Ung thư âm hộ là loại ung thư xuất hiện tại âm hộ, thường phát triển ở môi âm hộ và đáy chậu. Ung thư âm hộ không phổ biến, chủ yếu gặp ở phụ nữ đã mãn kinh, nhưng cũng có thể xảy ra ở phụ nữ trẻ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, các loại khối u, giai đoạn, triệu chứng, cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa ung thư âm hộ.
Ung thư âm hộ là ung thư phụ khoa hiếm gặp
1. Ung thư âm hộ là gì?
Ung thư âm hộ là bệnh hiếm gặp, trong đó các tế bào ác tính hình thành tại các mô của âm hộ. Đây một loại ung thư đường sinh dục, phổ biến sau ung thư nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung và ung thư buồng trứng.
Ung thư âm hộ thường gặp ở phụ nữ đã mãn kinh trên 50 tuổi. Chỉ khoảng 1/7 các trường hợp xảy ra ở phụ nữ dưới 40 tuổi và tỷ lệ này có xu hướng tăng vì tỷ lệ nhiễm virus HPV tăng.
Ung thư âm hộ hình thành ở cơ quan sinh dục ngoài, có thể xuất hiện ở: môi lớn, môi bé, âm vật, lỗ âm đạo, các tuyến âm đạo, phần mu. Thường gặp nhất ở môi ngoài âm đạo.
2. Nguyên nhân gây ung thư âm hộ
Ung thư âm hộ thường phát triển từ từ trong nhiều năm. Các yếu tố nguy cơ của ung thư âm hộ là:
- Phụ nữ trên 50 tuổi.
- Nhiễm virus HPV gây u nhú ở người.
- Lichen xơ hóa hoặc tăng sản tế bào biểu mô vảy ở phụ nữ trê 50 tuổi.
- Tiền sử ung thư cổ tử cung hoặc ung thư âm đạo.
- Tiền sử mụn cóc sinh dục.
- Có tiền sử xét nghiệm Pap bất thường.
- Hút thuốc lá.
Bệnh tân sinh trong biểu mô âm hộ - VIN (tình trạng tế bào phát triển bất thường) làm tăng nguy cơ ung thư âm hộ. Mặc dù hầu hết các trường hợp VIN không dẫn đến ung thư.
Ung thư âm hộ có thể xảy ra ở những người không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào.
Phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ bị ung thư âm hộ cao hơn
3. Các dạng ung thư âm hộ
Ung thư âm hộ được phân loại dựa vào vị trí xuất phát và đặc điểm khối u. Ung thư có thể xuất phát từ da, tổ chức dưới da, các thành phần tuyến âm hộ hoặc từ tế báo biểu mô ở 1/3 dưới âm đạo.
Ung thư âm hộ được phân thành các loại như sau:
a. Ung thư biểu mô vảy
Ung thư biểu mô vảy có nguồn gốc từ tế bào biểu mô vảy, là dạng ung thư âm hộ phổ biến nhất, chiếm khoảng 87-90% các trường hợp. Trong đó, 65% khối u xuất hiện ở môi lớn và môi bé, 25% xuất hiện ở âm vật hoặc tầng sinh môn.
b. Ung thư tuyến Bartholin
Ung thư tuyến Bartholin là khối u ác tính xuất hiện tại tuyến Bartholin, ít gặp, chỉ chiếm khoảng 1% các trường hợp ung thư âm hộ.
Tuyến Bartholin là một tuyến rất nhỏ, nằm sâu phía sau hai bên lỗ âm đạo, không sờ thấy được. Tại tuyến này có thể xuất hiện u nang lành tính. Đây là dạng u nang âm hộ phổ biến nhất, thường gặp ở phụ nữ trẻ, nguy cơ giảm dần theo quá trình lão hóa. Do đó, phụ nữ trên 40 tuổi nếu xuất hiện khối u ở tuyến Bartholin sẽ có nhiều khả năng là ung thư.
Ung thư tuyến Bartholin có xu hướng di căn trực tiếp vào hệ thống hạch chậu, hạch bẹn.
Ung thư âm hộ xảy ra ở tuyến Bartholin
c. Ung thư tế bào đáy
Ung thư tế bào đáy xuất hiện từ tế bào đáy, ít gặp, chỉ chiếm khoảng 1-2% các trường hợp ung thư âm hộ. Dạng này có đặc điểm phát triển chậm và không bao giờ di căn hạch.
Ung thư tế bào đáy có thể gặp dưới dạng tổn thương vết loét nhỏ, u sắc tố, nốt ruồi hay chỉ đơn giản là vùng tấy đỏ do gãi ngứa.
d. Ung thư hắc tố da
Ung thư hắc tố, hay còn gọi là melanom âm hộ, xuất phát từ tế bào hắc tố, là loại ung thư âm hộ phổ biến thứ hai, chiếm tỷ lệ khoảng 5% các trường hợp.
Ung thư hắc tố nhìn giống như nhiều nốt ruồi dính nhau, có xu hướng di căn sớm theo hạch bạch huyết từ giai đoạn đầu. Do đó, nếu xuất hiện u sắc tố thì cần sinh thiết và điều trị sớm.
e. Bệnh Paget
Bệnh Paget là dạng ung thư âm hộ ít gặp, chỉ chiếm dưới 1% các trường hợp. Bệnh thường tiến triển chậm với tổn thương xuất hiện ở hai vùng khác nhau là vú và âm hộ.
Khác với Paget vú, Paget âm hộ có thể xâm lấn, thường đi kèm với tổn thương adenocarcinoma - ung thư tuyến bã lông và tuyến Bartholin.
Bệnh Paget thường gặp ở phụ nữ trên 70 tuổi, nhưng người trẻ hơn cũng có thể mắc bệnh với biểu hiện lâm sàng thường là ngứa, đau, khó chịu ở âm hộ, triệu chứng này có thể kéo dài cả năm trước khi có biểu hiện lâm sàng.
Bệnh Paget âm hộ có tỷ lệ tái phát tại chỗ cao, ngay tại vị trí cắt bỏ hoặc gần vị trí khối u ban đầu.
Bệnh Paget xuất hiện ở vú và âm hộ
f. Adenocarcinoma dạng mụn cơm
Adenocarcinoma dạng mụn cơm là ung thư biểu mô tuyến ở âm hộ có biểu hiện sùi như súp lơ hoặc có nhú giống như sùi mào gà. Bệnh cần phân biệt với sùi mào gà và u nhú.
g. Sarcoma âm hộ
Sarcoma âm hộ chiếm 1-2% các trường hợp ung thư âm hộ, thường là leiomyosarcoma (ung thư hình thành tại các tế bào cơ trơn).
4. Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết ung thư âm hộ
Triệu chứng thường gặp nhất của ung thư âm hộ là ngứa âm hộ và có khối u ở âm hộ có thể sờ hoặc nhìn thấy được. Phụ nữ mắc bệnh có thể bị ngứa quanh âm đạo trong nhiều năm cho đến khi khám phụ khoa và phát hiện ra bệnh.
Những thay đổi da xung quanh âm hộ có thể ở dạng như nốt ruồi, tàn nhang có màu hồng, đỏ, trắng hay xám. Da vùng này nổi cục hoặc dày lên bất thường, hoặc xuất hiện vết loét không lành.
Một số triệu chứng khác:
- Chảy máu hoặc tiết dịch âm hộ ngoài kỳ kinh nguyệt
- Đau hoặc rát âm hộ khi tiểu
- Đau khi giao hợp
- Mùi hôi
Nhưng cũng có khá nhiều trường hợp ung thư âm hộ không có triệu chứng gì và khối u chỉ được phát hiện khi đi khám phụ khoa.
Ung thư âm hộ gây ra khó chịu, ngứa, đau âm hộ
5. Giai đoạn ung thư âm hộ
Ung thư âm hộ được chia thành 4 giai đoạn:
- Giai đoạn I: Khối u được tìm thấy ở âm hộ, chưa lan đến các hạch bạch huyết.
- Giai đoạn II: Khối u lan đến 1/3 dưới niệu đạo, 1/3 dưới âm đạo hoặc 1/3 dưới hậu môn, chưa lan đến hạch bạch huyết.
- Giai đoạn III: Khối u lan đến 2/3 trên của niệu đạo, 2/3 trên của âm đạo, lớp loét bên trong bàng quang, trực tràng hoặc bất kỳ hạch bạch huyết nào.
- Giai đoạn IV: Khối u đã dính vào xương chậu, lan đến hạch bạch huyết ở háng hoặc đã lan ra ngoài khung chậu đến các cơ quan ở xa.
6. Cách chẩn đoán ung thư âm hộ
Chẩn đoán ung thư âm hộ bằng cách khám vùng chậu để phát hiện bất thường: khám âm đạo, cổ tử cung, tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng và trực tràng.
Ngay khi phát hiện bất thường cần làm sinh thiết ngay để chẩn đoán hoặc loại trừ ung thư âm hộ. Đồng thời tiến hành làm xét nghiệm Pap, xét nghiệm HPV, soi và sinh thiết cổ tử cung, chụp CT hoặc MRI vùng chậu để kiếm tra di căn. Hoặc một số xét nghiệm các tùy vào sự nghi ngờ của bác sĩ.
7. Cách điều trị ung thư âm hộ
Cách điều trị chính và hiệu quả ung thư âm hộ là phẫu thuật. Việc phẫu thuật cắt rộng tổn thương, cắt toàn bộ âm hộ hoặc vùng chậu sẽ phụ thuộc vào vị trí khối u và khối u đã lan rộng bao nhiêu. Điều trị xạ trị hay hóa trị trong ung thư âm hộ thường được sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật.
Tân sinh trong biểu mô âm hộ cũng được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật để phòng ngừa phát triển thành ung thư. Sau khi điều trị, bệnh nhân cần tái khám thường xuyên để theo dõi hiệu quả điều trị và kịp thời phát hiện nếu ung thư âm hộ tái phát.
Phẫu thuật là phương pháp chính để điều trị ung thư âm hộ
8. Tiên lượng ung thư âm hộ
Ung thư âm hộ được chẩn đoán và điều trị trong giai đoạn sớm, hầu hết đều có tiên lượng tốt. Nhưng kết quả này còn phụ thuộc vào kích thước, loại ung thư và giai đoạn của khối u.
Một số loại ung thư âm hộ có thể tái phát kể cả khi đã điều trị. Ví dụ, Paget âm hộ có tỷ lệ tái phát rất cao.
9. Phòng ngừa ung thư âm hộ
Không có biện pháp lối sống nào có thể ngăn ngừa được ung thư âm hộ. Tuy nhiên việc phòng ngừa HPV sẽ giúp giảm nguy cơ. Bạn có thể phòng ngừa HPV bằng cách quan hệ tình dục an toàn và tiêm ngừa vaccine HPV.
Vaccine HPV được khuyến cáo cho phụ nữ từ 9-26 tuổi bất kể đã quan hệ tình dục hay chưa, để phòng ngừa mụn cóc sinh dục, các loại ung thư đường sinh dục, nhất là ung thư cổ tử cung - loại ung thư phụ khoa rất phổ biến. Phụ nữ lớn tuổi hơn cần gặp bác sĩ để được tư vấn có nên tiêm vaccine hay không.
Ngoài ra, mọi phụ nữ từ 18 tuổi trở lên đều nên khám phụ khoa hàng năm để phát hiện các bệnh lý phụ khoa, các tổn thương tiền ung thư và ung thư.