Mí mắt bên phải của chị N.T.A. (23 tuổi, Bình Dương) có nốt ruồi với đường kính 2mm như chấm đen. Khoảng 3 tháng nay, nốt ruồi tăng đường kính lên 6mm. Chị A. cảm giác nặng mí mắt, gây vướng tầm nhìn, ảnh hưởng công việc. Thỉnh thoảng nốt ruồi ngứa khiến chị dụi mắt và làm cho nốt ruồi rướm máu, chị lo lắng nốt ruồi có thể tiến triển thành ung thư nên đến BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Tiến sĩ bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, Phụ trách chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chẩn đoán nốt ruồi của chị A. lành tính, tuy nhiên do thói quen dụi mắt với lực mạnh nên chảy máu, may mắn chưa nhiễm trùng. Sở dĩ nốt ruồi tăng kích thước do tiếp xúc với tia UV từ ánh nắng mặt trời khiến các tế bào hắc tố tiết ra melanin tập trung thành cụm.
Để loại bỏ nốt ruồi một lần duy nhất, bác sĩ Bích sử dụng tia laser CO2 siêu xung với bước sóng 10.600 nm tác động sâu vào lớp hạ bì ở mí mắt phải của chị A. Sau 3 phút gây tê vị trí cần điều trị, bác sĩ Bích nhỏ dung dịch nước mắt nhân tạo và đặt công tắc len bảo vệ mắt bằng sắt (size M) để tránh tia laser lọt vào.
Sau 15 phút bắn laser, nốt ruồi ở mí mắt chị A. được loại bỏ, mở tầm nhìn thông thoáng cho mắt. Tuy nhiên, để hạn chế việc nốt ruồi phát triển trở lại, bác sĩ tiếp tục bắn laser thêm 5 phút để xóa sạch phần hắc tố còn sót ở mí mắt. Sau đó, người bệnh được vệ sinh mắt phải một lần nữa với dung dịch nước mắt nhân tạo, nằm nghỉ khoảng 20 phút và nhận thuốc, ra về.
Tiến sĩ bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích cho biết nốt ruồi thường có kích thước nhỏ, sậm màu (màu nâu, đen,…), viền cạnh rõ nét và đều. Nốt ruồi có thể xuất hiện ở vị trí bất kỳ trên cơ thể như: mặt, lưng, bụng và cả lòng bàn chân, móng tay, thậm chí ở vị trí nguy hiểm như mắt hoặc bộ phận sinh dục. Trung bình 1 người có khoảng 10-40 nốt ruồi, trong đó phần lớn có sẵn lúc nhỏ và xuất hiện thêm trong khoảng 25-30 năm đầu đời. Đôi khi, nốt ruồi có sự thay đổi chậm về hình dáng, số lượng, màu sắc, nhô cao lên, mọc thêm lông hoặc mờ dần, biến mất.
Các nốt ruồi ở vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hoặc nốt ruồi bị va chạm cọ xát nhiều dễ có nguy cơ tiến triển thành u ác tính, ung thư da. Thông thường, có thể nhận biết nốt ruồi lành tính hay ác tính thông qua màu sắc, kết cấu, hình dạng, kích thước, thời điểm xuất hiện và nhiều triệu chứng khác như: ngứa, đau, rát, chảy máu, tiết dịch,…
Nguyên nhân hình thành nốt ruồi xuất phát từ tế bào hắc tố tập trung thành cụm thay vì lan rộng trên da. Nốt ruồi có thể xuất hiện sau sinh và sậm màu hơn khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, thay đổi nội tiết trong tuổi dậy thì hoặc mang thai. Ngoài ra, cơ thể có thể xuất hiện thêm nốt ruồi mới hoặc tiến triển u ác tính nếu không bảo vệ da kỹ lưỡng dưới tác động của tia UV mặt trời.
Hiện, có nhiều phương pháp loại bỏ nốt ruồi an toàn như đốt điện, laser CO2, tiểu phẫu,… Thế nhưng, với nốt ruồi ở vùng da nhạy cảm, như vùng mí mắt, việc lựa chọn phương pháp điều trị giới hạn hơn, đa phần đều chọn laser nhờ tính an toàn, độ chính xác cao, ít gây tổn thương mô xung quanh, ít tạo sẹo, thời gian điều trị và hồi phục nhanh. Tuy nhiên, bác sĩ xử lý đòi hỏi thao tác khéo léo, chính xác vì chỉ cần sai lệch nhỏ sẽ để lại sẹo lớn và ảnh hưởng đến mắt. Riêng phương pháp đốt điện để phá nốt ruồi cũng an toàn nhưng vẫn có thể để lại sẹo, tùy vào thao tác, độ khéo léo của bác sĩ. Còn phương pháp tiểu phẫu sẽ không cắt được nốt ruồi nằm ở mí mắt, chưa kể tốn nhiều chi phí. Hơn nữa, sau khi tiểu phẫu, vùng điều trị cần da thừa nhiều để khâu lại.
Bác sĩ Bích cho biết số lượng và sự phát triển của nốt ruồi là tự phát, không phòng ngừa được. Tuy nhiên, cần lưu ý bảo vệ da, hạn chế sự phát triển của tế bào hắc tố bằng cách tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời; thoa kem chống nắng và che chắn kỹ trước khi ra ngoài như mặc áo khoác, đội nón, đeo kính mát,…
Bác sĩ Ngọc Bích khuyến cáo nốt ruồi tuy không gây nhiều biến chứng đến sức khỏe nhưng đừng xem nhẹ những thay đổi của nó. Đồng thời, hãy hạn chế tác nhân khiến nốt ruồi tổn thương, chảy máu và nhiễm trùng.