Vai trò của lông mũi
Trải qua một thời gian dài tiến hóa, lông trên cơ thể con người ngày càng ít đi, nhiều chỗ bị thoái hóa, đặc biệt là lông ở ngực và tay chân, nhưng lông mũi vẫn không hề giảm. Nếu không nhổ thì có vẻ như bạn sẽ chưa bao giờ thấy lông mũi rụng. Tuy lông mũi mọc ở những nơi không dễ thấy nhưng vai trò của nó rất quan trọng.
Đầu tiên là ngăn bụi bặm. Các sợi lông mũi đan vào nhau dày đặc như mạng nhện giúp ngăn bụi, ngăn côn trùng bay không cho chúng xâm nhập vào đường hô hấp. Nếu không có lớp lông mũi bảo vệ thì có thể đã hút vô số côn trùng nhỏ.
Chức năng thứ hai là giữ ẩm. Vào mùa hè nhiệt độ cao khoang mũi sẽ bị khô nếu không có lông mũi bảo vệ, niêm mạc mũi vốn rất mỏng manh, nếu thiếu ẩm sẽ nhanh chóng bị chảy máu cam. Vào mùa đông, lông mũi có chức năng giữ ấm, ngăn không khí lạnh kích thích hắt hơi.
Một chức năng khác của lông mũi là bảo vệ niêm mạc mũi. Niêm mạc được ví như đất, lông mũi giống như cây to, nếu không có lông mũi bảo vệ thì niêm mạc mũi sẽ bị rách và chảy máu, ngoài ra còn có tác dụng bảo vệ dây thần kinh khứu giác.
Nguyên nhân khiến lông mũi dài
Số lượng và độ dài của lông mũi liên quan đến nồng độ hormone của một người. Hormone nam tiết ra mạnh, lông mũi mọc nhanh và dễ dàng mọc ra.
Lông mũi cũng là lông trên cơ thể, và sự phát triển của lông trên cơ thể cũng liên quan đến tính di truyền. Nếu bố hoặc mẹ có lông trên cơ thể dày và dài thì lông trên cơ thể của con cũng vậy.
Nam giới hút thuốc lá lâu ngày sẽ mọc lông mũi nhanh hơn nam giới không hút thuốc. Một số nam giới còn nhận thấy lông mũi chuyển sang màu trắng và nhạt hơn, nguyên nhân chủ yếu là do sự kích thích của khói thuốc. Nếu trong môi trường sống thường ngày có nhiều khói bụi, bụi bẩn xâm nhập vào khoang mũi, khoang mũi sẽ thúc đẩy lông mũi mọc để tự bảo vệ.
Lông mũi mọc ngoài lỗ mũi có nhổ hay tỉa được không?
Nhiều nam giới nhận thấy lông mũi của mình mọc ra và phản ứng đầu tiên của họ là đưa tay ra để nhổ, đây là hành vi không nên. Niêm mạc mũi vô cùng mỏng manh, quá trình dùng lực kéo lông mũi sẽ khiến niêm mạc bị tổn thương, đồng thời kéo theo viêm nang lông. Nếu bụi bẩn trong không khí lọt vào khoang mũi, dễ gây nhiễm trùng và gây viêm đường hô hấp.
Cách tỉa đúng cách là bạn nên tỉa bằng dụng cụ, bạncó thể tỉa bằng kéo nhỏ chuyên dụng để cắt lông mũi. Chỉ cần cắt bỏ phần mọc ra ngoài hốc mũi, không nên cắt quá ngắn để tránh chảy máu cam.