Nốt ruồi là tình trạng phổ biến xuất hiện ở hầu hết mọi người, do tế bào biểu bì và hắc tố tạo thành. Nốt ruồi sẽ đậm màu lên nếu cơ thể có sự thay đổi về nội tiết tố hoặc khi da tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời.
Hầu hết nốt ruồi là lành tính. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mang nốt ruồi ác tính và phải thực hiện phẫu thuật để loại bỏ khối u ác tính, tránh biến chứng hoặc di căn sang các cơ quan khác của cơ thể. Một trong những cách loại bỏ nốt ruồi được phần đông mọi người lựa chọn là tẩy nốt ruồi. Vậy tẩy nốt ruồi có thực sự hiệu quả không?
Có nên tẩy nốt ruồi không?
Tẩy nốt ruồi là phương pháp được nhiều người lựa chọn để loại bỏ những nốt ruồi không mong muốn gây ảnh hưởng tới ngoại hình, phong thuỷ,... Phương pháp này thường không gây ra đau đớn hay tác dụng phụ. Ngoài ra, quy trình tẩy nốt ruồi thường diễn ra trong thời gian ngắn và bạn hoàn toàn có thể tiến hành điều trị ngoại trú. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể thực hiện tẩy nốt ruồi nếu có mong muốn.
Quá trình tẩy nốt ruồi được thực hiện như sau:
- Bước 1: Bác sĩ sẽ tiến hành gây tê cục bộ khu vực xung quanh nốt ruồi cần tẩy.
- Bước 2: Sử dụng dụng cụ y khoa chuyên nghiệp để xử lý nốt ruồi.
Sau khi tẩy, trên da có thể xuất hiện những sẹo nhỏ, với làn da nhạy cảm sẽ có khả năng bị sẹo lồi hoặc sắc tố da ở khu vực tẩy bị thay đổi. Bạn cần chú ý giữ vệ sinh khu vực vết thương, sử dụng thuốc giảm đau (nếu cần). Ngoài ra, nếu thấy nốt ruồi xuất hiện trở lại sau khi tẩy nên sớm thăm khám chuyên khoa bởi có thể đó là dấu hiệu báo hiệu u ác tính.
Các phương pháp tẩy nốt ruồi
Hiện nay, có nhiều phương pháp được sử dụng để tẩy nốt ruồi như dùng tia laser, đốt điện hoặc làm tiểu phẫu. Mỗi phương pháp lại có những ưu, nhược điểm khác nhau. Tuỳ thuộc vào tình trạng cụ thể của nốt ruồi (như kích thước, mức độ phát triển, độ sậm màu,...) các bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng phương pháp phù hợp.
Dưới đây là sự so sánh các phương pháp tẩy nốt ruồi phổ biến, bạn có thể tham khảo và có cho mình những đánh giá trực quan nhất.
Sử dụng tia laser
Tẩy nốt ruồi bằng tia laser là phương pháp được sử dụng rộng rãi hiện nay bởi an toàn và ít để lại sẹo. Phương pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng máy laser chiếu vào nốt ruồi cần đốt. Từ đó, tế bào sắc tố ở lớp thượng bì sẽ bị loại bỏ, đồng thời tiêu diệt sắc tố nằm sâu dưới da.
Đốt điện
Một phương pháp tẩy nốt ruồi khác cũng hay được sử dụng đó là đốt điện. Theo đó, các bác sĩ sẽ sử dụng dòng điện để phá huỷ mô nốt ruồi. Phương pháp này có ưu điểm ít đau đớn, mau lành vết thương và ít để lại sẹo. Tuy nhiên lại dễ gây tổn thương vùng da xung quanh nốt ruồi.
Tiểu phẫu
Phương pháp này thường được sử dụng trong trường hợp nốt ruồi có kích thước lớn, hình dạng sần sùi, ăn sâu dưới da hoặc nghi ngờ nốt ruồi ác tính. Trước khi thực hiện tiểu phẫu, bạn sẽ được bác sĩ kiểm tra xem nốt ruồi có phải là ác tính hay không. Sau đó, tuỳ vào tình trạng nốt ruồi cụ thể, bác sĩ sẽ tiến hành rạch nông hoặc sâu để “lấy sạch” nốt ruồi. Với trường hợp nghi ngờ là u ác tính, bác sĩ sẽ lấy trọn vẹn mô da chứa nốt ruồi và tiến hành xét nghiệm tìm tế bào ung thư.
Một vài lưu ý trong chăm sóc da sau khi tẩy nốt ruồi
Dù sử dụng phương pháp tẩy nốt ruồi nào, việc chăm sóc vết thương vô cùng quan trọng. Bởi khu vực da sau khi tẩy nốt ruồi trở nên nhạy cảm và dễ tổn thương hơn. Đặc biệt, rất dễ bị nhiễm trùng, xuất hiện sẹo lồi gây mất thẩm mỹ.
Dưới đây là một vài lưu ý chăm sóc da sau khi tẩy nốt ruồi, bao gồm:
- Bạn hãy giữ ẩm cho da cũng như iảm bớt tình trạng sẹo lõm bằng các loại băng hydrocolloid.
- Trong trường hợp vết thương tiết dịch, hãy sử dụng nước muối sinh lý hoặc dung dịch polyhexanide để rửa vết thương và thay miếng băng khác.
- Tuyệt đối không sử dụng oxy già hoặc dung dịch chứa iot để lau vết thương bởi có thể làm vết thương lâu lành hơn.
- Tuyệt đối không gãi, chà xát khu vực tẩy nốt ruồi.
- Khi ra ngoài hãy che chắn cẩn thận, tránh để khu vực da non tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời.
- Không sử dụng các loại mỹ phẩm khi vết thương chưa lành hẳn.
Bên cạnh việc chăm sóc da, chế độ ăn uống cũng là yếu tố quan trọng giúp vết thương nhanh lành hơn. Theo đó, bạn nên hạn chế sử dụng thịt gà, thịt bò, rau muống, hải sản,... để hạn chế xuất hiện sẹo lồi hoặc xuất hiện tình trạng ngứa ngáy ở vết thương.
Tại nhà, có nên xóa nốt ruồi không?
Hiện nay, có nhiều người lựa chọn tẩy nốt ruồi tại nhà bằng các mẹo dân gian như sử dụng mật ong, tỏi, giấm táo, nước ép hành tây,... thay vì tới bệnh viện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về da liễu, tính hiệu quả của những phương pháp này là vô thưởng vô phạt. Thậm chí, những mẹo tẩy nốt ruồi này còn có thể gây nhiễm trùng da, hình thành sẹo lồi trên mặt hay đẩy nhanh tiến trình gây ung thư (với trường hợp nốt ruồi ác tính),...
Tẩy nốt ruồi là một thủ thuật tương đối đơn giản, ít gây đau đớn cũng như các tác dụng phụ. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý về chế độ ăn uống cũng như chăm sóc da để tính hiệu quả của phương pháp tẩy nốt ruồi đạt tối đa.
Bài viết trên đây Nhà thuốc Long Châu đã giải đáp thắc mắc “Có nên tẩy nốt ruồi không?” cũng như một vài lưu ý sau khi tẩy nốt ruồi. Hy vọng rằng những thông tin đó sẽ bổ ích với mọi người.
Xem thêm:
- Tẩy nốt ruồi kiêng gì để da nhanh chóng hồi phục
- Tẩy nốt ruồi bao lâu thì bôi kem trị sẹo?
Tú Anh
Nguồn tham khảo: Tổng hợp