Bàn tay có 5 ngón, trong đó ngón cái là quan trọng nhất, chiếm tới 50% chức phận của bàn tay. Nếu bàn tay bị khuyết đi ngón tay cái, không chỉ gây khó khăn trong lao động và sinh hoạt hàng ngày, mà còn gây ảnh hưởng lớn đến tinh thần. Phục hồi lại ngón tay cái, luôn được đặt ra trong điều trị di chứng tổn thương mất ngón do chấn thương cũng như dị tật bẩm sinh.
Hiện nay, có nhiều phương pháp phục hồi ngón tay cái. Mỗi phương pháp đều có ưu, nhược điểm riêng biệt. Lựa chọn một phương pháp hợp lý chủ yếu được căn cứ vào mức độ tổn thương mất ngón hay nói cách khác là vị trí mỏm cụt và tổn thương ở bàn tay, nghề nghiệp và những hoạt động thường ngày trong sinh hoạt của bệnh nhân.
Phân loại tổn thương ngón tay cái được căn cứ vào vị trí mỏm cụt, đây là yếu tố chính liên quan tới lựa chọn phương pháp điều trị. Theo Campbell Reid DA, tác giả phân thành 4 nhóm như sau:
Với nhóm 3 và nhóm 4, tổn thương đều là mất toàn bộ ngón tay, gây ảnh hưởng quan trọng tới chức năng của bàn tay nên phục hồi lại ngón tay luôn được đặt ra. Hầu hết những trường hợp dị tật mất ngón tay cái bẩm sinh đều thuộc nhóm 4.
Theo Michel M và Gilles D, các tác giả phân loại chi tiết hơn, đó là:
Hiện nay, cả hai cách phân loại trên đều được sử dụng. Tuy nhiên, trong phẫu thuật tái tạo ngón cái, phân loại của Campbell Reid DA thường được sử dụng. Phân loại của Michel M và Gilles D lại được sử dụng nhiều trong phục hồi ngón tay cái nói chung, trong đó có cả tạo hình khuyết da ở đầu mút ngón tay.
Khi cụt mất ngón tay cái, theo Tanzer RC và Littler JW, mục đích điều trị là phục hồi lại ngón sao cho đáp ứng được 4 yêu cầu sau:
Theo một số tác giả khác, như Lee WM và Mark TJ, mục đích điều trị là:
Từ năm 1874 Hugier PC đã tạo hình vạt da chữ Z để mở rộng và làm sâu kẽ ngón nhằm ngón hóa xương bàn I. Phương pháp được chỉ định cho những trường hợp không hẹp khít và da vùng kẽ ngón lành lặn.
Với những trường hợp kẽ ngón hẹp khít, không có chỉ định cho tạo hình chữ Z, có thể xẻ dọc để mở rộng kẽ ngón, sau đó sử dụng vạt da tại chỗ lấy từ vùng mu bàn tay để che phủ kẽ ngón. Khuyết lấy vạt được ghép da xẻ đôi. Sử dụng cố định ngoài để giữ kẽ ngón không bị co hẹp, để cố định trong 3 tuần.
Với phương pháp này, biên độ vận động của xương đốt bàn I được cải thiện, nhất là những trường hợp mỏm cụt qua khớp liên đốt ngón hoặc phần xa của đốt 1.
Phương pháp được Matev I báo cáo vào năm 1967. Xương đốt bàn I được kéo dài đủ để các ngón tay khác với tới. Do đó, chức năng cầm nắm, nhón nhặt của bàn tay được cải thiện. Phương pháp có ưu điểm là vẫn giữ lại các ngón tay dài, thường được chỉ định cho bệnh nhân cao tuổi khi không có chỉ định chuyển ngón chân.
Nhược điểm của phương pháp này là ngón không có khớp, không có móng, không chỉ định cho kéo dài ở đốt ngón, phải theo dõi chặt chẽ trong thời gian dài của quá trình kéo dài xương và yêu cầu phần mềm của đốt bàn ngón phải tốt. Phương pháp được chỉ định cho cụt mức 1c, 2, 3, 4 và chủ yếu là cụt qua khớp đốt bàn - ngón theo phân loại của Michel M và Gilles D.
Phục hồi ngón cái bằng ghép xương rồi che phủ bởi trụ da kinh điển được Nicoladoni C thực hiện năm 1897. Trụ da thường được lấy từ thành bụng hoặc vùng cùng - ngực vì da vùng đó có cấu trúc tốt và ít tổ chức mỡ. Chu vi ngón cái bình thường khoảng 3 inches (7,62 cm) và vì thế bề rộng của vạt da để tạo trụ là 3,5 inches (9,89 cm).
Nhược điểm của phương pháp là: phải qua nhiều lần mổ, gặp khó khăn khi kết ghép xương vào vùng nhận, xương ghép thường bị tiêu do không được nuôi thỏa đáng hoặc do nhiễm khuẩn. Ban đầu, ngón không có cảm giác, sau khoảng 6 tháng đến 1 năm thì có cảm giác xúc giác và đau khi châm kim, nhưng không có cảm giác lập thể. Ngoài ra, tuần hoàn của ngón nghèo nàn, da bị rối loạn dinh dưỡng, sẫm màu và thường có loét với các mức độ khác nhau.
Phương pháp cái hóa là phẫu thuật chuyển toàn bộ hoặc một phần ngón tay dài sang vị trí ngón tay cái. Đây là phương pháp phục hồi tiến bộ, vì ngón cái có khớp và có cảm giác.
Từ năm 1887, Guermonprez F đã mô tả kỹ thuật sử dụng một ngón tay bị tổn thương chuyển sang vị trí ngón tay cái bị dập nát. Trong thế chiến 2, càng có nhiều nghiên cứu điều trị loại tổn thương này cho thương binh… Cuthbert JB là người đầu tiên sử dụng ngón trỏ bình thường để cái hóa. Phẫu thuật được thực hiện cho trường hợp tổn thương mất hoàn toàn ngón tay cái, phần mỏm cụt còn lại không còn phần cơ nào đáng kể.
Nhược điểm chính của phẫu thuật cái hóa ngón trỏ còn lành lặn là ngón cái được phục hồi dài hơn ngón cái bình thường và có tới 3 đốt ngón. Để khắc phục nhược điểm này, Cuthbert JB đã thu ngắn đốt 1 và đốt 2 mà không phải can thiệp vào khớp và gân.
Bước phát triển tiếp theo của phẫu thuật cái hóa là không chỉ cố định vào việc chuyển ngón trỏ mà là chuyển một ngón tay nào đó trên bàn tay ở dạng hình đảo. Việc lựa chọn ngón để chuyển phụ thuộc vào tình trạng mạch máu nuôi ngón.
Phương pháp cái hóa có ưu điểm là tạo được ngón tay cái có chức năng vận động và cảm giác rất tốt. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp là phải sử dụng một ngón tay dài, bàn tay vẫn thiếu ngón, ngón cái được tạo vẫn là nhỏ và lực nhón nhặt, đối chiếu không khỏe. Hơn nữa, vì thiếu ngón tay nên không phục hồi được sức nắm, bóp, vặn xoắn của bàn tay.
Phương pháp không có chỉ định trong trường hợp bàn tay bị tổn thương nặng nề, gây xơ sẹo, mạch máu bị tổn thương hoặc nằm trong khối sẹo xơ, gây khó khăn cho phẫu tích bóc tách lấy ngón.
Năm 1900, Carl Nicoladoni báo cáo kết quả 3 trường hợp chuyển ngón chân phục hồi ngón tay cái theo nguyên lý chuyển vạt từ xa kinh điển, dạng chéo tay - chân; là tiền đề cho chuyển ngón chân ở dạng tự do bằng kỹ thuật vi phẫu sau này. 4/1968, Cobbett JR thành công trên lâm sàng chuyển ngón chân phục hồi ngón tay cái, đánh dấu bước phát triển mới của phẫu thuật phục hồi ngón tay cái cũng như các ngón tay dài.
Đây là phương pháp phục hồi hiện đại, tạo nên ngón tay có chức năng vận động, cảm giác và thẩm mỹ đối với bàn tay bị mất một ngón tay cái. Phương pháp đặc biệt ưu việt trong trường hợp mất ngón tay cái có kèm theo tổn thương mạch máu, gân, xương vùng bàn tay dẫn đến không có chỉ định phẫu thuật cái hoá và trường hợp cụt nhiều ngón tay dài. Ngón chân được chuyển có thể là ngón chân cái, ngón chân thứ hai hoặc nhiều ngón chân. Điều này phụ thuộc vào vị trí, mức độ tổn thương giải phẫu của ngón tay cái và tổn thương ở bàn tay, nghề nghiệp và ý muốn chủ quan của bệnh nhân.
Trong phẫu thuật này, tất cả những thành phần của ngón chân đều được nối ghép với những thành phần tương ứng ở nơi nhận, đó là: xương, gân gấp, gân duỗi, động mạch, tĩnh mạch, thần kinh cảm giác phía gan, thần kinh cảm giác phía mu nên bộ não nhanh chóng nhận ra ngón chuyển như một ngón bình thường ở bàn tay, bệnh nhân nhanh thích nghi và sử dụng ngón trong các hoạt động chức phận.
Nhược điểm của phương pháp là gây thiếu đi ngón chân, để lại ảnh hưởng nhất định ở nơi cho và nhất là khi lấy toàn bộ ngón chân cái. Khi chuyển toàn bộ ngón chân cái, ngón chân to hơn ngón tay nên gây thiếu thẩm mỹ. Để khắc phục nhược điểm này, bác sĩ sẽ bóc tách để lại một dải phần mềm ở đầu mút và bờ trong của ngón chân, đồng thời lấy bỏ bớt phần móng, da, xương… đủ để làm giảm kích thước của ngón chân cái bằng ngón tay cái.
Ở Việt Nam, GS.TSKH Nguyễn Huy Phan đã thành công chuyển ngón chân thứ hai ghép phục hồi ngón tay cái từ năm 1988, đánh dấu một bước phát triển mới trong phẫu thuật phục hồi ngón tay ở nước ta. Từ năm 1994, học trò của GS Phan là TTND.GS.TS Nguyễn Việt Tiến và cộng sự đã tiến hành chuyển ngón chân phục hồi ngón tay cái hoặc ngón tay dài, hiện đã là phẫu thuật thường quy.
Năm 1980, Morrison WA báo cáo phẫu thuật sử dụng vạt da có mạch máu - thần kinh được lấy từ ngón chân cái để cuốn quanh mảnh xương mào chậu rồi ghép vào mỏm cụt ngón tay cái. Vùng cho vạt được ghép da. Phẫu thuật này cho phép tạo ngón tay cái có kích thước to bằng ngón bình thường và nơi cho ít bị ảnh hưởng. Tuy thế, nhược điểm của phương pháp là ngón được tạo không có khớp liên đốt ngón và tình trạng không liền xương hoặc gãy xương ghép là phổ biến.
Mất ngón tay cái, gồm một phần hoặc toàn bộ do chấn thương hoặc dị tật bẩm sinh.
Có thể là ngón chân cái hoặc ngón chân thứ hai. Hai ngón chân này đều có những ưu, nhược điểm khác nhau về chức phận và thẩm mỹ. Việc lựa chọn ngón chân nào được căn cứ vào vị trí mỏm cụt, mức độ tổn thương của ngón tay, tổn thương của bàn tay, nghề nghiệp cụ thể của bệnh nhân cũng như kết quả thẩm mỹ ở bàn tay và bàn chân sau phẫu thuật.
Về chức phận, lựa chọn ngón chân cái là hợp lý khi cần bề mặt làm việc rộng, vững chắc để cầm nắm. Lựa chọn ngón chân thứ hai là phù hợp khi cần ưu tiên động tác nhón nhặt chính xác và khả năng đánh manip. Sức mạnh của động tác nhón nhặt giữa chuyển ngón chân cái và ngón chân thứ hai là tương đương nhau, bằng 80% so với bàn tay bình thường. Tuy nhiên, khả năng và lực của động tác nhón nhặt này phụ thuộc vào các cơ ô mô cái và phần còn lại của xương đốt bàn I ở nơi nhận.
Về thẩm mỹ, lấy ngón chân cái tại khớp đốt bàn - ngón sẽ ít có rối loạn về chức phận nhưng ảnh hưởng tới thẩm mỹ ở bàn chân. Nếu lấy cao hơn thì không chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng tới cả chức phận. Trường hợp lấy ngón chân thứ hai và cắt cao đốt bàn II, sau đó khâu hẹp kẽ ngón chân cái với ngón chân thứ ba thì biến dạng thẩm mỹ ở bàn chân là rất hạn chế.
Độ dài của ngón chân theo yêu cầu phục hồi liên quan nhiều tới việc lựa chọn ngón. Khi chuyển ngón chân thứ hai mà phải lấy tới cả khớp đốt bàn - ngón thì có tới 3 khớp. Và do không có vận động riêng biệt cho từng khớp nên ngón chuyển không vững. Trong khi đó, ngón chân cái chỉ có 1 khớp liên đốt ngón, có thể chuyển cả khớp đốt bàn - ngón nên đem lại sự vững chắc cho vận động nhón nhặt. Tuy nhiên, khi đầu xương đốt bàn I được lấy theo sẽ để lại ảnh hưởng quan trọng về chức năng và thẩm mỹ tại bàn chân. Để phần nào khắc phục di chứng này, May JW chỉ lấy 1/2 phía lưng đầu xương bàn I, vẫn giữ lại phần gan đầu xương đốt bàn để tăng độ vững của vòm bàn chân khi tỳ nén.
Khám bàn tay để đánh giá tổn thương, sự mềm mại của khớp và phần mềm, khả năng phục hồi chức phận, tình trạng động mạch, tĩnh mạch, thần kinh, cấu trúc xương, các gân gấp và gân duỗi. Thêm nữa, xác định sự thiếu hụt phần mềm cần phải phục hồi. Đồng thời, cũng cần khám xét chi dưới, gồm: tiền sử chấn thương, toàn bộ khung xương, mạch máu và thần kinh cảm giác, thần kinh vận động. Đặc biệt, chú ý tới động mạch mu chân.
Hiện nay, việc khảo sát giải phẫu mạch máu vùng bàn chân cho ngón của mỗi bệnh nhân trước mổ bằng chụp cắt lớp vi tính mạch máu có giá trị rất thiết thực.
Sau khi lựa chọn ngón chân cái hoặc ngón thứ hai, bước tiếp theo là làm kế hoạch cho can thiệp các cấu trúc trong mổ, gồm động mạch, tĩnh mạch, thần kinh, gân, xương, khớp, da. Xác định vị trí nối động mạch, tĩnh mạch, căn cứ vào đó để lựa chọn ngón bên chân phải hay trái cho phù hợp, sao cho mạch máu của ngón chân đi thẳng tới mạch nhận.
Phẫu tích lấy ngón chân theo Manktelow RT. Ngón phải có đủ động mạch, tĩnh mạch và thần kinh cảm giác phía mu và phía gan, gân duỗi dài và gân gấp dài với độ dài cần thiết.
Mỏm cụt ngón tay cái được phẫu tích chuẩn bị đầy đủ các cấu trúc như khi phẫu tích lấy ngón chân (có thể đồng thời nếu có 2 kíp mổ), gồm: mỏm cụt xương, động mạch, tĩnh mạch và thần kinh cảm giác phía mu và phía gan, gân duỗi dài và gấp dài ngón tay cái. Nếu gân duỗi dài ngón cái không sử dụng được thì phẫu tích lấy gân duỗi riêng ngón tay trỏ, trường hợp gân gấp dài ngón cái bị giằng giật thì phẫu tích lấy gân gấp nông ngón giữa hoặc gấp nông ngón nhẫn để thay thế.
Khi vị trí khâu nối các thành phần và độ dài của ngón chân đã được xác định, tiến hành cắt xương qua đốt 1 của ngón chân và đầu xương đốt bàn ngón tay cái, cắt các thành phần khác, chú ý cắt bằng hai mặt xương. Sau đó, đặt ngón chân trên mỏm cụt ngón tay cái ở vị trí đối chiếu. Cố định xương bằng hai mối chỉ thép khâu qua xương hoặc một mối chỉ thép và 1 đinh Kirschner xuyên chéo. Tiếp theo, xuyên thêm một đinh Kirschner dọc trục để giữ cho ngón chân duỗi hoàn toàn. Đinh này để trong 4 tuần để hạn chế khuynh hướng gấp hoặc thói quen gấp ngón chân.
Khâu gân duỗi dài, gấp dài ngón chân với gân duỗi dài và gấp dài ngón tay cái. Chú ý chỉnh độ căng của các gân. Độ căng lý tưởng của các gân tương tự như gân của ngón cái bình thường. Sau đó, nối đầy đủ các thành phần khác:
Ghi chú: Trường hợp chuyển ngón chân thứ hai cho tổn thương ngón cái thuộc nhóm 2 và nhóm 3 theo phân loại của Campbell Reid DA, GS Nguyễn Việt Tiến sử dụng khớp đốt bàn - ngón chân, tạo rãnh ở xương đốt bàn ngón tay và kết hợp xương đốt bàn ngón chân với đốt bàn ngón tay theo kiểu bên - bên lồng cắm bằng buộc 2 vòng dây thép.
Về cơ bản, chuyển ngón chân cái tương tự như chuyển ngón chân thứ hai, nhưng có một số điểm khác như sau:
Khi ghép ngón vào nền nhận, nếu mỏm cụt tại nền đốt 1 của ngón tay cái, thực hiện kết xương của mỏm cụt này với đốt 1 của ngón chân bằng hai mũi khâu qua xương. Nếu cần, có thể tăng cường thêm một đinh Kirschner xuyên chéo. Cũng đặt thêm đinh Kirschner xuyên dọc trục để giữ khớp liên đốt của ngón chân duỗi thẳng.
Nếu bệnh nhân là trẻ em, phẫu thuật giữ phần sụn tiếp ở đầu gần của đốt 1 ngón chân. Khi đó, chỉ lấy bỏ lớp sụn mặt khớp của đốt 1 ngón chân và kết xương bằng đinh Kirschner xuyên dọc, không khâu qua xương để tránh gây tổn thương sụn tiếp.
Nếu mỏm cụt qua thân đốt bàn ngón tay cái, cần chuyển ngón chân bao gồm cả khớp đốt bàn - ngón. Khi đó, đặt ngón chân vào mỏm cụt theo tư thế đối chiếu ở vị trí đã thiết kế, kiểm tra và sửa sao cho mặt cắt nghiêng của đầu xương đốt bàn ngón chân khít với mặt cắt ngang của xương đốt bàn ngón tay cái. Để không gây ảnh hưởng tới vận động tại khớp đốt bàn - ngón chân, chỉ đặt hai mũi chỉ thép khâu qua thành xương và đặt thêm đinh Kirschner xuyên dọc trục.
Khâu gân duỗi, gân gấp. Chỉnh độ căng của gân bằng cách sờ trên gân, đồng thời gấp cổ tay và quan sát vận động thụ động của ngón tay cái mới tái tạo tại khớp cổ tay - xương bàn.
Khâu mạch máu, thần kinh.
Khâu da và cố định nẹp bột như trong chuyển ngón chân thứ hai.
Vật lý trị liệu và tập phục hồi chức năng sau mổ là rất quan trọng. Bao gồm vận động chủ thụ động và chủ động.
Bắt đầu từ tuần thứ 3 - 4 sau mổ, bệnh nhân sẽ được tháo bỏ đinh Kirschner xuyên dọc trục và tập vận động để tránh cứng khớp. Việc cố định ổ kết hợp xương cụ thể sẽ quyết định mức độ của chương trình luyện tập. Sau đó, khi đã liền xương và tái phục hồi thần kinh, bác sĩ sẽ tư vấn những động tác tập luyện có sức đối kháng và có chương trình tập luyện về cảm giác cho ngón tay mới.
Sau chấn thương gây mất ngón tay cái hoặc ngón tay dài, bệnh nhân đều cố gắng thích nghi với tổn thương, cố gắng phục hồi lại những động tác bình thường của bàn tay với khả năng cao nhất có thể. Do đó, khi lựa chọn phương pháp phục hồi, phẫu thuật viên cùng bệnh nhân cần đánh giá vị trí mỏm cụt và mức độ mất chức năng gây ảnh hưởng đến công việc riêng biệt, cũng như sinh hoạt trong cuộc sống, từ đó lựa chọn phẫu thuật phục hồi sao cho phù hợp nhất với mỗi bệnh nhân.
Link nội dung: https://tuvitot.edu.vn/ngon-tay-cai-co-4-dot-a5869.html