Ngày 17-7-1956: Ngày truyền thống Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 17-7-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 17-7

Sự kiện trong nước

- Ngày 17-7-1956, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ra Quyết định thành lập Ban Xây dựng Bảo tàng Quân đội. Ngày 4-12-2002, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1155/QĐ-TTg đổi tên thành Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong bảy bảo tàng quốc gia có số lượng hiện vật và số lượng khách tham quan đông nhất. Thông qua những hiện vật gốc trung thực, độc đáo, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thực sự trở thành một trung tâm văn hóa, lịch sử, một địa điểm hấp dẫn đối với khách tham quan nghiên cứu về lịch sử quân sự Việt Nam.

Tượng đài được xây dựng từ xác những chiếc máy bay B-52 tưởng nhớ về chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Ảnh: vntrip.vn

Hệ thống trưng bày nội thất của Bảo tàng trưng bày 4.000 hiện vật, tài liệu, hình ảnh trên diện tích rộng 3.200m2, tái hiện một cách sinh động lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh, phản ánh một số trận quyết chiến, chiến lược của dân tộc ta trong lịch sử chống ngoại xâm, thể hiện tài thao lược, đường lối quân sự, nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Hệ thống trưng bày ngoài trời với 200 hiện vật gốc khối lớn trưng bày trên diện tích rộng 5.000m2, giới thiệu những vũ khí lập công của quân và dân ta trong lịch sử chống ngoại xâm và những vũ khí trang bị hiện đại thu được của địch.

Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (17-7-1956/17-7-2016) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: http: thegioidisan.vn

Với những đóng góp tích cực trong sự nghiệp giải phóng và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng Hai, 2 Huân chương Chiến công hạng Ba; được Nhà nước nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai, Huân chương Anh dũng hạng Hai…

- Ngày 17-7-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiểm tra đê ở Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây. Cùng ngày, Bác đã đến thăm công trường xây dựng đập tràn của đập Đáy và trạm bơm Đan Hoài.

- Ngày 17-7-1988, nhà vǎn, nhà thơ Thanh Tịnh qua đời tại Hà Nội. Ông sinh ngày 12-12-1911 quê ở xã Dương Nỗ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tác phẩm tiêu biểu: Hậu chiến trường, Quê mẹ, Chị và em, Ngậm ngải tìm trầm, Sức mồ hôi, Những giọt nước biển, Đi giữa một mùa sen, Thơ ca Thanh Tịnh.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 17-7-1762, Ekaterina II trở thành Nữ hoàng Nga sau khi hạ bệ Pyotr III của Nga.

- Ngày 17-7-1871, Viện Hàn lâm khoa học Pháp đã đón nhận phát minh đi-na-mô (máy phát điện một chiều) của Gramme, người Bỉ.

Viện Hàn lâm khoa học Pháp. Ảnh: vienkyluc.vn.

- Ngày 17-7-1945, lãnh đạo ba nước đồng minh: Winston Churchill, Harry S. Truman và Iosif V. Stalin gặp mặt ở thành phố Potsdam (CHLB Đức) để quyết định tương lai của một nước Đức bị đánh bại.

Theo dấu chân Người

- Ngày 17-7-1920, toàn văn tác phẩm “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin được đăng trên tờ “L’Humanito” (Nhân Đạo) của Đảng Xã hội Pháp. Chính nhờ được đọc văn kiện này, Nguyễn Ái Quốc đã quyết định lựa chọn con đường đi theo Quốc tế III của Lênin để góp phần sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

Tờ “L’Humanito” của Đảng Xã hội Pháp. Ảnh tư liệu

- Chiều ngày 17-7-1945, một đơn vị vũ trang mang biệt danh “Con Nai” (The Deer) của Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ (OSS) do Thiếu tá E. Thomas chỉ huy, theo sự thỏa thuận của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhảy dù xuống Tân Trào và được Việt Minh đón tiếp. Theo kế hoạch, đơn vị này sẽ tham gia huấn luyện để cùng các chiến sĩ Việt Minh thành lập một “Đại đội Việt-Mỹ” chống phát xít Nhật.

- Ngày 17-7-1947, Bác gửi thư cho Ban thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc 27-7” nêu rõ: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh. Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc... Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy...”. Thư nhấn mạnh: “Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh” và đưa ra một số sáng kiến thiết thực, đồng thời “Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lát lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127đ)”.

- Ngày 17-7-1962, Bác gửi điện chúc mừng “Đại hội thế giới đòi giải trừ quân bị và bảo vệ hòa bình” trong đó nhấn mạnh: “Chỉ có sự đoàn kết chặt chẽ của các lực lượng hòa bình trên toàn thế giới với những hành động cương quyết đòi giải trừ quân bị và bảo vệ hòa bình mới có thể đập tan âm mưu thâm độc và đầy tội ác của những kẻ gây chiến”.

Bác Hồ với các nghệ sĩ Đài Tiếng nói Việt Nam. Ảnh tư liệu

- Ngày 17-7-1966, Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam truyền đi “Lời kêu gọi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước nêu rõ quyết tâm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn bất chấp mọi thủ đoạn leo thang chiến tranh và chiêu bài thương lượng hòa bình của Mỹ. Lời kêu gọi thể hiện ý chí: “Chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa... Chúng có thể dựng hàng nghìn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng... Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn?”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010 )

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“ …Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

Trích lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi sáng ngày 17-7-1966. Ảnh tư liệu

(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.130-133)

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước, được Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi sáng ngày 17-7-1966 trong thời điểm đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và quân các nước chư hầu vào tham chiến trực tiếp trên chiến trường miền Nam; đồng thời, leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân nhằm đè bẹp ý chí đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là động lực tinh thần to lớn thôi thúc lớp lớp các thế hệ người Việt Nam đồng tâm, nhất trí, anh dũng, kiên cường, sẵn sàng hiến dâng máu xương, chiến đấu, hy sinh đánh thắng hai đế quốc đầu sỏ, hung bạo, giải phóng dân tộc và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trở thành dân tộc tiêu biểu cho lương tri của nhân loại trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới ở thế kỷ XX.

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực, trong nước có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, khó lường; song giá trị của lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập tự do” vẫn không hề thay đổi. Chân lý đó đã, đang và sẽ tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó cũng chính là cội nguồn để tạo nên “những thành tựu có ý nghĩa lịch sử” góp phần nâng cao uy tín, vị thế của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.

Là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, đặt dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn thấm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, nhận thức sâu sắc, tin tưởng vào đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng, nhận rõ đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội, xây dựng bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, làm chủ vũ khí, trang bị, tinh thông về kỹ, chiến thuật, nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 273 ra ngày 17-7-1956, đăng bài viết "Học tập thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nghiên cứu bài nói chuyện của Đại tướng về cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà".

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 273 ra ngày 17-7-1956. Ảnh: Qdnd.vn

ĐẶNG CƯỜNG (tổng hợp)

Link nội dung: https://tuvitot.edu.vn/ngay-17-7-la-ngay-gi-a21269.html