Tôi luôn thích Jimmy Liao vì những mảng màu sặc sỡ trong tranh của ông và cả vì nỗi cô đơn mà ông liên tục đề cập tới qua những mảng màu ấy, thế giới trong mắt Jimmy Liao dường như luôn chuyển động, đầy những mảng màu đối lập, đan xen, nhưng cũng đầy những hoang hoải, những nỗi buồn vấn vương trong những tâm hồn cô đơn, bải hoải đi tìm một nơi nương náu.
“Turn left, turn right” (Nàng rẽ trái, chàng rẽ phải) có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của Liao, cuốn sách đã đưa ông trở thành một cái tên nổi bật trong làng artbook từ thời điểm ra đời của nó, năm 1998. Tôi thấy người ta nói nhiều về “Nàng rẽ trái, chàng rẽ phải” bằng những cụm từ kiểu “đi tìm tình yêu đích thực”, tất nhiên, tôi không có phủ nhận rằng Jimmy Liao đã vẽ và viết nên một câu chuyện tình thực sự đẹp và đầy thổn thức trong cuốn sách này. Tuy nhiên, với tôi, “Nàng rẽ trái, chàng rẽ phải” sâu xa là một câu chuyện về nỗi cô đơn của con người trong thế giới đang ngày càng trở nên khuôn mẫu, tôn thờ chủ nghĩa tiêu dùng, ăn liền, và dần lãng quên những giá trị của sự lãng mạn, của một tâm hồn biết yêu thương, hồn hậu.
Như hai con người trong “Nàng rẽ trái, chàng rẽ phải”, họ là những người trẻ, và chính là đại diện cho những con người trong xã hội đang dần mài mòn những tâm hồn lãng mạn. Chính vì thế, nên họ cô đơn.
Với anh chàng nhạc công, anh nhìn thế giới qua đôi tai, qua những giai điệu, những nốt nhạc, với anh, cuộc sống là một bản hòa ca. Từ một tiếng chim hót cho đến những chuyển động của đời sống hàng ngày, với anh, chúng đều là âm nhạc. Thế nhưng, thế giới ngày càng lãng quên nhiều hơn những âm điệu trong trẻo của Mozart, những bản nhạc buồn nao lòng của Beethoven, Bach, hay những âm điệu đầy chất thơ của Tchaikovsky. Anh lạc lõng, cô đơn trong bộn bề phố thị, trở về nơi căn hộ của riêng mình, nơi thế giới của mình anh, nơi anh được chơi đàn để thở than những thổn thức tự trong tâm can mình, nơi anh được chuyện trò với ánh trăng qua tiếng đàn, được mong ước một tâm hồn thấu hiểu anh như anh sẽ thấu hiểu họ, và được lặng lẽ gặm nhấm nỗi cô đơn của mình.
Còn với cô gái dịch giả, cuộc sống của cô xoay quanh những vần thơ. Nhưng bao đời vẫn thế, người yêu thơ hình như luôn lãng mạn, nhưng cũng đầy sự cô đơn. Nhất là trong thế giới này, khi người ta ngưỡng vọng những thứ “ăn tiền”, tiện dụng và phù phiếm hơn, thì lại càng chẳng có ai đoái hoài đến thơ nữa, chẳng còn ai đủ kiên nhẫn để đọc từ câu thơ, ngẫm từng từ, từng ý trong câu nữa. Thế giới trong căn hộ nơi ngoại ô của cô là sách vở, là giấy tờ, là những vần thơ, và những đêm cô đơn, ngắm nhìn mặt trăng phía xa, chờ đợi, mong ngóng một tâm hồn đồng điệu tìm đến mình.
Nhưng ngay bản thân cả hai người họ cũng khó tránh khỏi những thói quen cố hữu của mình, thói quen thể hiện sự cô đơn đến cùng cực của hai con người trong thế giới quá đỗi rộng lớn, việc nàng luôn rẽ bên trái mỗi khi ra khỏi nhà, càng luôn rẽ bên phải mỗi khi ra khỏi nhà, chưa bao giờ thay đổi, cho thấy một sự ì trệ, đó phải trăng là mặt trái của sự cô đơn? Khi con người ta sống quá lâu, chịu đựng quá lâu trong những cơn hoang hoải của tâm hồn, họ dường như cũng quên luôn việc phải thay đổi, phải kiếm tìm. Ngay cả thói quen mỗi khi bước ra khỏi nhà cũng đong đầy một sự phi lý trí trong đó, tất cả đều là quán tính, là thói quen, quen đến mức thậm chí quên luôn cả việc thử thay đổi, thử tìm kiếm một trải nghiệm mới - đơn giản như việc thử bước đi theo hướng ngược lại. Tuy nhiên, nếu như họ thay đổi, thì liệu khoảnh khắc ấy, họ có gặp được nhau không, tâm hồn chàng có chạm được đến tâm hồn nàng để rồi khắc khoải, day dứt nhớ nhung, mong chờ không? Có những khi tôi trách cứ họ, tại sao cứ mãi không chịu thay đổi để được nhìn thấy đối phương sớm hơn một chút, đó là tâm trạng của sự nuối tiếc. Nhưng sau hết, tôi lại tin rằng định mệnh có cách riêng của mình để đưa hai kẻ yêu nhau đến bên nhau.
Trong bộ bài tarot có một lá bài mà tôi rất yêu thích, lá bài số 6 trong bộ major arcana - The Lovers, thoạt tưởng thì là lá bài nói về tình yêu giữa hai con người, sâu đậm, khắng khít, đầy đam mê và thuần khiết vô ngần, nhưng nếu đi vào sâu hơn, nhìn vào những lớp nghĩa ở tầng sâu hơn của lá bài, người ta sẽ thấy ngay sự mỏng manh của tình yêu ấy và những thử thách đang trực chờ hoặc xé nát tình yêu đó hoặc sẽ là ngọn lửa hun đúc cho nó bền chặt hơn. Tình yêu là thế, đó là sự sắp đặt tối cao của định mệnh dành cho hai con người xa lạ trên cõi đời này, vàng phải thử qua lửa thì mới biết được đó là vàng ròng hay không, tình yêu dù thắm thiết đến mấy, nếu không trải qua thử thách, sẽ không thể đi đến tận cùng được. Sự xa cách, gần bên nhau nhưng không được gặp nhau cho mãi đến khoảnh khắc họ rời khỏi cái ổ trú ấn của mình, đó là sự thử thách mà định mệnh dành cho chàng nhạc công và nàng dịch giả trong tác phẩm đầy thổn thức của Jimmy Liao. Định mệnh không chỉ thử thách tình yêu nơi họ, định mệnh còn thử thách lòng dũng cảm nơi họ - lòng dũng cảm của những chú ốc sên cứ mãi trốn trong cái vỏ ốc của mình - liệu hai người có thể bước ra khỏi căn nhà trú ấn ấy không, có dám thay đổi không, dám ra đi không? Họ dám. Và họ tìm thấy nhau, vì định mệnh hài lòng với nỗ lực vô thức cuối cùng ấy. À, ít ra thì hai kẻ này vẫn còn cứu vãn được, bởi chỉ kẻ dũng cảm mới có tư cách có được tình yêu.
Và đó là “Nàng rẽ trái, chàng rẽ phải”, tác phẩm kinh điển trong sự nghiệp của Jimmy Liao, tác phẩm đã đưa Jimmy Liao đến với độc giả thế giới, một câu chuyện kể đầy dịu dàng nhưng cũng đầy mãnh liệt về cuộc sống, định mệnh, về nỗi cô đơn, và tất nhiên, về tình yêu đích thực.
Link nội dung: https://tuvitot.edu.vn/nang-re-trai-chang-re-phai-a24838.html