Nốt ruồi hình thành đôi khi có thể ảnh hưởng lớn tới tính thẩm mỹ và sự tự tin của bạn. Vì vậy, nhiều người thường có ý định đi tẩy nốt ruồi. Tuy nhiên, cách chăm sóc sau khi tẩy nốt ruồi ra sao không phải ai cũng biết.
Các phương pháp tẩy nốt ruồi hiện nay
Dưới đây là một số phương pháp tẩy nốt ruồi phổ biến hiện nay, cụ thể:
Bằng tia laser: Tia laser “bốc hơi” các mô nốt ruồi, lấy đi các tế bào sắc tố ở thượng bì và phá hủy các sắc tố nằm sâu hơn dưới da.
Đốt điện: Qua nhiều lần điều trị, dòng điện sẽ phá hủy mô nốt ruồi nhưng cũng làm tổn thương vùng da lành xung quanh.
Dùng hóa chất lên nốt ruồi: Chỉ sử dụng trên nốt ruồi lành tính, nhỏ, nông. Tuy nhiên, rất dễ để lại các biến chứng như sẹo lõm, hay sẹo lồi do hóa chất có khả năng ăn mòn và có thể gây bỏng da.
Tiểu phẫu: Phương pháp này phù hợp với những nốt ruồi lớn, nhô cao trên da, có đậm màu và ăn sâu dưới da. Trước/sau tiểu phẫu, bác sĩ sẽ thăm khám/xét nghiệm xem nốt ruồi có phải là u ác tính hay không? Độ sâu của vết rạch và diện tích của tiểu phẫu phụ thuộc vào vị trí, kích thước của nốt ruồi và nốt ruồi lành tính hay ác tính.
Mẹo dân gian: Có rất nhiều cách tẩy nốt ruồi tại nhà như dùng tỏi, mật ong, dầu thầu dầu, nước ép hành tây,… nhưng chưa có kết luận khoa học nào đảm bảo về độ an toàn của các phương pháp này.
Kinh nghiệm chăm sóc da sau khi tẩy nốt ruồi
Dưới đây là một số kinh nghiệm chăm sóc da sau khi tẩy nốt ruồi bạn có thể tham khảo, cụ thể:
Không chà xát hoặc gãi
Trong giai đoạn các mô liên kết đang liền lại, tế bào da non được sản sinh có thể gây ngứa nhẹ và bạn tuyệt đối không được chà xát, gãi gây tổn thương và chảy máu. Những vi khuẩn bám vào móng có thể xâm nhập vào mô mềm, gây nhiễm trùng và hình thành sẹo xấu.
Vệ sinh da bằng nước muối loãng trong 3 - 5 ngày đầu
Cách tốt nhất để ngăn ngừa nguy cơ viêm nhiễm là thường xuyên làm sạch và khử trùng khu vực xung quanh vết thương để giúp loại bỏ sự tích tụ của vi khuẩn, tế bào chết hoặc chất nhờn khiến da lâu lành.
Bạn nên ưu tiên các dung dịch có chất tẩy rửa nhẹ (nước muối pha loãng, cồn 60 độ...) và tránh xa oxy già/iod.
Sau khi vệ sinh vết tẩy nốt ruồi, bạn cần lau lại một lần nữa bằng khăn bông mềm để đảm bảo da luôn sạch và khô thoáng.
Bôi kem chống nắng hàng ngày
Sử dụng kem chống nắng có thể giúp bạn ngăn ngừa tác hại của ánh nắng mặt trời và tránh gây thâm sạm ở vị trí nốt ruồi mới tẩy. Cần chú ý thoa kem trước khi ra ngoài 30 phút.
Nếu tiếp xúc với ánh sáng xanh trong thời gian dài (máy tính xách tay, TV, điện thoại thông minh…), bạn cũng cần bảo vệ da bằng kem chống nắng. Nên thoa kem vào ngày thứ 3 sau khi tẩy nốt ruồi, khi mô da đã lành và không có vết thương hở.
Tùy theo đặc điểm của mỗi người mà mỗi người có nhu cầu sử dụng các dòng sản phẩm khác nhau, chủ yếu ưu tiên loại ít dầu, nhẹ hoặc SPF 50+ để không làm bí da.
Giữ cho vùng da mới tẩy nốt ruồi khô trong 24 giờ
Tình trạng viêm nhiễm cũng có thể xảy ra khi vết tẩy nốt ruồi bị nước ngấm vào bên trong. Bạn cần tránh nước (đặc biệt là nước nóng) trong ít nhất 24 giờ đầu tiên sau khi tẩy nốt ruồi để đảm bảo làn da sớm ổn định, không bị viêm loét. Sau 24 giờ, bạn có thể sử dụng nước ấm để tắm hoặc làm sạch nhẹ nhàng xung quanh vùng tẩy nốt ruồi.
Thay hoặc tháo băng theo chỉ dẫn của bác sĩ
Cần thay bông băng 1 - 2 lần trong vòng 1 ngày đầu sau khi tẩy nốt ruồi. Trước khi thực hiện, bạn nên rửa tay thật sạch để hạn chế vi trùng lây lan.
Sau khi tẩy nốt ruồi cần kiêng ăn gì?
Để tránh gây kích ứng da, cản trở quá trình lành vết thương và giảm thiểu nguy cơ hình thành sẹo lồi, dưới đây là một số món ăn cần kiêng sau khi tẩy nốt ruồi, cụ thể:
Rau muống: Ăn rau muống làm sản sinh collagen nhanh vượt mức cần thiết, chúng lại sắp xếp không theo một trật tự nhất định nên đây chính là nguyên nhân gây ra sẹo lồi.
Trứng: Trong giai đoạn đầu sau khi tẩy nốt ruồi, nên tránh ăn trứng vì chúng sẽ làm cho vùng da non sáng hơn vùng da cơ thể, có thể khiến da lốm đốm, kém hấp dẫn.
Thịt gà: Sau khi tẩy nốt ruồi, mọi người cần kiêng ăn thịt gà trong vài tuần vì ăn thịt gà có thể khiến vùng da mới mọc bị ngứa, làm chậm quá trình lành da, không những vậy, dễ hình thành sẹo lồi khi ăn thịt gà.
Thịt bò: Thịt bò rất giàu đạm và protein. Do đó, ăn thịt bò khi da chưa liền sẹo có thể thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các tế bào da, gây hình thành sẹo lồi.
Hải sản: Với vùng da đang trong quá trình tái tạo sau khi tẩy nốt ruồi, hải sản có thể gây ngứa, khó chịu và làm vết thương bị thâm. Ngay cả việc ăn tôm, cua, cá nước ngọt thì trong vòng 1 tháng sau khi tẩy nốt ruồi cũng không nên ăn.
Đồ nếp (xôi, chè, bánh chưng, bánh nếp…): Các món ăn từ gạo nếp có tính nóng, dễ gây viêm nhiễm, mưng mủ vùng da mới điều trị.
Rượu bia, các chất kích thích khác: Sau khi tẩy nốt ruồi ngoài những thực phẩm trên, bạn cũng cần chú ý hạn chế đồ uống có gas, có cồn như nước ngọt, rượu bia hay các chất kích thích như cà phê, thuốc lá,… Những loại đồ uống này có thể khiến da bị kích ứng và ngứa ngáy sau khi tẩy nốt ruồi, kéo dài quá trình lành vết thương.
Trên đây là những chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc da sau khi tẩy nốt ruồi. Sau khi nắm được những bí quyết trên, quá trình chăm sóc da sau khi tẩy nốt ruồi sẽ không còn khó khăn. Chúc các bạn nhanh chóng lấy lại làn da đẹp mịn màng sau khi tẩy nốt ruồi và tránh được những rủi ro không đáng có.