Hiện châu Phi phải đối mặt với 2 thách thức đáng kể. Đây là lục địa bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nhiệt độ tăng cao, đồng thời 600 triệu cư dân vẫn chưa được sử dụng điện.
Một con đập khô cạn do hạn hán ở thành phố Graaff-Reinet, Nam Phi. Ảnh: REUTERS
Nhóm Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) đã tổ chức cuộc họp thường niên từ ngày 23 đến 27-5 tại Accra, Ghana liên quan đến hai chủ đề chính gồm khả năng chống chịu với khí hậu và quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng ở châu Phi. Đây là chủ đề được lựa chọn từ COP 26 vào năm 2021 ở Glasgow, Scotland và COP 27 vào tháng 11 tới ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập.
Các thống đốc của ngân hàng châu Phi đã chia sẻ kinh nghiệm về những thách thức của biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng mà quốc gia của họ phải đối mặt. Họ cũng nêu chi tiết các biện pháp để giải quyết tình hình hiện tại và những giải pháp cho vấn đề.
Châu Phi chỉ phát thải 3% khí nhà kính, nhưng đây là châu lục bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nền nhiệt tăng cao. Mức tăng nhiệt độ toàn cầu 2oC có thể dẫn đến mức tăng 3,6oC ở các khu vực của châu Phi. Mực nước biển dâng cao là một mối đe dọa, đặc biệt là đối với các nước ven biển ở vùng Tây Phi. 35 trong số 45 quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu là ở châu Phi cận Sahara.
Từ năm 2020 đến năm 2030, nhu cầu về chống biến đổi khí hậu của châu Phi có thể lên tới 331 tỉ USD. Tuy nhiên, châu Phi chỉ nhận được 3% tổng dòng tài chính khí hậu toàn cầu.
Châu Phi phải thực hiện thành công quá trình chuyển đổi năng lượng vì châu lục này là nơi sinh sống của 20% dân số thế giới và chỉ chiếm 6% nhu cầu năng lượng toàn cầu. Hiện 600 triệu người ở châu Phi vẫn chưa được sử dụng điện.
Châu Phi ghi nhận 600.000 ca tử vong hàng năm do ô nhiễm không khí hộ gia đình, bao gồm cả nhiên liệu kém chất lượng được sử dụng để sưởi ấm và nấu ăn.
2-4% GDP của châu Phi bị cắt giảm hàng năm do các vấn đề cung cấp năng lượng và cắt điện liên tục.
Để đáp ứng nguyện vọng của mình, lục địa này phải tăng gấp đôi công suất sản xuất năng lượng từ năm 2020 đến năm 2040.
Cuộc họp trong năm 2022 của Nhóm Ngân hàng Phát triển châu Phi đã diễn ra trong 5 ngày tại thủ đô của Ghana và là lần họp trực tiếp đầu tiên kể từ năm 2019. Khoảng 3.000 đại biểu từ 54 quốc gia thành viên châu Phi và 27 nước ngoài châu Phi đã tham dự.
Các Bộ trưởng châu Phi đã đưa ra lời kêu gọi trên trong một thông cáo chung khi kết thúc một diễn đàn kéo dài ba ngày ở thủ đô Cairo của Ai Cập vào ngày 9-9 và hai tháng trước, khi Ai Cập tổ chức cuộc họp trù bị cho hội nghị khí hậu COP 27 quan trọng ở Sharm El-Sheikh vào tháng 11.
Các nhà lãnh đạo châu Phi cho biết, việc viện trợ tài chính là cần thiết vì “tác động không cân xứng của biến đổi khí hậu và tổn thất tự nhiên đối với lục địa châu Phi”.
Thông cáo kêu gọi các nước giàu đáp ứng và mở rộng các cam kết về khí hậu, đồng thời cho rằng các nước nghèo nên phát triển kinh tế đồng thời nhận được nhiều viện trợ hơn để có thể thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.
Tài trợ để giúp các nước nghèo hạn chế phát thải và tăng cường khả năng phục hồi của những quốc gia này sẽ là một nội dung quan trọng tại COP 27.
Mục tiêu lâu dài đối với các quốc gia phát triển là chi 100 tỉ USD mỗi năm từ năm 2020 để giúp những nước dễ bị tổn thương thích ứng với biến đổi khí hậu hiện vẫn chưa được đáp ứng.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi, lục địa này sẽ cần tới 1,6 nghìn tỉ USD từ năm 2020 đến năm 2030 cho các nỗ lực hạn chế biến đổi khí hậu và thích ứng với những tác động bất lợi.
Kevin Chika Urama, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển châu Phi, cho biết, châu lục này phải đối mặt với khoảng cách tài trợ khí hậu khoảng 108 tỉ USD mỗi năm.
NGUYỄN TẤN tổng hợp