Thời Đức Thế Tôn còn tại thế, các vị đệ tử của Ngài đều được người dân cúng dường quần áo, đồ ăn. Trong số đó, có một vị, mặc quần áo chỉ hai ba hôm là đã dơ bẩn, không biết va vào đâu mà chúng rất nhanh sờn, rồi rách chỗ nọ chỗ kia, liền thay bộ mới.
Không những vậy, thói quen ăn uống của vị đệ tử cũng rất thoải mái, thường không ăn hết cơm đã đổ đi, không hề lo nghĩ hay giữ gìn tiếc rẻ vật dụng mà mình đang có.
Thấy việc này lặp lại nhiều lần, Đức Phật liền cho gọi vị đệ tử này tới và bảo hãy cởi bỏ áo cà sa của anh vài hôm, sau đó mặc đồ như người thế tục mà vào thành khất thực.
Theo thói quen, vị đệ tử hàng ngày đi vào thành để nhận cúng dường, những người lúc trước vẫn thường cúng dường cho ông thì hôm nay lại quay đi, không cho ông bất cứ thứ gì, ông đành lầm lũi ra về.
Vừa thấy ông trở về, Đức Phật hỏi:
- Hôm nay ông được cúng dường những gì?
- Bạch Thế Tôn, hôm nay có thể con mặc áo dân thường nên con không nhận được gì hết. Thỉnh Thế Tôn cho con mặc áo cà sa trở lại ạ.
- Thật tiếc là ta cũng định trả lại cho ông tấm áo cà sa mà ông gởi cho ta giữ, nhưng lại quên mất để nó ở chỗ nào. Thôi thì ở đây có mớ bông gòn, ông có thể lấy mà tự may áo cà sa mặc cũng được.
Đức Phật vừa nói vừa chìa tay đưa bó bông gòn giao cho vị đệ tử, nhưng ông cầm lấy tự nghĩ, làm sao mà may áo với những thứ này? Ông hỏi với một giọng châm biếm:
- Bạch Thế Tôn, con không phải là nhà ảo thuật, làm sao có thể may áo cà sa với mớ bông gòn này?
Phật dạy:
- Áo cà sa là do bông gòn làm thành, không cần phải là nhà ảo thuật mới có thể làm được; có một vài công việc cố định phải làm, và ai cũng có thể làm. Nhưng để biến bông gòn thành vải phải mất rất nhiều công lao gian khổ, phải hái bông gòn, kéo thành sợi, dệt thành vải, sau đó cắt may mới thành được một tấm cà sa. Áo cà sa mà ông đang cần đó, phải làm như thế mới có được.
Nghe lời giải thích của Đức Phật, người này vô cùng bất ngờ nên hỏi lại:
- Trời ơi, phiền phức đến thế sao?
- Phải rồi, muốn làm thành một tấm cà sa phải trải qua bấy nhiêu đó gian khổ. Vì thế ông phải biết gìn giữ đồ vật, và không phải chỉ có quần áo mà thôi đâu. Ta thấy ông ăn cơm cũng phí phạm như thế.
Ông phải biết, một hạt thóc là do người nông phu phải cực nhọc làm lụng mà có. Muốn có hạt thóc ấy để nấu thành cơm, thì phải gieo mạ, nhặt cỏ, bỏ phân, tưới tẩm… Chúng ta được sống qua ngày một cách an ổn như thế này là do sự giúp đỡ của rất nhiều người.
Chúng ta không nên quên lãng ân huệ ấy, mà phải dùng cái tâm tri ân để giữ gìn đồ đạc mà họ cúng dường cho chúng ta, và lấy sự tu hành chuyên cần để báo đáp ơn thí chủ.
Có thể thấy, đơn giản như một chiếc áo mà chúng ta khoác lên người thôi cũng là tổng hợp công sức của rất nhiều người, nhiều điều kiện khác nhau hợp thành. Từng hạt cơm ta ăn cũng tương tự, không phải dễ dàng gì chúng có thể ở trong bữa ăn của nhà bạn mỗi ngày như vậy vì ngoài kia không ít hạt lúa đã bị vùi dập trong mưa bão, thối hỏng, ra đi cùng công sức của bao người dân.
Qua câu chuyện trên, Phật dạy quý trọng từng món đồ nhỏ không phải vì Ngài tham lam mà chỉ muốn dạy cho đệ tử của mình một bài học đó là không được lãng phí bất cứ thứ gì trong cuộc sống này cả, thậm chí quả báo lãng phí thức ăn cũng rất đáng sợ.
Đức Thế Tôn đã dạy các Tỳ kheo khi hưởng dụng sự cúng dường cũng phải chừng mực; và Ngài dạy các môn đồ, nếu người tu nhận sự cúng dường của thí chủ dù chỉ một hạt cơm, nhưng không làm được lợi ích cho họ thì Tỳ kheo ấy phải nghĩ đến bản thân, bởi một hạt cơm cúng dường của đàn na thí chủ nặng như núi Tu Di.
Chúng ta hàng ngày được ăn no, mặc đủ nên không hiểu được sự thiếu thốn khi không có chúng, luôn xem mọi sự là đương nhiên mà không quý trọng hay không dùng tâm mà suy nghĩ một chút nào.
Thực ra, do sự vô tri ta mới dẫn đến sự lãng phí ở hiện tại, thái độ không đúng với những gì mình đang sở hữu cũng là thể hiện sự thiếu hiểu biết. Chúng ta không đủ thông tuệ để nhìn nhận về nhân quả của những thói quen xấu này của mình nên mới không sợ hãi, không răn mình trong từng việc nhỏ dù đó là ăn uống hay mặc.
Trong cuộc sống hiện thực có rất nhiều người lãng phí rau củ quả, bát cơm, một tờ giấy hay một ly nước. Họ nghĩ rằng chuyện bình thường và đơn giản trong đời sống, bỏ đi một chút cũng chỉ là chuyện nhỏ nhặt. Nhưng nghĩ xem trên thế giới 7 tỷ người ai cũng như họ thì sự hao tổn các nguồn lực này nhiều tới đâu.
Hơn nữa, với cái nhìn nhân quả, đặc biệt là sự lãng phí của chúng ta như hiện nay, thì vấn đề nêu trên không còn là vấn đề nhỏ bé, khiến không ít người có lương tâm thao thức. Bởi sự lãng phí vật chất vô độ sẽ đem đến hậu quả nhãn tiền khó tránh khỏi về sự thiếu đói nếu chúng ta không thay đổi lối sống về vấn đề sản xuất và tiêu thụ trong thế giới này.
Sống ở thời kỳ hiện đại phát triển, nói đến tiết kiệm đồ ăn hay mặc chắc không ít người cho rằng, sao phải khổ vậy. Hầu hết chúng ta dù ăn hay mặc chỉ nghĩ tới sự thoải mái của tâm mình mà không cân nhắc cẩn thận bữa nào ăn chừng này là đủ, quần áo mặc chừng đó là được rồi. Khi có tiền, ta có xu hướng ăn thật nhiều, mua sắm quần áo càng nhiều càng tốt nhưng càng ăn càng thèm, càng có nhiều càng thấy thiếu.
Điều này xuất phát từ tâm tham của chúng ta nên ta khó kiểm soát bản thân, vẫn làm theo những gì mình ham thích mà không nghĩ trước, nghĩ sau cẩn trọng.
Nhưng đến khi dịch bệnh kéo đến như vài năm gần đây ta mới thấy quý từng ngọn rau khi mà cả tuần không thể mua được ở đâu dù bạn có rất nhiều tiền. Thế nên, trên cuộc đời này, dù là một cọng cỏ, một nhánh cây đều đáng quý, cần cẩn thận gìn giữ. Phải luôn hiểu và trân trọng công sức cũng như tấm lòng của những người đã làm ra những thứ ấy.
Bên cạnh đó, có một điều đáng mừng là hiện nay rất nhiều người đã thức tỉnh và bắt đầu thực hành lối sống tối giản, họ cố gắng thực hành từng trong việc nhỏ thường ngày ở nhà, từ việc dọn dẹp cho tới ý thức trong việc ăn mặc. Không ít người trong số đó đã nhận được lợi ích nhờ thực hiện đúng và đang cố gắng chia sẻ cho nhiều người học hỏi và làm theo.
Link nội dung: https://tuvitot.edu.vn/nghe-giao-huan-cua-duc-phat-vi-de-tu-xau-ho-vi-lang-phi-trong-viec-an-mac-1-a360.html