Có thể nói, đây là một trong những bài thơ điển hình của Tố Hữu mang phong cách thơ trữ tình sử thi có giá trị tư tưởng, nghệ thuật sâu sắc. Sau 70 năm đọc lại, “Ta đi tới” vẫn như đang nâng bước cả dân tộc Việt Nam hôm nay hướng về tương lai tươi đẹp!
Bài thơ “Ta đi tới” xếp vào loại trữ tình sử thi bởi tính chất đa kết cấu, đa giọng điệu để tạo nên một âm hưởng sử thi hùng tráng, vang vọng mà thẳm sâu, lắng gợi. Có thể phân tích bài thơ theo bố cục hoặc theo mạch cảm xúc. Từ góc độ biểu tượng lại thấy xuyên suốt bài thơ có 3 “con đường”, cả vật lý và trừu tượng, khi tách ra chạy song song, khi “chồng lấn” vào nhau nhưng đều hướng về cái đích ở đoạn cuối. Tương tự, cuối bài, các giọng tập trung châu tuần về một lời đồng vọng: Sự thống nhất trọn vẹn đất nước, lý tưởng, niềm tin, tương lai.
Con đường mỹ học của tự do, của cái đẹp, của niềm tự hào, niềm vui mê say
“Ta đi giữa ban ngày/ Trên đường cái, ung dung ta bước”. Hai câu tưởng như rất đỗi bình thường nhưng ở thời điểm ấy lại nói lên rất nhiều về không gian: Tự do. Bài thơ viết tháng 8-1954, tức chỉ mấy tháng sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. Cũng tức là trước đó không thể “đi” như vậy, mà phải đi đêm, như một thành ngữ ra đời trong hoàn cảnh kháng chiến: “Đi như chạy giặc”, đi nhanh, vội vã, bí mật. Có tự do thì khác hẳn: Đi giữa đường cái, ung dung. Có tự do mới được làm người, mới làm chủ được thời gian, không gian. Tưởng chừng ít chất thơ nhưng được đặt ở vị trí mở đầu, hai câu miêu tả lại trở nên rất thơ bởi hoàn cảnh, tâm trạng tự do vui đến vô cùng. Đây cũng là điểm tựa cảm xúc chi phối, quy chiếu thế giới hình tượng toàn bài.
Tiết mục nghệ thuật biểu diễn trong chương trình nghệ thuật với chủ đề "Việt Nam khát vọng vươn xa" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội, tháng 6-2024. Ảnh: NHẬT KHANGCảm xúc tự do mở ra một không gian tự do với những ngả đường đi về Tây Bắc (Điện Biên), đi sang Đông Bắc (Bắc Sơn, Đình Cả) và “đường xuôi về biển”. Đó cũng là không gian “Mới tinh khôi màu đất đỏ tươi” tràn đầy sự sống, sức sống, hy vọng. “Ai qua Phú Thọ/ Ai xuôi Trung Hà/...”. Câu thơ ngắn, mạch thơ nhanh, ý thơ gấp, các địa danh cứ dồn dập hiện ra để diễn tả một không gian không có vật cản.
Câu thơ điệp cấu trúc cùng hô ngữ “ai” đứng đầu nói lên một sự thật cũng là một niềm vui: Đi đâu cũng có thể được. Ai cũng có thể đi được. Bình đẳng và tự do! Đến câu “Đường ta đó, tự do cuồn cuộn” là trừu tượng. Con đường trong cảm xúc. Tâm trạng “cuồn cuộn” vui thì con đường tự do cũng “cuồn cuộn” vui. Đó cũng là con đường giải phóng “cuốn sạch bốt đồn Tây”. Câu thơ bỗng giãn ra. Ý thơ dường như lan tỏa theo mặt nước mà mênh mang. Có cả đường sông: “Sông Thao nao nức sóng dồi/ Ai về Hà Nội thì xuôi cùng thuyền”. Người xôn xao, sông “nao nức” (láy tượng hình). Câu sau buông hầu hết thanh bằng như tạo ra cảm giác có con thuyền từ miền trung du xuôi dòng xuống hạ lưu, êm đềm, nhẹ nhàng, thư thái...
Mỹ cảm cái tự do làm điểm tựa cho mỹ cảm cái đẹp xuất hiện: “Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!/ Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt/ Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát/ Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca...”. Đây là một trong những đoạn hay nhất về tả cảnh của thơ Việt Nam hiện đại. Vừa là cái đẹp có thật vừa là ánh hồi quang của tâm trạng chiến thắng (Điện Biên) nên có niềm tự hào xốn xang. Nhưng chủ yếu là cái men say tự do quy chiếu vào từng hình ảnh làm tất cả như sáng bừng lên, lung linh, chuyển động. Tất cả như tỏa hương (ngào ngạt), như rộn rã vui vẻ (hò ô tiếng hát), như phát sáng (nắng chói), như xôn xao, ngân vang (dào dạt).
Mỹ cảm cái tự do quy chiếu cả không gian trên cao: “Ngẩng đầu lên: Trong sáng tuyệt trần/ Tháng Tám mùa thu xanh thắm...”. Vẫn là không gian thấm đẫm cảm xúc. Trước đó vẫn là không gian ấy, nhưng chỉ khi có tự do mới cảm nhận được, cảm nhận rõ cái “tuyệt trần”, “xanh thắm”, “nhởn nhơ”. Nhất là mấy câu thể hiện một tư thế nhìn và tư cách sở hữu chưa bao giờ có, nay mới có: “Mây của ta, trời thắm của ta/ Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa!”.
Đất nước hết giặc, tự do đã về, tất yếu có những hình ảnh tái sinh. Đó là logic thực tế cũng là logic nghệ thuật. Nét riêng của Tố Hữu là chọn những hình ảnh đắc địa, rất gợi: “Mẹ ơi, lau nước mắt/ Làng ta giặc chạy rồi!/ Tre làng ta lại mọc/ Chuối vườn ta xanh chồi/... Trường của em đứng giữa đồi quang/ Tiếng các em thánh thót quanh làng”. Là biểu tượng cho tình thương, cho sự yên ổn, cho lao động, cho hạnh phúc gia đình, nên trong chiến tranh, giọt nước mắt của người mẹ mang sức biểu cảm cao nhất. Trong câu thơ này, giọt nước mắt ấy long lanh đa nghĩa: Mẹ lau nước mắt là “lau” đi sự đau khổ do chiến tranh. Lại có thể hiểu đó là nước mắt của niềm vui tự do đã về. Các hình ảnh còn lại cũng đều bừng sáng, cựa quậy, mang tính hồi sinh, tái sinh, phát triển (mọc, xanh chồi, lại hát, các em, học, trường mới, đồi quang, thánh thót).
Con đường của cách mạng, của lịch sử kháng chiến
Con đường từ trong “khói lửa” đến “bước dưới mặt trời cách mạng” là một quá trình lớn lên cực kỳ khó khăn, vất vả, hy sinh: “Ta đã lớn lên rồi trong khói lửa/ Chúng nó chẳng còn mong được nữa/ Chặn bàn chân một dân tộc anh hùng/ Những bàn chân từ than bụi, lầy bùn/ Đã bước dưới mặt trời cách mạng”.
Chỉ nhờ phép tương phản triệt để mới phần nào lột tả được sự chuyển mình kỳ vĩ ấy, “từ than bụi, lầy bùn” và đĩnh đạc, đàng hoàng “bước dưới mặt trời cách mạng”. Xuất phát điểm hầu như hai bàn tay trắng, từ con số 0 để có tư thế và tư cách mà kẻ thù cũng phải khâm phục, phải tự dập tắt ý muốn tham tàn bắt đất nước ta cúi đầu làm nô lệ, càng thấy Đảng ta vĩ đại, dân ta anh hùng. Nhờ sự khái quát ở mức cao nhất như vậy mới giúp hình dung về cuộc kháng chiến phi thường của cả một dân tộc.
Tiết mục nghệ thuật biểu diễn trong chương trình nghệ thuật với chủ đề "Việt Nam khát vọng vươn xa" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội, tháng 6-2024. Ảnh: NHẬT KHANGĐể có chiến thắng tất phải có những ngày kháng chiến gian nan. Mang tính tổng kết một chặng đường vinh quang đã qua, tất phải có sự hồi cố về “Đường cách mạng, dài theo kháng chiến...”. Đó là những con đường vật lý gắn liền với những cột mốc lịch sử: “Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên/... Những bàn chân của Hóc Môn, Ba Tơ, Cao-Lạng”. Cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn (năm 1940), Khởi nghĩa Nam Kỳ (năm 1940, gắn liền với địa danh Hóc Môn), Khởi nghĩa Ba Tơ (năm 1945)... Có những cuộc khởi nghĩa ấy mới có Cách mạng Tháng Tám thành công. Xét về quy mô, những cuộc khởi nghĩa này không lớn, nhưng mang ý nghĩa đi trước, là hình mẫu, bài học để có chiến thắng lớn lao sau này.
Còn là địa danh sông Lô gắn liền với chiến công bắn chìm tàu chiến Pháp, mở ra các chiến thắng tiếp theo... Còn là những con đường khắp đất nước nối các địa danh mà dân công, bộ đội vượt qua đi kháng chiến: Phú Thọ, Trung Hà, Hưng Hóa, Khu Ba đồng bằng, Khu Bốn cửa ngõ miền Trung...
Nhắc lại những sự kiện, những địa danh ấy để thấy câu thơ: “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” được đặt rất đúng vị trí, vừa là kết quả của các phong trào cách mạng, các cuộc khởi nghĩa vũ trang do Đảng lãnh đạo đánh đuổi giặc thực dân xâm lược, đồng thời cũng là vĩnh viễn kết thúc chế độ phong kiến ngàn năm trói buộc dân ta: “Những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu/ Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp!”. Chỉ được đặt trong mạch cấu trúc, câu thơ này mới phát lộ hết ý nghĩa: Khép lại quá khứ đau thương nhưng cũng đầy vẻ vang, oanh liệt; mở ra một chân trời thời đại mới, cả thế giới ngạc nhiên nhìn về Việt Nam. Hãnh diện thay Việt Nam! Tự hào thay Việt Nam! Theo mạch cảm xúc, những dòng thơ vẫn tiếp tục mở ra: “Ta đi tới...”.
Con đường trưởng thành, ý chí quyết tâm thống nhất đất nước, tinh thần đoàn kết của bản lĩnh, khát vọng Việt Nam
Cả dân tộc lên đường: “Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp/ Rắn như thép, vững như đồng...!”. Đó là con đường thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tất cả đều gian khổ, vất vả. Nhưng khi cả dân tộc đã thành một “đội ngũ”, tức đoàn kết một cách cao nhất, tập trung và hệ thống về cả vật chất và tinh thần sẽ tạo ra sức mạnh vững bền nhất (thép, đồng); sẽ dài rộng ngang tầm với thiên nhiên (núi, sông); sẽ bao la, mạnh mẽ, vô tận, cũng đầy bí ẩn, bất ngờ như thiên nhiên (Biển Đông). Những so sánh không chỉ để khẳng định, biểu dương sức mạnh, khích lệ, động viên hay nhằm “át vía” kẻ thù, mà còn là sự kiến tạo một tư thế mạnh mẽ, hiên ngang: Việt Nam bước vào thời đại mới!
Mạch cảm xúc “đi tới” miền Nam, bỗng ngập ngừng. Câu thơ ngắn lại. Theo nhịp suy tư, nhịp thơ chậm rãi. Hình ảnh thơ bị ngắt ra không trọn vẹn: “Ai đi Nam Bộ/ Tiền Giang, Hậu Giang...”. Bởi vì chúng ta chưa hoàn thành ước nguyện của Bác giải phóng trọn vẹn đất nước. Miền Nam vẫn đang “đi trước”. Một nửa thân thể đất nước còn đau...
Nhưng khi được men theo các địa danh, câu thơ dài ra, hồ hởi, hân hoan, vì được nhắc tới những gì thân yêu, thiêng liêng nhất: “Ai về thăm bưng biền Đồng Tháp/ Việt Bắc miền Nam, mồ ma giặc Pháp...”. Cách nói hoán vị: Đồng Tháp là “Việt Bắc miền Nam” vừa ca ngợi Đồng Tháp có vị trí, ý nghĩa lịch sử anh hùng như Việt Bắc, vừa gián tiếp khẳng định: Đồng Tháp hay Việt Bắc, miền Nam hay miền Bắc cũng đều là một. Các địa danh hiện lên theo quy luật trữ tình chứ không theo nguyên tắc vật lý tuần tự trước sau. Nơi cực Nam (Đồng Tháp) cũng là cực Bắc (Việt Bắc). Đang đi theo chiều ngang đất nước lại chuyển đi theo chiều dọc, lên Tây Nguyên rồi ngược về sông Hương, Bến Hải... Đó là không gian của tự do, của tình yêu, của ước mơ... Không thể thế lực nào ngăn cản. Không thể ai cấm đoán. Tất cả đâu cũng là “nơi chôn rau cắt rốn của ta”, là “quê hương ta”...
Trước thực tế miền Nam chưa giải phóng, niềm vui chuyển sang ngẫm ngợi. Câu thơ nghiêm ngắn, mực thước mà vẫn tình cảm, chân thành nhưng có gì đó day dứt, đầy trăn trở bên trong: “Ai vô đó, với đồng bào, đồng chí...”. Các chi tiết ở hai câu cuối là sự khẳng định: “Chúng ta, con một cha” gợi về sự tích “con Rồng cháu Tiên”, tất cả đều là con cháu Vua Hùng. “Nhà một nóc” là thành ngữ chỉ sự đoàn kết, tất cả đều là người trong gia đình. Tất cả đều trong một cơ thể, thịt xương, tim óc Việt Nam!
Khẳng định một bản lĩnh Việt Nam, lời thơ trở về thể lục bát quen thuộc trong thế điệp cấu trúc, chắc chắn với nền móng là câu “bát” mạnh mẽ trong phép so sánh (như kiềng ba chân): “Dù ai nói ngả nói nghiêng/ Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân...”. Trong cấu trúc đẳng lập ấy lại toát ra một so sánh gián tiếp: “Dân Cụ Hồ” cũng “vững như kiềng ba chân” vậy.
Lời đồng vọng - hướng về Bác Hồ, về lý tưởng, niềm tin, tương lai
“Ta đi tới” để đất nước mình thống nhất cùng đi trên “đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh” (ý thơ Bác Hồ). Đó là mục tiêu cũng là động lực phấn đấu, chắc chắn sẽ là hiện thực, bởi: “Lòng ta không giới tuyến/ Lòng ta chung một Cụ Hồ/ Lòng ta chung một Thủ đô/ Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam!”. Có niềm tin là có tất cả. Hơn nữa, niềm tin ấy vô cùng mạnh mẽ (không giới tuyến); tuyệt đối (chung một Cụ Hồ); nhất quán (chung một Thủ đô); thống nhất trọn vẹn (chung một cơ đồ). Bốn tứ thơ (lời đồng vọng cũng là tứ hay) hội tụ trong một cấu trúc, kiến tạo nên thi phẩm mang tầm vóc của một dàn hợp xướng tổng phổ các âm thanh, giai điệu, các trạng thái tình cảm.
Vượt qua ranh giới của địa hạt đơn nghĩa, hình tượng con đường vươn sang vương quốc đa nghĩa, tượng trưng để trở thành những biểu tượng văn hóa đích thực mang tư cách một diễn ngôn không chỉ chuyển tải thông điệp tư tưởng của nhà văn mà còn của cả thời đại. Thế nên, cùng với bài này, “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, trong tiếp nhận những năm lịch sử ấy rất được hưởng ứng, bởi hai kiệt tác đã vượt thoát ra tiếng nói của cá nhân, trở thành tiếng nói toàn dân, của lịch sử để trở thành ý thức hệ của thời đại. Đó là diễn ngôn đích thực, chỉ có ở những tài năng và những tư tưởng lớn từ nhà thơ cách mạng Tố Hữu.
Ta đi tới
TỐ HỮU
Ta đi giữa ban ngày Trên đường cái, ung dung ta bước. Đường ta rộng thênh thang tám thước Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên Đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên Đường cách mạng, dài theo kháng chiến... Đến hôm nay đường xuôi về biển Mới tinh khôi màu đất đỏ tươi Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi! Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca... Ai qua Phú Thọ Ai xuôi Trung Hà Ai về Hưng Hóa Ai xuống Khu Ba Ai vào Khu Bốn Đường ta đó, tự do cuồn cuộn Bốt đồn Tây đã cuốn sạch rồi! Sông Thao nao nức sóng dồi Ai về Hà Nội thì xuôi cùng thuyền. Ờ đã chín năm rồi đấy nhỉ! Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ Bắp chân, đầu gối vẫn săn gân. Ngẩng đầu lên: trong sáng tuyệt trần Tháng Tám mùa thu xanh thắm Mây nhởn nhơ bay Hôm nay ngày đẹp lắm! Mây của ta, trời thắm của ta Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa!
Đã tan tác những bóng thù hắc ám Đã sáng lại trời thu tháng Tám Trên đường ta về lại Thủ đô Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ! Mẹ ơi, lau nước mắt Làng ta giặc chạy rồi! Tre làng ta lại mọc Chuối vườn ta xanh chồi Trâu ta ra bãi ra đồi Đồng ta lại hát hơn mười năm xưa... Các em ơi, đã học chưa? Các anh dựng cho em trường mới nữa. Chúng nó chẳng còn mong giội lửa Trường của em đứng giữa đồi quang Tiếng các em thánh thót quanh làng. Ai đi Nam Bộ Tiền Giang, Hậu Giang Ai vô thành phố Hồ Chí Minh Rực rỡ tên vàng. Ai về thăm bưng biền Đồng Tháp Việt Bắc miền Nam, mồ ma giặc Pháp Nơi chôn rau cắt rốn của ta! Ai đi Nam-Ngãi, Bình Phú, Khánh Hòa Ai vô Phan Rang, Phan Thiết Ai lên Tây Nguyên, Kông Tum, Đắc Lắc Khu Năm dằng dặc khúc ruột miền Trung Ai về với quê hương ta tha thiết Sông Hương, Bến Hải, Cửa Tùng... Ai vô đó, với đồng bào, đồng chí Nói với Nửa-Việt Nam yêu quý Rằng: Nước ta là của chúng ta Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa! Chúng ta, con một cha, nhà một nóc Thịt với xương, tim óc dính liền. Dù ai nói ngả nói nghiêng Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân. Dù ai rào giậu ngăn sân Lòng ta vẫn giữ là dân Cụ Hồ! Ta đã lớn lên rồi trong khói lửa Chúng nó chẳng còn mong được nữa Chặn bàn chân một dân tộc anh hùng. Những bàn chân từ than bụi, lầy bùn Đã bước dưới mặt trời cách mạng. Những bàn chân của Hóc Môn, Ba Tơ, Cao-Lạng Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu Những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp! Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp, Rắn như thép, vững như đồng. Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp Cao như núi, dài như sông Chí ta lớn như Biển Đông trước mặt! Ta đi tới, không thể gì chia cắt Mục Nam Quan đến bãi Cà Mau Trời ta chỉ một trên đầu Bắc Nam liền một biển Lòng ta không giới tuyến Lòng ta chung một Cụ Hồ Lòng ta chung một Thủ đô Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam!
Tháng 8-1954
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.