Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 14-10
Sự kiện trong nước
Ngày 14-10-1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp tại Hương Cảng (Trung Quốc) đã thông qua Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay). Tại phiên họp ngày 17-01-1991, Bộ Chính trị quyết định lấy ngày 14-10-1930 làm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam. Đây là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Hội Nông dân Việt Nam là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu hoạt động của Hội là tập hợp đoàn kết nông dân, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là lực lượng tin cậy trong khối liên minh vững chắc công nhân - nông dân - trí thức, bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
Bác Hồ đi thăm bà con nông dân tỉnh Bắc Cạn đang thu hoạch lúa mùa năm 1950. Ảnh: www.hochiminh.vnNgày 14-10-1967, “Trung đội lão dân quân Hoằng Trường” (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), với thành viên gồm 18 cụ (người thấp nhất là 49 và cao nhất là 69 tuổi), được trang bị một số súng bộ binh và 3 khẩu súng máy 12,7 ly, đã lập chiến công bắn rơi một máy bay F-4H của Mỹ chỉ với 92 viên đạn. Đây cũng là chiếc máy bay thứ 2.400 của Mỹ bị quân ta bắn rơi trong giai đoạn chúng leo thang chiến tranh, tăng cường đánh phá miền Bắc.
Ngày 17-10-1967, Bác Hồ đã gửi thư khen “Trung đội lão dân quân Hoằng Trường”, trong thư có đoạn viết: “Tôi nhiệt liệt mừng chiến công vẻ vang của các cụ. Với lòng yêu nước nồng nàn, chí cǎm thù địch sâu sắc, các cụ đã nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thật là: tuổi cao, chí càng cao. Đây là một gương sáng cho đồng bào cả nước tiến lên đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta đến thắng lợi hoàn toàn. Chúc các cụ khoẻ mạnh, tiếp tục sản xuất tốt, chiến đấu giỏi, lập những chiến công mới.”
Phóng sự về "Trung đội lão dân quân Hoằng Trường". Nguồn: VTVSự kiện quốc tế
Ngày 14-10-1890 là ngày sinh của Dwight D. Eisenhower, vị tổng thống thứ 34 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Eisenhower trở nên nổi tiếng nhờ vai trò chỉ huy quân sự của lực lượng quân Đồng Minh tại châu Âu trong thời kỳ Thế chiến II.
Tổng thống thứ 34 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Dwight D. Eisenhower. Ảnh: The White HouseNgày 14-10-1964, nhà lãnh đạo dân quyền người Mỹ gốc Phi, Tiến sĩ Martin Luther King nhận Giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi để chống lại nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Ở tuổi 35, vị mục sư sinh ra ở bang Georgia là người trẻ nhất từng được nhận giải thưởng này.
Tiến sĩ Martin Luther King (bên phải) nhận Giải Nobel Hòa bình ngày 14-10-1964. Ảnh: Getty ImagesNgày 14-10-1947, phi công không quân Mỹ Chuck Yeager đã trở thành người đầu tiên trên thế giới lái máy bay vượt bức tường âm thanh. Ông đã điều khiển chiếc máy bay thử nghiệm Bell X-1 đạt đến tốc độ Mach 1.05 (tương đương 1.296,54km/h) ở độ cao 13.716m bên trên hoang mạc Mojave (bang California, Mỹ).
Theo dấu chân Người
Ngày 14-10-1925, Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân gửi cho Người. Trong thư, lãnh đạo Quốc tế Nông dân đề nghị nhà cách mạng Việt Nam với tư cách đại diện của Quốc tế Nông dân tiếp xúc với các đại biểu Quốc dân Đảng, cố gắng phát triển Ban Nông dân tại Quảng Châu và các tỉnh khác của Trung Quốc, đồng thời kết nạp các tổ chức này vào Quốc tế Nông dân thuộc Quốc tế Cộng sản.
Ngày 14-10-1950, Bác thay mặt Chính phủ gửi thư cảm ơn đồng bào Cao-Bắc-Lạng đã hăng hái tham gia kháng chiến và góp phần vào Chiến thắng Biên giới. Người biểu dương: “Đồng bào Cao-Bắc-Lạng đã làm kiểu mẫu trong việc động viên nhân lực, vật lực, tài lực cho kháng chiến. Tôi chắc rằng đồng bào ba tỉnh ta sẽ luôn luôn cố gắng thêm để giữ lấy địa vị vẻ vang mà tôi chắc rằng đồng bào các nơi khác sẽ ra sức thi đua với đồng bào Cao-Bắc-Lạng trong công việc thi hành Sắc lệnh Tổng động viên”. Cuối thư, một lần nữa Người khẳng định:
“Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi
Thống nhất độc lập nhất định thành công.”
Ngày 14-10-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam sang dự Đại hội lần thứ XXII của Đảng Cộng sản Liên Xô.
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Đức Giê-su hy sinh vì muốn loài người được tự do hạnh phúc, đồng bào ta cả lương cả giáo cũng vì tự do hạnh phúc cho toàn dân mà hy sinh phấn đấu”.
Đây là câu nói của Bác được trích trong bài “Lời cảm ơn đồng bào Công giáo” mà Người viết vào ngày 14-10-1945 để đáp lại thư của các giám mục và đồng bào công giáo Vinh, Hà Tĩnh, và Quảng Bình. Trong bức thư gửi cho Người, các giám mục và đồng bào công giáo Vinh, Hà Tĩnh, và Quảng Bình đã thể hiện quyết tâm “hy sinh xương máu để kiến thiết một nước nhà tự do hạnh phúc hoàn toàn…”
Tinh thần sẵn sàng xả thân của các giám mục, đồng bào công giáo Vinh, Hà Tĩnh, và Quảng Bình đại diện cho sự đoàn kết và sự ủng hộ mạnh mẽ của đồng bào tôn giáo với chính quyền cách mạng non trẻ lúc bấy giờ.
Sự ủng hộ ấy có được là vì ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời vào ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xuất sáu vấn đề cấp bách, và ở vấn đề thứ sáu, Người đã khẳng định: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và lương giáo đoàn kết”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (thứ tư từ bên phải sang) nói chuyện với các đại biểu tôn giáo trong Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1960. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IIITrong tư tưởng “đại đoàn kết dân tộc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng “đoàn kết tôn giáo” là một bộ phận không thể tách rời. Người đã tìm ra sự tương đồng giữa các tôn giáo khác nhau, lấy đó làm cơ sở khoa học cho việc thực hiện đoàn kết tôn giáo. Người lý giải rằng các tôn giáo chân chính đều có hy vọng giải thoát con người, mong muốn con người được tự do, sung sướng, hạnh phúc.
Người nói: “Phật sinh ra để lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha; Đức Giê-su hy sinh là vì muốn loài người được tự do, hạnh phúc; Khổng Tử sinh ra cũng là để giúp con người sống nhân nghĩa vì một thế giới đại đồng”, vì vậy, "phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và các đồng bào tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hòa thuận ấm no, xây dựng Tổ quốc”.
Kế thừa, phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo, những năm qua, Ðảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng vấn đề tôn giáo và coi đó là một trong những nội dung quan trọng trong việc hoạch định đường lối xây dựng và phát triển đất nước.
Đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và tác động lên mọi lĩnh vực kinh tế, mọi thành phần xã hội, nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, người dân trên khắp mọi miền của tổ quốc, đặc biệt là đồng bào công giáo, cũng đang chung tay, góp sức để hỗ trợ công tác phòng chống dịch.
Nhiều chức sắc, đồng bào đã tham gia ủng hộ nhu yếu phẩm, vật tư y tế, cũng như hỗ trợ công tác truy vết, kiểm soát dịch bệnh ở các địa bàn dân cư, góp phần cùng các lực lượng tuyến đầu của các địa phương từng bước đẩy lùi dịch bệnh.
Hơn lúc nào hết, đây là lúc để đồng bào công giáo nói riêng, đồng bào các tôn giáo nói chung phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước cũng như truyền thống đại đoàn kết dân tộc của ông cha, góp phần chung tay cả hệ thống chính trị để chiến thắng đại dịch.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 14-10-1961 trích đăng lời dặn dò của Bác: “Làm thuỷ lợi thì phải khó nhọc trong vài năm để được sung sướng muôn đời.”
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 14-10-1961.Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 14-10-1967 đăng bức điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi “Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ hai.”
Bức điện có đoạn: “Bác tin chắc rằng dưới ngọn cờ vẻ vang của Mặt trận dân tộc giải phóng, đồng bào và chiến sĩ miền Nam, với tinh thần anh dũng và kinh nghiệm phong phú của mình, sẽ giành được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa, đưa sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.”
Bức điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 14-10-1967.Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 14-10-1969 đăng bức ảnh “Hồ Chủ tịch đến thăm một đơn vị công an nhân dân vũ trang bảo vệ thủ đô (1962)” và bài viết “Công an nhân dân vũ trang ra sức học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 14-10-1969.TRUNG THÀNH