nhiễm VZV. Do đó, phòng ngừa VZV bằng việc chủ động tiêm ngừa đầy đủ và đúng lịch 2 liều vắc xin thủy đậu cho trẻ em và người lớn là vô cùng quan trọng, cần được thực hiện càng sớm càng tốt.”Bệnh giời leo là gì?
Giời leo hay giời bò/Zona thần kinh là tên gọi dân gian mà người dân Việt Nam thường sử dụng để mô tả về một bệnh lý truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster (VZV), cũng là virus gây bệnh thủy đậu. Bệnh giời leo điển hình bởi các triệu chứng nhiễm trùng da cấp tính với sự xuất hiện của các nốt phát ban đỏ, mụn nước và bọng nước phỏng rộp tập trung thành chùm/đám/mảng phân bổ dọc theo đường đi của các dây thần kinh ngoại biên ở 1 bên cơ thể.
Nguyên nhân gây ra bệnh giời leo
Bệnh giời leo gây ra do sự tái hoạt động và tấn công của VZV khu trú ở dạng tiềm ẩn trong các hạch bạch huyết sau khi khỏi bệnh thủy đậu. VZV tái hoạt động và tấn công hệ thần kinh của cơ thể người bệnh sau khi gặp các yếu tố thuận lợi mang tính khởi động như:
- Hệ miễn dịch suy giảm do áp lực, căng thẳng về tinh thần, phản ứng về thể lực bị giảm sút, người đang mắc các bệnh về máu, bệnh đái tháo đường, HIV/AIDS, người bệnh mắc các bệnh lý ung thư đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch và điều trị bằng tia X….
- Người mắc các chứng bệnh tạo keo - chứng bệnh khiến cơ thể tự sinh kháng thể chống lại chính mình, điển hình là bệnh Lupus ban đỏ.
Khi VZV được tái kích hoạt trong cơ thể, chúng sẽ nhân lên một cách chóng mặt và lây lan nhanh chạy dọc các hạch thần kinh trên khắp cơ thể, gây tổn thương hệ thần kinh, có thể lây truyền ngược chiều đến da, các niêm mạc và gây ra các tổn thương ngoài da và trên các vùng niêm mạc nhạy cảm.
Triệu chứng nhận biết bệnh giời leo
Bệnh giời leo thường khởi phát với các triệu chứng bất thường trên một vùng da nhỏ như nóng, bỏng rát, tê, đau, nhức, châm chích, nhức đầu, bồn chồn, khó chịu, dễ nhạy cảm với các tác động cơ năng và ánh sáng, nhất là khi về đêm. Đây là thời kỳ virus nhân lên và bắt đầu lây lan dọc theo các dây thần kinh mà chúng khu trú, gây ra những dấu hiệu đầu tiên trên cơ thể.
Ở thời kỳ khởi phát, những vùng da nằm trên những khu vực dây thần kinh bị VZV tấn công sẽ ửng đỏ theo từng nốt với đường kính khoảng vài centimet, hơi phù nề nhẹ, cao hơn bề mặt da xung quanh như vết muỗi đốt.
Chỉ sau vài ngày, những vùng da đỏ hơi nề nhẹ bắt đầu xuất hiện mụn nước chứa dịch, mọc thành đám như chùm nho. Lúc đầu, mụn nước căng tức, dịch trong, sau đó đục dần hóa mủ, vỡ/rỉ dịch ra, cuối cùng đóng vảy tiết. Ở những đối tượng nguy cơ cao như người lớn từ 50 tuổi, người bị suy giảm miễn dịch,… mụn nước chứa dịch do giời leo có thể chảy máu, gây nhiễm khuẩn, hoại tử da, để lại rất nhiều vết sẹo xấu và tình trạng triệu chứng do giời leo gây ra thường kéo dài hơn so với những người có sức đề kháng bình thường.
Hình ảnh bị giời leo qua các giai đoạn
Bệnh giời leo có thể được nhận biết thông qua các hình ảnh mắc bệnh qua các giai đoạn cụ thể từ lúc bắt đầu mắc bệnh, cho đến khi bệnh khởi phát hoàn toàn và hồi phục như sau:
Hình ảnh bị giời leo giai đoạn khởi phát, vùng da dọc các hạch thần kinh cảm giác bị VZV tấn công sưng đỏ, hơi phù nề nhẹ, gây cảm giác đau rát, ngứa ngáy, khó chịu.
Giai đoạn toàn phát, vùng da tổn thương bắt đầu xuất hiện phát ban, mụn nước chứa dịch màu trắng trong
Dịch từ mụn nước bắt đầu đục dần, hóa mủ
Mụn nước bắt đầu vỡ/rỉ dịch ra, hình thành các vảy
Giai đoạn phục hồi, vảy bắt đầu khô lại và bong ra
Sau khi vảy khô, đóng mài và bong ra sẽ hình thành sẹo lấm tấm màu trắng trên vùng da bị tổn thương.
Các thể bệnh giời leo phổ biến
Giời leo ở mặt
Giời leo ở mặt là tình trạng VZV lây truyền và gây tổn thương lên dây thần kinh vùng mặt, gây ra biểu hiện đau rát, nóng, nhức, mỏi vùng cơ mặt. Mặt là khu vực chứa nhiều dây thần kinh cảm giác và nhiều vùng niêm mạc vô cùng nhạy cảm như môi, miệng, mũi, mắt, tai,… nên thường gây ra các biến chứng nghiêm trọng như suy giảm thị lực, thính lực, yếu cơ mặt, rụng tóc, đau dây thần kinh vùng mặt kéo dài,… nếu bệnh nhân không được chăm sóc và điều trị đúng cách.
Đặc biệt, giời leo vùng mặt thường xuất hiện tình trạng zona hạch gối hay còn được gọi là hội chứng Ramsay Hunt. Đây là tình trạng VZV tấn công vào hạch gối và dây thần kinh VII (số 7) trên vùng mặt và gây ra những tổn thương, khiến người bệnh bị ù tai, nghe kém, thậm chí điếc, liệt một bên mặt, buồn nôn, nôn mửa, giật nhãn cầu, chóng mặt, mắt không nhắm kín được (tình trạng hở mi), có nguy cơ dẫn đến tình trạng Charler Bell (là tình trạng mặt người bệnh không cân xứng, bị kéo lệch về một bên không bị liệt, mắt không nhắm kín được)…
Giời leo ở mắt
Giời leo ở mắt là hậu quả do VZV lây truyền và gây tổn thương lên thần kinh V (số 5) - là khu vực thần kinh chi phối cho cơ quan mắt, hàm trên và hàm dưới, trong đó, nguy cơ tổn thương vùng mắt có nguy cơ cao gấp 5 lần hai nhánh hàm còn lại. Giời leo ở mắt cũng là thể bệnh giời leo tương đối phổ biến, chiếm 10 - 15% các thể bệnh của giời leo, có thể gây ảnh hưởng đến tất cả các phần bên ngoài và bên trong của mắt, bao gồm cả giác mạc và tế bào thần kinh phản ứng với ánh sáng.
Triệu chứng của bệnh có thể bao gồm: đỏ, sưng, nhiễm trùng kết mạc, giác mạc và củng mạc, suy giảm thị lực và căng thẳng. Trong nhiều trường hợp nghiêm tượng, giời leo ở mắt có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn do các biến chứng viêm nhiễm nặng nề hơn ở vùng niêm mạc mắt như hoại tử võng mạc cấp tính, viêm hậu củng mạc, glocom thứ phát (tình trạng bệnh lý thần kinh do tăng nhãn áp), hội chứng đỉnh ổ mắt (tình trạng teo dây thần kinh thị giác tiên phát), viêm dây thần kinh thị giác,…
Giời leo ở miệng (môi)
Giời leo ở miệng có thể gây đau đớn và khó khăn trong việc ăn uống, dẫn đến tình trạng thay đổi khẩu vị, chán ăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, hệ miễn dịch, khả năng và thời gian phục hồi của người bệnh.
Giời leo ở cổ
Giời leo ở cổ là thể giời leo khá phổ biến, sau thể giời leo ở lưng. Bệnh gây ra những triệu chứng lâm sàng tương tự như các thể giời leo khác, gây ra các nốt phát ban, mụn nước phỏng rộp có chứa dịch mọc thành mảng như chùm nho phân bổ dọc theo các hạch thần kinh của 1 bên cổ.
Giời leo ở lưng
Giời leo ở lưng là tình trạng VZV tấn công các hạch bạch huyết nằm ở vị trí lưng, chủ yếu ở vùng liên sườn, gây ra các nốt phát ban, mụn nước phồng rộp, đau rát, nhức nhói ở bả vai, lưng dưới gần thắt lưng. Thông thường, các mụn nước thường mọc thành dải dày đặc quấn quanh một bên của vòng eo, có thể kéo dài từ vùng eo phía trước đến tận cột sống lưng đằng sau, bám sát dải liên sườn.
Giời leo ở tay
Giời leo có thể gây ra các triệu chứng mụn nước, phát ban trên cánh tay, khuỷnh tay, lòng bàn tay, ngón tay, mu bàn tay, thậm chí lan đến vùng nách, khoé nách, ngực và lưng.
Giời leo ở tai
Bệnh giời leo ở tai gây ra cảm giác đau nhức, bỏng rát vùng tai, màng nhĩ, ống tai, vành tai, nguy cơ cao triệu chứng lan ra các khu vực lân cận như gáy và thái dương, có thể gây nhiễm trùng, ảnh hưởng xấu đến khả năng phản ứng của thính giác, gây mất cân bằng và yếu cơ mặt. Các triệu chứng này có thể kéo dài trong thời gian dài sau khi giai đoạn khởi phát các triệu chứng kết thúc, tuy nhiên, trong một số trường hợp các triệu chứng về thính lực có thể kéo dài vĩnh viễn.
Giời leo ở xương cùng
Xương cùng là xương hình tam giác nằm bên dưới cột sống, tạo thành mặt sau của xương chậu. Giời leo ở xương cùng gây ra do tình trạng viêm dây thần kinh vùng bàng quang, khiến bệnh nhân tiểu dắt, khó tiểu, bí tiểu, tiểu ra máu, thậm chí tiểu ra mủ. Các triệu chứng ngoại khoa khác của giời leo ở vùng xương cùng gồm có căng tức, đau quặn vùng bụng dưới, hậu môn co thắt, nhiều trường hợp hậu môn trở nên cứng như đá, gây bí đại tiện, ảnh hưởng đến vùng da sinh dục lân cận.
Làm gì khi bị giời leo
Bệnh giời leo không điều trị được dứt điểm, các biện pháp điều trị chỉ tập trung hỗ trợ điều trị các triệu chứng của bệnh, làm giảm đau, giảm thiểu tình trạng viêm nhiễm tổn thương, ngăn ngừa nguy cơ biến chứng, đẩy nhanh quá trình khỏi bệnh và phục hồi.
Các bác sĩ thường ưu tiên chỉ định sử dụng các loại thuốc hỗ trợ điều trị giời leo để ức chế khả năng hoạt động của VZV từ bên trong, giảm thiểu nhanh chóng các triệu chứng viêm nhiễm, lở loét điển hình của bệnh. Các bác sĩ sẽ ưu tiên chỉ định:
- Paracetamol: Là một loại thuốc có khả năng hạ sốt và giảm đau vô cùng hiệu quả. Đối với người bị giời leo, nên sử dụng Paracetamol 1g mỗi 4 - 6 giờ, sử dụng tối đa 4g/ngày. (1)
- Prednisolon: Là một loại thuốc hỗ trợ điều trị các tình trạng viêm nhiễm, dị ứng, tình trạng rối loạn tự miễn dịch và ung thư. Đối với người mắc bệnh giời leo, nên sử dụng 50 mg Prednisolon mỗi ngày trong vòng 7 ngày và giảm dần liều sau 2 tuần. Lưu ý, chỉ dùng trong trường hợp bệnh nhân gặp tình trạng đau nặng, giúp giảm nhanh cơn đau cấp khi dùng cùng các loại thuốc kháng virus. Tuy nhiên, loại thuốc này không có khả năng làm giảm đau do tình trạng đau dây thần kinh sau Herpes gây ra. (2)
Ngoài ra, còn một số loại thuốc hỗ trợ điều trị giời leo khác như:
- Amitriptyline: Là một loại thuốc trầm cảm có khả năng giảm đau hiệu quả, người bệnh giời leo nên sử dụng khoảng 10 - 25mg mỗi buổi tối với liều tối đa là 75mg mỗi buổi tối để “trấn áp” lại các cơn đau thần kinh nặng. Amitriptylin có tỷ lệ đáp ứng khá cao, khoảng 40 - 65%, tuy nhiên cần thận trọng sử dụng trên người cao tuổi và những người mắc bệnh tim do thiếu máu cục bộ. (3)
- Oxycodone: Là một loại thuốc dạng uống được sử dụng để làm giảm những cơn đau có mức độ vừa đến nặng. Bệnh nhân giời leo thường xuất hiện những cơn đau thần kinh khó có thể kiểm soát được bằng các liệu pháp ngoài da, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng 5mg Oxycodone mỗi 4 giờ, tối đa 30mg/ngày. (4)
Đối với các tình trạng tổn thương tại chỗ, bác sĩ có thể chỉ định bôi hồ nước lên vết thương, dùng dịch màu xanh Milian (dung dịch sát khuẩn vết thương), thuốc Castellani (thuốc hỗ trợ điều trị các chứng bệnh da liễu), thuốc mỡ acyclovir (thuốc kháng virus) hoặc sử dụng các loại thuốc mỡ kháng sinh trong 72 giờ đầu với liều 800mg x 5 lần/ngày trong vòng 7 - 10 ngày nếu có tình trạng nhiễm khuẩn trên vết thương để hỗ trợ đẩy nhanh quá trình làm lành tổn thương, giảm tình trạng xuất hiện thêm tổn thương mới và giúp giảm đau hiệu quả sau zona.
Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc điều trị được bác sĩ chỉ định, bệnh nhân mắc giời leo nên tích cực áp dụng đồng thời các liệu pháp chăm sóc cơ thể tại nhà, giúp làm lành vết thương, giảm triệu chứng, đẩy nhanh quá trình khỏi bệnh và phục hồi như:
- Không làm tổn thương do giời leo lan rộng bằng cách tránh chạm/xoa/cào/gãi/… vào vùng da bị tổn thương.
- Giữ vùng da sạch sẽ bằng việc đều đặn rửa vết thương bằng nước sạch, ấm cùng xà phòng lành tính, dịu nhẹ, tránh cọ xát mạnh và sử dụng khăn mềm để thấm khô nước.
- Tránh tiếp xúc với người khác.
- Duy trì không gian dưỡng bệnh thoáng mát, sạch sẽ, tránh gây nhiễm khuẩn, bội nhiễm,…
Cách phòng ngừa bệnh giời leo
Để phòng ngừa bệnh giời leo hiệu quả, cần:
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với vùng da tổn thương của người mắc bệnh giời leo để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm VZV, gây ra bệnh thủy đậu, tiềm ẩn nguy cơ phát triển thành zona thần kinh trong tương lai, khi gặp điều kiện thuận lợi như suy giảm hệ miễn dịch, stress,….
- Xây dựng và duy trì một lối sống lành mạnh,hạn chế căng thẳng, giữ cho tinh thần lạc quan, vui vẻ, ăn uống cân đối, tăng cường vận động thể chất, ưu tiên bổ sung vitamin C và nước để tăng cường khả năng phản ứng của sức đề kháng cơ thể.
- Tránh sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia để bảo vệ hệ miễn dịch.
- Duy trì thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng một lần để chủ động phát hiện sớm các tiền triệu chứng của bệnh, được các bác sĩ chẩn đoán chính xác, từ đó chỉ định các phương pháp điều trị khoa học kịp thời, nâng cao hiệu quả điều trị, cải thiện tình trạng triệu chứng sau khi mắc bệnh, giảm thiểu nguy cơ biến chứng và đẩy nhanh tiến trình khỏi bệnh, phục hồi của cơ thể.
Thông qua các hình ảnh bị giời leo, có thể xác định tình trạng diễn biến của bệnh (thể bệnh/giai đoạn bệnh/mức độ nghiêm trọng) để có thể chủ động và kịp thời tìm kiếm sự tư vấn về mặt y khoa của các bác sĩ. Nên ưu tiên tìm kiếm sự giúp đỡ của các bác sĩ nhãn khoa, khoa tai để chủ động kiểm soát tốt các tình trạng giời leo ở mắt hoặc hội chứng Ramsay Hunt, vì đây là những vùng niêm mạc vô cùng nhạy cảm, dễ tiến triển biến chứng nghiêm trọng. Quan trọng hơn, mọi đối tượng cần phải chủ động và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm VZV, ngăn ngừa mắc thủy đậu và diễn tiến giời leo trong tương lai.