1. Bé gái 3 tuổi cân nặng bao nhiêu kg?
Khi được 3 tuổi, bé đã biết nói nhiều và đang quan sát, học hỏi để mở rộng vốn từ vựng và dần phát âm chuẩn hơn. Nếu bạn chú ý sẽ thấy trẻ bắt đầu nói được những câu dài hơn và nói nhiều hơn lúc trước. Bé bắt đầu mô tả hay kể lại cho bạn nghe những câu chuyện mà bé đang làm hay đã trải qua. Những lúc này bạn cần dành thời gian chia sẻ, nói chuyện với bé nhiều hơn để bé học theo.
Các vận động thể thao sẽ giúp bé phát triển các cơ, xương, khớp và gân một cách hoàn hảo nên bạn đừng sợ bé chơi dơ hay nguy hiểm bên ngoài mà hãy quan sát và cổ vũ cho bé tham gia các hoạt động vận động ngoài trời. Những đứa trẻ 3 tuổi đặc biệt rất hiếu động, ham chạy nhảy và thường rất thích nếu được chơi đá bóng, tập đạp xe hay tham gia các hoạt động thể thao đơn giản cùng với cha mẹ.
Chính vì vậy trẻ cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng để phục vụ cho nhu cầu khám phá và học hỏi của mình.
Nhưng bạn sẽ thấy đa số các bé ở độ tuổi này đều lười ăn. Điều đó hoàn toàn bình thường, bởi khi bé tập trung vào những việc nghiên cứu thế giới xung quanh, bé sẽ không thích những bữa ăn nhàm chán của bạn nữa.
Bạn sẽ rất lo lắng và tìm nhiều cách để khắc phục, nhưng có một vài mẹo nhỏ rất hay cho bạn đó là: Trang trí bữa ăn sinh động cho bé để thu hút bé tập trung với bữa ăn, lựa chọn loại sữa giúp trẻ tăng cân nhanh để đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bé; hãy chia nhỏ bữa ăn ra để bé có thể tiêu hóa và ăn ngon miệng hơn, cho bé ăn cơm cùng gia đình,..
Theo dõi chiều cao và cân nặng của bé mỗi tháng chính là việc làm quan trọng để giúp bạn nhận biết được tình trạng sức khỏe và thể chất của bé. Theo bảng chiều cao cân nặng chuẩn của trẻ theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiêu chuẩn cân nặng của bé gái 3 tuổi sẽ như sau:
- Suy dinh dưỡng: Nếu cân nặng dưới 11kg.
- Nguy cơ suy dinh dưỡng: Nếu cân nặng dưới 12.1kg.
- Bình thường: Cân nặng khoảng 13.9kg.
- Nguy cơ béo phì: Nếu cân nặng trên 15.9kg.
- Béo phì: Nếu cân nặng trên 17.8kg.
2. Sự phát triển của bé 3 tuổi
2.1. Sự phát triển thể chất của bé 3 tuổi
- Trẻ 3 tuổi có thể nhảy, đạp xe ba bánh, đá bóng và đổi chân khi leo lên cầu thang.
- Bé có thể biết mở nút và cởi quần áo, nhưng bé có thể vẫn cần được giúp đỡ khi mặc vào.
- Trẻ biết rửa và lau khô tay.
- Trẻ biết vẽ một hình tròn.
- Trẻ có thể dọn dẹp đồ chơi cùng với sự giúp đỡ của người lớn và làm một số việc nhà đơn giản.
- Trẻ 3 tuổi có thể tự đánh răng. Tuy nhiên bạn vẫn nên đảm nhiệm việc đánh răng cho bé ở độ tuổi này.
2.2. Sự phát triển cảm xúc của bé 3 tuổi
- Một đứa trẻ 3 tuổi lúc nào cũng sẵn sàng để khóc và ăn vạ là chuyện rất thường xuyên xảy ra, nhưng bé có thể thay đổi thái độ một cách rất nhanh chóng.
- Ba tuổi, bé có thể cảm thấy sợ hãi khi gặp người lạ. Bé muốn nói về những giấc mơ của mình với người khác và không còn bám ba mẹ như trước nữa.
2.3. Sự phát triển về mặt xã hội của bé 3 tuổi
- Trẻ 3 tuổi thường bắt chước các hành động của ba mẹ và rất hứng thú với những hoạt động cùng với gia đình. Trẻ luôn muốn tìm kiếm sự đồng thuận của người lớn và không ngừng thử nghiệm các giới hạn mà người lớn đặt ra.
- Bé 3 tuổi đã biết chia sẻ đồ chơi với bạn và học cách đòi chúng về. Đứa trẻ 3 tuổi thích chơi một mình hơn và bé có thể có những người bạn giả vờ mà bé tưởng tượng ra.
- Bé 3 tuổi có thể hiểu sự khác biệt về giới tính.
- Bé 3 tuổi đã hiểu biết hơn về bản thân mình, bé có thể biết khoảng 1000 từ và bắt đầu sử dụng các đại từ như tôi, bạn và anh ấy. Ở giai đoạn này, những người lạ khi nói chuyện với bé có thể hiểu được 75% những gì bé nói.
- Trẻ 3 tuổi thường muốn đọc đi đọc lại những câu chuyện bé yêu thích, học những giai điệu và bài hát ngắn.
- Bé 3 tuổi có thể nhận biết được một số màu sắc nhưng bé chỉ có thể tập trung trong một thời gian ngắn.
2.4. Sự bài tiết ở trẻ 3 tuổi
Phần nhiều trẻ 3 tuổi được tập bỏ tã vào ban ngày. Nhưng vẫn còn khoảng một nửa số trẻ vẫn còn tiểu dầm vào ban đêm. Nếu bé có lỡ tiểu ướt giường trong khi ngủ, bạn không cần thiết phải phạt bé.
2.5. Giấc ngủ của trẻ 3 tuổi
- Trẻ 3 tuổi có thể sẽ không chịu ngủ trưa và sẽ trở nên cáu kỉnh khi bé mệt. Thay vì quát mắng bé, bạn hãy cùng bé làm việc gì đó nhẹ nhàng và thư giãn ngay trước khi đi ngủ để giúp bé tĩnh tâm lại sau một ngày hoạt động dài. Khi những hoạt động này được diễn ra hàng ngày, hầu hết các bé đều đi vào giấc ngủ rất dễ dàng.
- Khuyến khích trẻ ngủ trên giường riêng của mình.
- Bé 3 tuổi thường sẽ có rất nhiều nỗi sợ hãi trong bóng đêm và bạn cần phải trấn an bé.
3. Chế độ dinh dưỡng dành cho bé 3 tuổi
Bé 3 tuổi đã bắt đầu biết ăn uống nhiều hơn nhưng bạn cũng không có nghĩa bé ăn đủ 3 bữa một ngày là đã đủ chất dinh dưỡng. Hãy cố gắng cho bé ăn thêm từ 1 - 2 bữa phụ bằng một hũ sữa chua, một ly sữa hay một vài loại trái cây cho bé tăng cân tốt để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho bé.
Các bạn cần lưu ý, thực đơn dành cho trẻ 3 tuổi cần đảm bảo cung cấp đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng sau: Tinh bột, rau củ, các loại thịt, chất béo. Ở giai đoạn này, trẻ sẽ vận động rất nhiều nên mức năng lượng tiêu hao của trẻ cũng khá lớn, đó là lý do bạn cần cho bé ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để tránh tình trạng suy dinh dưỡng.
3 tuổi là giai đoạn trẻ phát triển quan trọng cả về thể lực lẫn trí lực vì vậy mà các bậc phụ huynh cần phải nắm bắt điều này để cung cấp cho bé những bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, những bài học bổ ích, cũng như hiểu được tâm lý và nuôi dạy bé tốt hơn.
Những lưu ý về chế độ dinh dưỡng dành cho trẻ 3 tuổi:
- Bạn nên cắt giảm lượng chất béo trong sữa của bé bằng cách sử dụng các loại sữa có hàm lượng béo 2%, 1% hoặc sữa tách béo. Bạn nên cho trẻ dùng khoảng khoảng 450ml đến 700ml sữa một ngày.
- Cung cấp cho trẻ một chế độ ăn uống cân bằng với những bữa ăn tốt cho sức khỏe và khuyến khích trẻ ăn rau, trái cây.
- Giới hạn lượng nước trái cây trẻ sử dụng ở mức 120ml - 180ml một ngày, nên dùng loại trái cây có chứa vitamin C và khuyến khích trẻ uống nhiều nước.
- Tránh cho trẻ ăn các loại hạt, kẹo cứng và kẹo cao su.
- Khuyến khích trẻ sử dụng thìa và tự súc ăn.
4. Những lưu ý khi chăm sóc trẻ 3 tuổi
Kích thích sự phát triển ở trẻ 3 tuổi:
- Khuyến khích trẻ đọc sách và chơi những trò xếp hình đơn giản.
- Trẻ 3 tuổi thường thích được nghịch nước và cát.
- Ngôn ngữ của trẻ nhỏ sẽ được phát triển thông qua các hoạt động tương tác và đối thoại trực tiếp. Hãy khuyến khích trẻ thảo luận về những gì bé cảm thấy thích, những hoạt động diễn ra hàng ngày và kể chuyện.
- Hãy dành một khoảng thời gian riêng cho từng đứa trẻ nếu bạn có hơn một con.
- Sự khác biệt giữa con trai và con gái, cũng như việc trẻ con được sinh ra từ đâu,... đây là những câu hỏi thường xuyên của bé ở lứa tuổi lên 3. Những thắc mắc của trẻ này nên được trả lời một cách thành thật tương ứng với khả năng hiểu biết của trẻ.
- Khuyến khích trẻ tham gia những hoạt động xã hội bên ngoài gia đình như ở lớp hoặc các cuộc vui chơi.
- Cho phép bé có quyền được lựa chọn và tránh nói “không” với trẻ mọi lúc mọi nơi.
- Kỷ luật bạn dành cho trẻ phải công bằng và nhất quán. Hình thức phạt buộc bé ở một mình trong thời gian ngắn có thể sẽ hiệu quả ở độ tuổi này.
- Nếu bạn đang lên kế hoạch có thêm em bé nữa, hãy thảo luận điều đó với bé và hãy đảm bảo rằng bé sẽ vẫn nhận được đầy đủ sự quan tâm sau khi cả nhà đón chào em bé mới.
- Thời gian xem tivi hay xem điện thoại, máy tính của trẻ nên được giới hạn dưới 1 giờ mỗi ngày. Sử dụng các thiết bị điện tử nhiều sẽ hạn chế cơ hội mà bé có thể tham gia vào các cuộc đối thoại, các hoạt động tương tác xã hội và hạn chế cả trí tưởng tượng của bé. Bạn cũng giám sát tất cả các chương trình tivi mà bé xem. Bạn cần biết rằng trẻ con có thể chưa phân biệt được sự khác nhau giữa những sản phẩm của trí tưởng tượng và thực tế.
Đảm bảo an toàn cho trẻ 3 tuổi:
- Hãy đảm bảo rằng nhà bạn luôn là nơi an toàn cho bé. Hãy cài đặt các vòi nướng nóng trong nhà ở mức an toàn, nhiệt độ cao nhất là 49°C.
- Cung cấp cho trẻ một môi trường sống lành mạnh không có thuốc lá và ma túy.
- Luôn đội mũ bảo hiểm cho bé khi bé đạp xe hai hoặc ba bánh.
- Tránh mua loại phương tiện có gắn động cơ cho trẻ.
- Dùng cửa an toàn ngăn ở đầu cầu thang để tránh bé bị ngã. Rào chắn xung quanh và trang bị cửa an toàn tự khóa cho hồ bơi.
- Trang bị máy báo khói trong nhà bạn và kiểm tra thay pin thường xuyên.
- Đậy kín nắp các hộp thuốc và chất độc hại, bảo quản chúng xa tầm với của trẻ.
- Hãy cẩn thận cất các dung dịch ở nhiệt độ cao và những đồ vật sắc nhọn, nặng trong nhà bếp ở những vị trí an toàn.
- Hãy đảm bảo rằng tất cả các đồ độc hại và sản phẩm vệ sinh như xà phòng, nước lau nhà, nước vệ sinh bồn cầu... được để ngoài tầm với của trẻ con.
- Vấn đề an toàn khi đi trên đường phố và dưới nước nên được thảo luận cẩn thận với bé. Hãy đảm bảo luôn có sự giám sát chặt chẽ của người lớn khi bé chơi đùa gần đường hoặc gần nơi có hồ nước.
- Dạy trẻ không được đi với người lạ và khuyến khích trẻ nói với bạn nếu có một ai đó chạm vào bé một cách đáng ngờ hoặc ở một nơi không thích hợp.
- Cảnh báo trẻ không được đi lại gần những chú chó lạ, đặc biệt là khi chúng đang ăn.
- Hãy đảm bảo rằng trẻ được sử dụng kem chống nắng có độ SPF 15 hoặc hơn khi ra ngoài trời để bảo vệ da của trẻ khỏi tia cực tím UVA và UVB.
- Hãy dạy trẻ ghi nhớ số điện thoại của bạn và một số người thân trong gia đình.
Ngoài ra, trẻ 3 tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.