Bác toàn nhờ mấy người đi chăm người bệnh cùng phòng, ai đi mua đồ ăn thì mua hộ. Bác còn chẳng dám ăn nhiều, không dám uống nước nhiều vì sợ phải đi vệ sinh nhiều.
Vì không có ai chăm sóc nên dù đau lắm bác cũng cố bám vào tường rồi lết chậm chạm từng bước để đi ra nhà vệ sinh. Mấy người giường bên cạnh cũng ngỏ ý giúp bác vệ sinh tại giường nhưng bác chảy nước mắt ái ngại, sợ phiền. Mỗi lần đi vệ sinh là một cực hình đối với bác.
Ai cũng nghĩ chắc bác không có người thân nào nhưng sợ bác buồn nên không ai dám hỏi. Đến tận ngày thứ sáu nằm viện mới thấy con gái bác đến chơi một lúc, cho mẹ năm trăm ngàn đồng rồi về và mất hút.
Tối hôm ấy bác rơm rớm nước mắt kể chuyện buồn gia đình. Bác cũng có đến 4 người con chứ không ít. Có hai con trai thì cũng toàn do con dâu không hợp với mẹ mà ít quan hệ qua lại, lâu dần thành ra như người dưng. Nay mẹ nằm viện, ai cũng viện cớ bận rộn, chẳng ai ngó ngàng.
Hai cô con gái thì cô chị đã ly hôn rồi đưa hai con về sống với mẹ. Nhiều lần cô em đưa con cái về chơi, bọn trẻ chơi với nhau rồi cãi nhau chí chóe, đúng là trẻ con làm mất lòng người lớn. Hai bà mẹ mắng con mình nhưng lại cạnh khóe dằn mặt cháu để rồi sinh ra hai chị em cãi nhau và gần như từ mặt nhau. Từ đó cô em út chẳng bao giờ qua lại nhà mẹ đẻ chỉ vì ghét cô chị. Cả năm chắc về được 1-2 lần.
Sau đó, vì kinh tế vất vả nên cô chị phải nhờ mẹ chăm giúp hai con để đi lao động nước ngoài, kiếm vốn làm ăn.
Bà cứ vừa kể vừa khóc, nên cũng chẳng ai dám hỏi gì hơn, chỉ sợ càng hỏi càng động đến nỗi cay đắng của bà. Mọi người trong phòng bảo nhau giúp được gì cho bà thì giúp, cố an ủi xoa dịu bà trong những ngày đơn độc đớn đau.
Giường bên thì có một cô trẻ hơn, tuy hai người con đều ở xa nhưng mỗi ngày gọi điện hỏi thăm động viên mẹ không biết bao nhiêu lần. Còn hàng ngày thì có các em và các cháu qua lại. Cứ nhìn cảnh đó, bà không ngăn được những giọt nước mắt tủi thân.
Nhìn xa hơn chút, mấy ngày này miền Trung trải qua những trận bão lũ kinh hoàng, người dân cả nước hướng về khúc ruột yêu thương, góp công, góp sức và góp tiền đi làm thiện nguyện mong bù đắp một phần nhỏ những mất mát đau thương của họ. Có cô ca sỹ còn vào tận nơi giữa trận lụt lịch sử để đi đến từng nhà, trao tận tay họ những phần quà, những yêu thương của mọi người gửi gắm. Nhiều người nói cô ấy đi vì danh tiếng. Thiết nghĩ người như cô ấy, tiền tài danh vọng, tiếng tăm đều đã quá đủ, họ chẳng cần phải mạo hiểm đến tính mạng của mình như vậy thì vẫn cứ nổi tiếng rồi. Chỉ là họ có khả năng, họ có tiếng nói và họ đã tận dụng điều đó để làm nên những điều thiêng liêng cao quý mà nhiều người khác có thể muốn nhưng không làm được.
Có nhiều người nói, nếu tôi có nhiều tiền như cô ấy, tôi cũng làm từ thiện, chỉ là giờ tôi còn quá nhiều điều phải lo. Chẳng phải ai cứ có nhiều tiền thì sẽ làm điều lương thiện. Họ kiếm tiền cũng từ mồ hôi nước mắt. Họ làm là vì lòng trắc ẩn, vì tình yêu thương. Nhiều người cũng còn rất nhiều nỗi lo nhưng khi có thể giúp ai đó, họ vẫn giúp.
Cuộc sống này vô thường lắm, chẳng phải muốn mà được, cuộc đời dài đấy để còn chứng kiến bao chua cay nhưng cũng quá ngắn để yêu thương lan tỏa. Chỉ như một trận lũ kia thôi, sau tích tắc nhiều người đã âm dương cách trở, chẳng kịp làm những điều trong chữ “nếu”.
Chúng ta, nhiều người xót xa trước những nỗi đau thắt lòng của đồng bào miền lũ và chúng ta hành động dù ở cách rất xa, vậy sao lại có những người con ngay gần bên mẹ lại có thể dửng dưng tàn nhẫn khi mẹ đau ốm thế?
Có khi nào cô con gái ấy từng nghĩ, mai này mình cũng có thể nằm trên chiếc giường bệnh kia đơn độc, đau đớn một mình như chính mẹ mình ngày hôm nay? Nếu biết nhân quả luôn có thật, chỉ là đến trước đến sau, chắc mỗi chúng ta sẽ chẳng ai dám làm những điều tệ bạc để rồi cuộc đời mình gánh hậu quả.
Cuộc sống vô thường lắm, gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Làm gì để sau này không bao giờ thấy mình phải hối hận, bởi chẳng ai biết ngày mai sẽ thế nào.