Trung đoàn Không quân 921 và chặng đường 60 năm chiến đấu, trưởng thành

Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 6-8-1964, Trung đoàn Không quân 921 được lệnh cơ động lực lượng về sân bay Nội Bài. Đồng chí Đào Đình Luyện - Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn là người dẫn biên đội đầu tiên hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài trong niềm hân hoan xúc động của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương. Chưa đầy 3 tháng sau khi về nước, ngày 9-11-1964, Trung đoàn Không quân 921 vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Nói chuyện, động viên và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn, Người căn dặn: “Tổ tiên ta ngày xưa đã có những chiến công oanh liệt trên sông, trên biển như Bạch Đằng, Hàm Tử; trên bộ như Vạn Kiếp, Đống Đa. Ngày nay, chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi, trách nhiệm ấy trước hết là của các chú”.

Thực hiện lời dạy của Bác, cả trung đoàn sôi nổi thi đua, tích cực chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng chiến đấu. Ngày 3-4-1965, biên đội MiG-17 đầu tiên gồm các phi công Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương được lệnh xuất kích chiến đấu. Với tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, chỉ trong 8 phút biên đội đã bắn rơi 2 chiếc F-8U của Mỹ trên vùng trời Hàm Rồng (Thanh Hoá), lập công xuất sắc, mở mặt trận trên không thắng lợi. Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng khẳng định sự đúng đắn, sáng tạo của đường lối và nghệ thuật quân sự của Đảng ta, khẳng định trình độ tổ chức chỉ huy và tinh thần chiến đấu dũng cảm của phi công ta, làm nức lòng quân, dân cả nước. Chiến thắng trận đầu đã cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu để trung đoàn tiếp tục chiến đấu giành những thắng lợi to lớn hơn.

Các phi công trao đổi sau trận đánh hiệp đồng ngày 27-6-1972. Ảnh tư liệu

Phát huy kết quả chiến thắng trận đầu, ngày 4-4-1965, biên đội Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm được lệnh xuất kích chiến đấu trên vùng trời Hàm Rồng (Thanh Hoá) và tiếp tục lập công xuất sắc, bắn rơi 2 máy bay F-105D của đế quốc Mỹ.

Sau 2 ngày chiến đấu thắng lợi giòn giã đã khẳng định bằng loại máy bay MiG-17 kém hiện đại hơn so với máy bay của kẻ thù, với đội ngũ phi công trẻ tuổi, chưa có kinh nghiệm chiến đấu nhưng bằng ý chí, lòng dũng cảm và sự mưu trí, sáng tạo, đã đánh thắng và thắng ngay từ trận đầu xuất kích.

Tháng 12-1972, đế quốc Mỹ sử dụng máy bay B-52 tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương của miền Bắc nước ta, hòng thực hiện ý đồ đưa miền Bắc Việt Nam “trở về thời kỳ đồ đá”. Cùng với các lực lượng, cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn đã chiến đấu dũng cảm, cơ động đánh địch từ xa, trực tiếp tiêu diệt địch, đồng thời phá tan nhiều đội hình tập kích lớn của địch, tạo điều kiện cho bộ đội phòng không, dân quân tự vệ lập công xuất sắc bảo vệ vững chắc Thủ đô Hà Nội và miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Phi công Trần Việt và Nguyễn Đức Soát trao đổi sau chuyến bay huấn luyện. Ảnh tư liệu

Trải qua 2 cuộc chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc nước ta, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã chiến đấu dũng cảm và lập công xuất sắc. Có nhiều trận đánh hay, nhiều tấm gương chiến đấu giỏi trở thành những điển hình tiêu biểu của nghệ thuật quân sự Việt Nam, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Chiến công đó đã góp phần quan trọng cùng các lực lượng của Quân chủng Phòng không - Không quân và quân, dân cả nước đập tan hoàn toàn các cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta. Tạo ra thế và lực mới để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta kết thúc thắng lợi công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tổng kết cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Trung đoàn 921 đã chiến đấu trên 200 trận, bắn rơi 137 máy bay các loại của địch...

Công tác bảo đảm kỹ thuật cho máy bay được thực hiện thường xuyên, nghiêm cẩn. Đội ngũ nhân viên kỹ thuật kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ cho máy bay.

Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, đất nước chuyển sang giai đoạn cách mạng mới, Trung đoàn Không quân 921 nằm trong đội hình Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ vùng trời phía Bắc của Tổ quốc và Thủ đô Hà Nội. Lực lượng và khả năng chiến đấu của trung đoàn được giữ vững và có bước phát triển mới. Công tác kỹ thuật, hậu cần được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Đời sống vật chất tinh thần của bộ đội từng bước được cải thiện. Công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, có nhiều chuyển biến tiến bộ vững chắc.

Niềm vui của biên đội khi hoàn thành chuyến bay huấn luyện ngày.

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã kế thừa và phát huy tốt truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần tô đẹp thêm truyền thống “Trung thành vô hạn, tiến công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể” của Bộ đội Không quân anh hùng. Với những thành tích, chiến công đã đạt được trong chiến đấu, ngày 22-12-1969, trung đoàn đã vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân có 3 phi đội bay (trong đó có Phi đội 1 được tuyên dương anh hùng lần thứ 2); 1 Tiểu đoàn bảo đảm và 24 cá nhân được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân; 14 Huân chương Quân công, 157 Huân chương Chiến công, 137 Huy hiệu Bác Hồ và nhiều phần thưởng cao quý khác đã được trao tặng các cá thân, tập thể thuộc trung đoàn.

Thượng tá NGUYỄN NGỌC HẢI, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 921

Link nội dung: https://tuvitot.edu.vn/921-nghia-la-gi-a20710.html