Các bệnh lý về tim mạch là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở cả nam và nữ giới, mặc dù trung bình người phụ nữ phải mất 7 đến 10 năm mới xuất hiện các triệu chứng rõ rệt. Thời gian gần đây, tỷ lệ tử vong do bệnh lý tim mạch ở nam giới đang có xu hướng giảm dần còn ở phụ nữ thì không.
Nhồi máu cơ tim được xem là một trong những biến cố tim mạch cấp tính, nguy hiểm cần hiểu rõ để có những biện pháp ngăn ngừa biến chứng kịp thời, đặc biệt là ở phụ nữ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các nguyên nhân, dấu hiệu nhồi máu cơ tim ở phụ nữ và những phương pháp phòng ngừa, điều trị hiệu quả nhất hiện nay.
Tổng quan về nhồi máu cơ tim ở phụ nữ
Nhồi máu cơ tim là bệnh lý thường gặp ở những người lớn tuổi. Tuy nhiên, gần đây bệnh dần trẻ hóa bởi đã có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh khi chưa đến 45 tuổi. Theo thống kê từ tạp chí U.S. Pharmacist, tại Mỹ, bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ với 301,280 ca tử vong vào năm 2019.
Các dấu hiệu đau tim ở phụ nữ ít rõ ràng hơn so với nam giới và các triệu chứng ở phụ nữ được mô tả là “không điển hình”. Theo nghiên cứu, nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim ở phụ nữ, nguyên nhân gây tử vong phần lớn xuất phát từ việc không nhận biết được các triệu chứng không điển hình này.
Do đó, phụ nữ khi bị đau tim ít có khả năng nhận được các biện pháp can thiệp kịp thời vì không thể nhận biết được. (1)
Tỷ lệ bị nhồi máu cơ tim ở phụ nữ so với nam giới
Mặc dù tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch cao hơn, nhưng nam giới có tỷ lệ tử vong thấp hơn nữ. Sự chênh lệch này có thể do sự khác biệt về tuổi tác, thể trạng và những bệnh đi kèm khi phát hiện các dấu hiệu đau tim ở lần đầu.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trung bình phụ nữ có kết quả điều trị nhồi máu cơ tim kém hơn nam giới nhưng lại có nhiều biến chứng, tỷ lệ tử vong cao và khả năng phục hồi thương tổn cũng ít hơn. (2)
Nam và nữ có sự khác nhau về cơ chế hoạt động của hội chứng tim mạch. Một số phụ nữ có thể có mạch máu ổn định khi kiểm tra bằng nội soi, nhưng thực tế họ lại có các vấn đề về tim mạch được xác định qua chứng cứ sinh học hoặc hình ảnh y tế.
Hơn 1/3 số phụ nữ cảm thấy đau tim mặc dù không có vấn đề về động mạch vành được phát hiện, nhưng khi kiểm tra bằng siêu âm, họ lại thấy sự tổn thương nghiêm trọng ở bên trong.
Các dấu hiệu nhồi máu cơ tim ở phụ nữ có thể nhận biết
Nhồi máu cơ tim ở nữ giới có thể xảy ra bất cứ lúc nào và gây tử vong đột ngột nếu không được cấp cứu kịp thời. Sau đây là một số dấu hiệu nhồi máu cơ tim ở phụ nữ bạn cần lưu ý:
1. Cảm giác đau từ cổ, hàm và có thể lan ra sau lưng hoặc bụng
Khi bị nhồi máu cơ tim cấp bạn có thể gặp cảm giác hàm bị đau do sự chi phối của các dây thần kinh. Cơn đau do nhồi máu cơ tim sẽ có dấu hiệu không liên tục và sẽ tồi tệ hơn khi bạn cố hoạt động gắng sức. Cơn đau có thể kéo dài hơn 20 phút, sau đó lan dần ra cổ, vai trái, lưng, bụng hoặc cả cánh tay bên trái.
2. Đau tức vùng ngực
Đau tức ngực là dấu hiệu điển hình của cơn nhồi máu cơ tim, người bệnh sẽ cảm thấy đau thắt dữ dội như có vật gì đó đè nặng, ép chặt vùng ngực. Các cơn đau tim hầu hết sẽ xuất phát tại chính giữa tim hoặc vùng ngực bên trái. Bệnh nhân sẽ bị đau khoảng một vài phút hoặc kéo dài từ 10 đến 30 phút tùy tình trạng.
Cơn đau tức vùng ngực không nhất thiết phải đột ngột, nó có thể bắt nguồn sau đó thuyên giảm trong nhiều tuần và thường bị nhầm lẫn với chứng khó tiêu. Nếu cơ thể không gặp các cơn đau vào ngay sau bữa ăn hoặc không thường gặp tình trạng khó tiêu, thì khi gặp các cơn đau tức vùng ngực kèm theo buồn nôn bệnh nhân hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế để kiểm tra kịp thời.
3. Dấu hiệu buồn nôn hoặc nôn thường gặp ở phụ nữ
Buồn nôn là triệu chứng thường gặp ở phụ nữ khi bị nhồi máu cơ tim, bạn sẽ có cảm giác muốn nôn tất cả những gì đang có trong dạ dày ra ngoài. Thông thường buồn nôn là dấu hiệu của các bệnh lý liên quan đến dạ dày, nhưng trong vài trường hợp đây có thể do ảnh hưởng của cơn nhồi máu cơ tim.
4. Cảm giác khó thở, hụt hơi
Khi nhồi máu cơ tim cơ thể người phụ nữ sẽ cảm thấy khó thở khi nằm và triệu chứng có thể giảm khi ngồi thẳng lưng. Cảm giác khó thở hoặc cảm thấy nặng nề khi thở cả khi hoạt động không gắng sức, cảm giác này có thể kèm theo mệt mỏi hoặc đau ở vùng ngực.
5. Mệt mỏi trước ngày bị nhồi máu cơ tim
Cơ thể khi bị nhồi máu cơ tim ở phụ nữ sẽ có dấu hiệu mệt mỏi, bạn hoàn toàn bị kiệt sức. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi và không thể làm bất cứ hoạt động gì nữa khi thực hiện những hoạt động thường ngày của mình thì cho thấy dấu hiệu của việc máu không thể cung cấp đủ nhanh đến tim.
6. Suy kiệt cơ thể
Người bệnh sẽ bị suy kiệt cơ thể và cảm thấy run rẩy, triệu chứng này thường đi kèm chóng mặt, căng thẳng, lo lắng và có thể dẫn đến ngất xỉu.
7. Rối loạn giấc ngủ
Hơn 50% phụ nữ gặp phải tình trạng rối loạn giấc ngủ trước khi xuất hiện cơn nhồi máu cơ tim khoảng vài tuần. Khi bị rối loạn giấc ngủ, bệnh nhân thường bị khó ngủ, giữa đêm thức giấc, luôn trong trạng thái mệt mỏi thiếu ngủ. Thiếu ngủ mãn tính làm giảm độ nhạy cảm cơ thể với Insulin và tăng huyết áp dẫn đến nhồi máu cơ tim.
8. Toát mồ hôi lạnh
Hai hormone adrenaline và noradrenaline được tiết ra khi hệ thần kinh giao cảm truyền phát tín hiệu khiến tim đập nhanh hơn dẫn đến tim đập nhanh và huyết áp tăng. Hai hormone này làm cho tuyến mồ hôi hoạt động quá mức dẫn đến đổ mồ hôi lạnh.
Nếu thấy cơ thể bị đổ mồ hôi lạnh kèm theo triệu chứng ngực đau thắt, buồn nôn, khó thở thì đây là dấu hiệu của bệnh nhồi máu cơ tim cần được cấp cứu kịp thời.
9. Choáng váng và chóng mặt
Choáng váng và chóng mặt là biểu hiện của tình trạng ngất xỉu mà không có lý do rõ ràng do tim không được cung cấp đủ máu, dễ nhận biết nhất là biểu hiện đổ mồ hôi lạnh và khó thở.
10. Ngất xỉu
Ngất xỉu là trạng thái bị đột ngột mất tri giác thoáng qua và có thể phục hồi. Bệnh nhân khi ngất xỉu có thể bị ngã, bất tỉnh mà vẫn có thể tỉnh dậy sau vài phút. (3)
11. Dấu hiệu nhồi máu cơ tim ở phụ nữ sau mãn kinh
Nồng độ hormone estrogen của phụ nữ sau mãn kinh bị giảm đi làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Phụ nữ sau mãn kinh có thể gặp một số triệu chứng của nhồi máu cơ tim bao gồm:
- Nhịp tim tăng nhanh hoặc không đều.
- Toát mồ hôi.
- Đau thắt vùng ngực.
- Cảm giác khó chịu hoặc bị đau ở lưng, cánh tay, cổ và dạ dày.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ nhồi máu cơ tim ở phụ nữ
Nhồi máu cơ tim ở phụ nữ có thể bắt nguồn từ các yếu tố nguy cơ như sau:
- Tuổi tác: Phụ nữ trên 55 tuổi có nguy cơ cao hơn bị nhồi máu cơ tim. Điều này thường do họ đang ở giai đoạn tiền mãn kinh hoặc đã mãn kinh.
- Tiền sử gia đình: Trong gia đình nếu có người thân nam mắc nhồi máu cơ tim dưới 55 tuổi hoặc nữ dưới 65 tuổi, nguy cơ mắc bệnh tim của bạn cũng sẽ tăng cao.
- Tình trạng sức khỏe: Cao huyết áp và cholesterol cao cũng làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim ở cả nam và nữ.
- Bệnh lý khác: Một số bệnh như béo phì, tiểu đường, và các rối loạn miễn dịch là những yếu tố tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim ở nữ giới. Đặc biệt, ở phụ nữ, các bệnh như hội chứng buồng trứng đa nang, endometriosis hoặc tiền sử sản giật trong thai kỳ cũng làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
- Lối sống: Thói quen hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích như amphetamine hoặc cocaine, ăn nhiều thức ăn cay nóng không lành mạnh, sống ít vận động và căng thẳng đều làm tăng nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim. (4)
Nhồi máu cơ tim ở phụ nữ có nguy hiểm không?
Bệnh nhồi máu cơ tim gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nếu không được cứu chữa kịp thời. Đặc biệt, ở phụ nữ các biểu hiện nhồi máu cơ tim không có biểu hiện rõ ràng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Phương pháp chẩn đoán nhồi máu cơ tim ở phụ nữ
Chẩn đoán sớm nhồi máu cơ tim, đặc biệt ở phụ nữ là bước quan trọng để cải thiện kết quả điều trị và giảm thiểu tổn thương tim mạch. Phụ nữ thường trải qua các triệu chứng ít điển hình hơn so với nam giới, do đó các bác sĩ phải cực kỳ nhạy bén trong quá trình chẩn đoán để nhận biết và xử lý kịp thời.
Một số phương pháp chẩn đoán nhồi máu cơ tim ở phụ nữ bao gồm:
1. Điện tâm đồ (ECG)
Đây là xét nghiệm không xâm lấn, nhanh chóng và cung cấp thông tin quan trọng về hoạt động điện của tim. Bằng cách sử dụng các điện cực gắn trên da bệnh nhân, ECG ghi lại các sóng điện tim. Ở phụ nữ bị nhồi máu cơ tim, ECG có thể phát hiện những thay đổi về điện tính trong các đoạn hoặc sóng nhất định, cho thấy các khu vực cơ tim không nhận đủ máu. Mặc dù ECG giúp nhận diện nhanh chóng các vấn đề về tim, đôi khi kết quả ban đầu có thể vẫn bình thường ở một số bệnh nhân.
2. Phương pháp xét nghiệm máu
Xét Nghiệm máu là một trong các phương pháp không thể thiếu trong chẩn đoán các dấu hiệu nhồi máu cơ tim ở phụ nữ, phương pháp này giúp chẩn đoán những tổn thương của tim do thiếu máu bằng cách phóng thích các enzyme vào máu. Các xét nghiệm đo nồng độ troponin một loại protein có trong cơ tim giúp xác định mức độ và tính chất của tổn thương. Nồng độ troponin cao là dấu hiệu rõ ràng của tổn thương cơ tim và thường được sử dụng để xác nhận chẩn đoán nhồi máu cơ tim.
Phương pháp điều trị nhồi máu cơ tim ở phụ nữ
Để hiểu rõ hơn về các phương pháp điều trị nhồi máu cơ tim ở phụ nữ, chúng ta cần xem xét chi tiết từng phương pháp và nắm rõ tác dụng của chúng trong việc giảm thiểu tổn thương tim và cải thiện chức năng tim sau sự cố. Một số cách điều trị bao gồm:
1. Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Sử dụng những loại thuốc có khả năng kháng kết tập tiểu cầu, ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông mới và sự phát triển của các cục máu đông hiện có. Điều này rất quan trọng trong việc duy trì lưu lượng máu tới tim và giảm thiểu tổn thương do thiếu máu.
Các loại thuốc thường được sử dụng để làm hòa tan máu đông trong động mạch vành, giảm gánh nặng cho tim, hạ huyết áp và giảm cholesterol, hỗ trợ trong việc ngăn ngừa các biến chứng sau nhồi máu cơ tim hiệu quả.
Tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi người để có những loại thuốc phù hợp. Do đó, người bệnh nên sử dụng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị để tránh gặp các tác dụng phụ không mong muốn.
2. Phương pháp can thiệp mạch vành (đặt stent)
Thủ thuật này bao gồm việc đưa một ống nhỏ gọi là stent vào động mạch vành qua một ống dẫn nhỏ. Stent sau khi được đặt sẽ giãn nở, từ đó mở rộng động mạch giúp duy trì lưu thông dòng máu ngăn ngừa tình trạng động mạch bị hẹp lại.
Thủ thuật đặt sten mạch vành giúp cải thiện lưu thông máu một cách nhanh chóng, giảm nguy cơ tổn thương tim và giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn so với phẫu thuật.
3. Phương pháp bắc cầu động mạch vành
Bắc cầu động mạch vành là một phương pháp hữu hiệu, trong đó bác sĩ sẽ sử dụng một đoạn ống ghép bằng tĩnh mạch hoặc ống ghép bằng động mạch để làm “cầu nối”, nối đến phía sau đoạn mạch vành bị hẹp.
Việc tuân thủ theo các phương pháp điều trị này không chỉ giúp giảm thiểu tổn thương tim mà còn cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của phụ nữ sau khi trải qua nhồi máu cơ tim.
Biện pháp phòng ngừa nhồi máu cơ tim ở phụ nữ
Dưới đây là một số biện pháp giúp ngăn ngừa bệnh nhồi máu cơ tim ở phụ nữ hiệu quả:
1. Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
Việc giảm thiểu các thực phẩm giàu chất béo bão hòa, tăng cường thực phẩm như: rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt giúp cung cấp chất xơ vitamin và khoáng chất. Chất xơ giúp giảm cholesterol và đường huyết, trong khi vitamin và khoáng chất hỗ trợ chức năng tim mạch và giảm viêm hiệu quả.
2. Duy trì tập thể dục đều đặn mỗi ngày
Tập thể dục thường xuyên là giải pháp giúp tăng cường lưu lượng máu và cải thiện khả năng sử dụng oxy của cơ thể. Điều này không chỉ giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim mà còn giúp duy trì sức khỏe tổng thể khỏe mạnh.
3. Quản lý căng thẳng, áp lực
Căng thẳng, áp lực là nguyên nhân gây nên các vấn đề về tim mạch. Việc quản lý stress hiệu quả thông qua thiền, yoga và các kỹ thuật thở sâu có thể giảm bớt áp lực lên hệ tim mạch, giúp duy trì nhịp tim ổn định và giảm huyết áp.
4. Không hút thuốc lá và hạn chế rượu bia
Thuốc lá và bia rượu là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim mạch. Việc ngừng hút thuốc và hạn chế rượu bia có thể mang đến một số tác động tích cực đến tim mạch.
5. Kiểm soát cân nặng
Béo phì và thừa cân cũng là một trong những gây áp lực cho tim. Việc duy trì thể trạng cân đối làm giảm áp lực lên tim giúp hỗ trợ kiểm soát huyết áp, cholesterol và các vấn đề về đường huyết hiệu quả.
>> Xem thêm: 13 cách phòng ngừa nhồi máu cơ tim một cách có kế hoạch [A-Z]
Một số câu hỏi thường gặp về nhồi máu cơ tim ở phụ nữ
1. Tiên lượng sống sau nhồi máu cơ tim ở phụ nữ có cao hơn nam giới?
Theo nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị về Suy tim năm 2023 của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC) đã chỉ ra rằng phụ nữ có nguy cơ tử vong sau cơn nhồi máu cơ tim cao gấp hơn hai lần so với nam giới do nhiều yếu tố như độ tuổi, cân nặng, huyết áp, tiền sản giật,…
>> Xem thêm: Nhồi máu cơ tim thường gặp ở độ tuổi nào? Độ tuổi dễ mắc nhất?
2. Khi nào nên gọi cấp cứu?
Nhồi máu cơ tim ở phụ nữ nói riêng và tất cả mọi người nói chung là một tình trạng khẩn cấp cần được cứu chữa kịp thời. Vì vậy, khi phát hiện bản thân hoặc ai đó có các biểu hiện nghi ngờ nhồi máu cơ tim cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu.
Dấu hiệu nhồi máu cơ tim ở phụ nữ được bộc lộ qua các triệu chứng không điển hình nên cần sự lưu ý đặc biệt. Do đó, phụ nữ sau 40 tuổi tốt nhất nên thường xuyên đến các cơ sở y tế chuyên khoa tim mạch để thăm khám và phát hiện kịp thời các dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh nhồi máu cơ tim.