Trong dân gian, giời leo ở miệng (môi) thường được ông bà truyền miệng là do con giời, hoặc bọ ngựa, kiến ba khoang gây ra, nên thường rất chủ quan, tự điều trị tại nhà bằng các phương pháp dân gian không có cơ sở khoa học. Khi các triệu chứng phát ban lây lan vào sâu trong các niêm mạc gây lở loét, viêm nhiễm, nhiều người mới vội đi khám bác sĩ. Lúc này, bệnh đã chuyển biến nặng, nguy cơ cao biến chứng, bội nhiễm, cho dù có khỏi bệnh nhưng vẫn có thể để lại di chứng như méo miệng, đau thần kinh sau Herpes…
BS Bùi Thanh Phòng - Quản lý Y khoa vùng TP.HCM, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC: “Giời leo hay còn gọi là zona thần kinh không chỉ gây ra những tổn thương ngoài da, nguy cơ viêm nhiễm, lở loét, bội nhiễm trên da mà còn tấn công hệ thần kinh của người bệnh. Nếu zona gây tổn thương lên dây thần kinh số 5, có thể gây suy giảm thị lực, viêm kết mạc, viêm giác mạc hoặc loét giác mạc, thậm chí mù lòa vĩnh viễn. Nếu zona gây tổn thương dây thần kinh số 7, có thể gây méo miệng hoặc liệt mặt. Hơn nữa, nếu tổn thương nặng trên da lan rộng vào hệ tuần hoàn, có thể gây tổn thương cho nhiều cơ quan như não, gan, phổi và thậm chí dẫn đến tử vong.”Giời leo ở miệng là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra. VZV có thể tấn công tại tất cả các dây thần kinh trên cơ thể và gây ra các triệu chứng đau nhức, nóng rát, khó chịu, phát ban tại các khu vực thần kinh bị virus tấn công. Khi các hạch thần kinh trên vùng mặt bị ảnh hưởng sẽ gây ra bệnh giời leo ở miệng, môi, mắt, tai và các vùng lân cận khác.
VZV khu trú trong các hạch thần kinh của người bệnh sau khi khỏi bệnh thủy đậu và tái hoạt động khi cơ thể gặp tình trạng suy giảm miễn dịch, tổn thương tâm lý,… và tấn công vào các gốc thần kinh quanh miệng (môi) gây ra bệnh giời leo (hay còn gọi là zona thần kinh) ở miệng (môi).
Các triệu chứng ban đầu của bệnh giời leo ở miệng bao gồm ngứa, đau rát, nhức nhối, sốt (khoảng 37 - 38,5 độ C), mệt mỏi, căng thẳng và sưng đỏ tại vùng da xung quanh miệng. Sau đó, các nốt phát ban và mụn nước sẽ phát triển rõ ràng hơn, ban đầu sẽ có màu đục nhạt, sau đó chuyển sang màu đỏ và lan rộng khắp miệng, lên môi, viền môi, lưỡi, nướu, vòm họng và các khu vực da xung quanh khác, gây ngứa ngáy khó chịu. Những triệu chứng này thường kéo dài từ 10 - 15 ngày.
Nếu nốt mụn nước chứa dịch bị vỡ, khiến dịch giời leo chảy ra, bệnh có thể lây lan nhanh hơn. Trong nhiều trường hợp, giời leo ở miệng có thể lây lan mạnh xuống những vùng da dưới cổ và sau gáy.
Sau khi các triệu chứng của bệnh giời leo chấm dứt, người bệnh vẫn có thể cảm thấy đau nhức tại vùng da ở miệng và xung quanh miệng, đặc biệt tại các sẹo đã hình thành sau khi các nốt phát ban và mụn nước ở miệng khô lại, đóng mài và bong ra. Triệu chứng này thường điển hình cho biến chứng hậu zona, gọi là biến chứng đau dây thần kinh sau zona (NPH).
Các biểu hiện của giời leo ở miệng không chỉ xuất hiện ở vùng miệng và các khu vực lân cận mà còn có thể tác động đến toàn bộ cơ thể, gây sưng tấy, sưng to các hạch dưới cằm hoặc ở cổ, đau nhức khi nhai hoặc nói chuyện, đau họng… Các triệu chứng này có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và sức đề kháng của mỗi người. Thông thường, bệnh này thường trở nên nặng hơn và kéo dài hơn ở những người có hệ miễn dịch bị suy yếu như bệnh nhân mắc HIV/AIDS, ung thư hoặc trong trường hợp mất ngủ kéo dài, căng thẳng.
KHÔNG. Bệnh giời leo ở miệng không lây nhiễm trực tiếp từ người này sang người khác. Tuy nhiên, người chưa từng mắc bệnh thủy đậu hoặc chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 02 mũi vắc xin phòng bệnh thủy đậu có thể mắc bệnh thủy đậu khi tiếp xúc với dịch tiết từ các nốt phát ban, mụn nước của người bị bệnh giời leo. Chỉ có những người đã từng mắc bệnh thủy đậu mới có khả năng mắc bệnh giời leo.
Bệnh giời leo ở miệng thường được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng và biểu hiện lâm sàng của người bệnh. Có thể nhận biết bệnh giời leo thông qua:
Hiện nay, vẫn chưa có bất kỳ phương pháp điều trị giời leo đặc hiệu. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo người bệnh vẫn có thể thực hiện một số phương pháp hỗ trợ điều trị, giúp giảm triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng, tái phát và rút ngắn thời gian mắc bệnh.
Đối với bệnh giời leo nói chung và giời leo ở miệng nói riêng, thời điểm “vàng” để điều trị bệnh là trong vòng 48 giờ sau khi người bệnh xuất hiện những triệu chứng điển hình đầu tiên của bệnh, là những tổn thương, phát ban ở miệng, viền môi, trên môi và các vùng da lân cận khác như cằm, khóe miệng, má…
Trong thời điểm “vàng”, người bệnh cần nhanh chóng đến gặp các bác sĩ và chuyên gia y tế chuyên khoa da liễu để được thăm khám, chẩn đoán và chỉ định các phương pháp hỗ trợ điều trị thích hợp, khoa học, nhằm tận dụng triệt để thời điểm “vàng” điều trị giời leo ở miệng tốt nhất, tối ưu hóa hiệu quả điều trị và phục hồi. Tuyệt đối không tự ý áp dụng những phương pháp dân gian chưa được kiểm chứng về mặt khoa học, có thể khiến tình trạng bệnh diễn biến trầm trọng hơn.
Giời leo ở miệng do VZV gây ra, cùng loại virus gây ra bệnh thủy đậu. Do đó, việc dùng thuốc kháng virus có thể được bác sĩ chỉ định để hỗ trợ điều trị bệnh giời leo ở miệng, làm ức chế hoạt động của virus, giảm thiểu các triệu chứng, đào thải các độc tố tích tụ trong mạch máu, giúp đẩy nhanh quá trình khỏi bệnh và phục hồi của bệnh nhân.
Một số loại thuốc kháng virus thường được các bác sĩ chỉ định với khả năng kháng viêm và kháng virus hiệu quả như:
Nếu các loại thuốc kể trên sử dụng không mang lại sự cải thiện về triệu chứng, các đơn đau rát, nhức nhối và ngứa ngáy vẫn còn tồn tại và ngày càng trở nên trầm trọng hơn, các bác sĩ có thể xem xét việc cho người bệnh sử dụng thêm các loại thuốc giảm đau như pregabalin, gabapentin trong khoảng thời gian từ 1 - 3 tuần để hỗ trợ giảm đau, khiến người bệnh cảm thấy thoải mái hơn trong quá trình điều trị, từ đó giảm thiểu tối đa nguy cơ người bệnh cào/gãi/chà xát vết thương làm vết thương chảy dịch, viêm nhiễm, bội nhiễm và biến chứng.
Trong trường hợp chẳng may các vết thương tiết ra nhiều dịch, có thể sử dụng các loại thuốc bôi như dung dịch sát khuẩn jarish, kem bôi ngoài da dalibour hoặc dung dịch kháng sinh. Đối với da khô, có thể sử dụng kem acyclovir để giảm đau và làm mát vết thương. Trong trường hợp da bị nhiễm trùng, các bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định người bệnh sử dụng các loại mỡ kháng sinh như foban hoặc bactroban.
Bệnh nhân có thể sử dụng băng gạc y tế đã được làm lạnh bằng cách ngâm trong nước lạnh, vắt khô để đắp lên vùng da bị phát ban, nổi mụn nước khoảng 20 phút và thực hiện đều đặn 7 - 8 lần/ngày nhằm hỗ trợ làm giảm triệu chứng đau rát, khó chịu của vết thương và giúp vết thương nhanh khô, đóng mài.
Vệ sinh vùng da bị tổn thương bằng cách sử dụng dung dịch sát khuẩn và các dung dịch làm khô vết thương nhanh chóng như eosin (nhóm thuốc sát khuẩn ngoài da dạng dung dịch) có thể tránh việc vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng và bội nhiễm. Lưu ý, tuyệt đối không nên sử dụng các loại lá cây thảo dược, cây thuốc nam chưa được kiểm nghiệm khoa học để đắp lên vùng tổn thương.
Vitamin C thường được nhắc tới trong những sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sức đề kháng và chăm sóc sắc đẹp cho làn da, bởi vitamin C có khả năng kích thích quá trình sản xuất protein quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể, giúp tăng cường khả năng phản ứng của hệ miễn dịch. Đồng thời, vitamin C còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các tế bào miễn dịch nhờ khả năng chống oxy hóa. Sự hiện diện của vitamin C trong cơ thể cũng kích thích quá trình hoạt động của các tế bào thực bào, giúp tiêu diệt những tác nhân gây bệnh.
Việc bổ sung vitamin C vào chế độ ăn uống không chỉ tăng cường hệ miễn dịch mà còn giúp thúc đẩy tích cực quá trình tái tạo lớp da bị tổn thương nhờ vào khả năng chống viêm và chống oxy hóa, hỗ trợ làm lành vết thương, mờ sẹo sau zona.
Ngoài việc sử dụng các loại thuốc uống kháng viêm, kháng virus và giảm đau, việc bổ sung chất dinh dưỡng tự nhiên từ rau củ, trái cây tươi và các loại thực phẩm bổ dưỡng có tính giải nhiệt cao có thể giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, rút ngắn thời gian mắc bệnh.
Đặc biệt cần chú trọng bổ sung đầy đủ lượng hoa quả và rau xanh trong khẩu phần ăn mỗi ngày. Hoa quả và rau xanh là nguồn cung cấp vi lượng dồi dào, giúp duy trì và tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Vitamin B6 trong một số loại hoa quả và rau xanh đóng vai trò đặc biệt trong việc chống lại căn bệnh zona thần kinh. Đồng thời, sự hydrat hóa đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu diệt các loại virus, do đó, người bệnh cần uống nhiều nước lọc hơn trong một ngày và chia đều lượng nước uống trong mỗi lần uống.
Để ngăn ngừa việc nhiễm trùng, bội nhiễm ở vết thương do giời leo ở miệng gây ra, bệnh nhân cần phải che chắn vết thương cẩn thận khi ra ngoài, tránh tiếp xúc với vi khuẩn và bụi bẩn từ môi trường xung quanh.
Các biện pháp phòng ngừa zona thần kinh có thể áp dụng gồm:
Việc phát hiện và điều trị giời leo ở miệng sớm rất quan trọng, thời điểm “vàng” để bắt đầu điều trị bệnh giời leo ở miệng là trong vòng 48 giờ kể từ khi xuất hiện tổn thương da. Bệnh nhân nên tới các cơ sở y tế hoặc bệnh viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời, đúng cách, khoa học bởi bác sĩ chuyên khoa, nhằm đảm bảo an toàn và giảm nguy cơ bội nhiễm, biến chứng và di chứng hậu zona.
Link nội dung: https://tuvitot.edu.vn/nam-mo-thay-nhieu-nguoi-quen-danh-con-gi-a21495.html