Con sư tử "cô độc nhất thế giới" và hành trình 8.300km trở về quê hương

Con sư tử đực 15 năm tuổi có tên Ruben được cả thế giới biết đến khi cuộc xung đột biên giới giữa Armenia và Azerbaijan diễn ra vào giữa năm 2018, khiến sở thú nơi Ruben đang sinh sống bị đóng cửa. Đây là một sở thú tư nhân thuộc địa phận Armenia, gần biên giới Azerbaijan.

Trong khi những con vật khác tại sở thú được chuyển đi nơi khác, Ruben vẫn phải ở lại sở thú này vì không có lồng để vận chuyển. Con vật bị nuôi nhốt trong một chiếc lồng chật hẹp với điều kiện hết sức tồi tàn tại sở thú. Một nhân viên được giao nhiệm vụ chăm sóc con vật.

Ruben phải sống trong môi trường tồi tàn, chuồng nuôi chật hẹp suốt 5 năm trước khi được giải cứu (Ảnh: ADI).

Ruben phải sống trong môi trường tồi tàn, chuồng nuôi chật hẹp suốt 5 năm trước khi được giải cứu (Ảnh: ADI).

Khi hình ảnh về chuồng giam tồi tàn của Ruben được chia sẻ lên mạng xã hội, nhiều cư dân mạng đã đặt cho con sư tử này biệt danh "sư tử cô độc nhất thế giới".

Trước tình cảnh bi đát của Ruben, Tổ chức bảo vệ động vật quốc tế (ADI) - một tổ chức phi lợi nhuận về bảo vệ động vật - đã thực hiện chiến dịch giải cứu con sư tử đực này.

Các chuyên gia của ADI cho biết khi họ đến vườn thú nơi Ruben được chăm sóc, con vật trong tình trạng sức khỏe yếu vì suy dinh dưỡng và thiếu vận động. Con vật này sống đơn độc đến nỗi nó đã quên cả cách gầm, hành động để thể hiện sự dũng mãnh của những vị "chúa tể thảo nguyên".

Đến tháng 6 vừa qua, ADI đã đạt được bước đầu trong quá trình giải cứu, khi đưa thành công Ruben ra khỏi chuồng nuôi chật hẹp và chuyển con vật đến chăm sóc tại một khu bảo tồn gấu ở Armenia. Mục tiêu tiếp theo của ADI đó là đưa Ruben trở về quê nhà Nam Phi.

"Chúng tôi hy vọng sẽ sớm nhận được sự chấp thuận về hồ sơ, giấy tờ xuất cảnh để đưa Ruben trở về quê nhà Nam Phi", Tim Phillips, đồng sáng lập và Phó chủ tịch ADI, cho biết trong một bài trả lời phỏng vấn hồi tháng 3.

Mới đây, các nỗ lực của ADI đã được đền đáp khi Ruben đã thực hiện hành trình dài hơn 8.300km, từ Armenia đến Nam Phi. Ruben được gây mê và nằm trong một chiếc lồng sắt, được vận chuyển bằng máy bay đến Nam Phi.

true

Ruben đặt bước chân đầu tiên xuống quê nhà Nam Phi sau nhiều năm (Ảnh: ADI).

Qatar Airways Cargo đã hỗ trợ ADI vận chuyển Ruben, khi hãng hàng không này cung cấp một máy bay chở hàng với cửa khoang hàng đủ lớn để vận chuyển chuồng của Ruben.

Sau hành trình dài hơn 8.300km, Ruben được chuyển đến khu bảo tồn thiên nhiên Free State của Nam Phi. Con vật đã phục hồi rất nhanh sau chuyến đi dài và dễ dàng làm quen với môi trường sống mới.

"Sư tử là loài mèo lớn hòa đồng, sống theo bầy đàn trong môi trường hoang dã. Vì vậy, việc Ruben không thể liên lạc hay giao tiếp với những con sư tử khác chắc chắn là một điều khủng khiếp", Jan Creamer, Chủ tịch ADI, cho biết.

"Lần đầu tiên được nhìn thấy Ruben bước đi trên bãi cỏ, với ánh nắng mặt trời châu Phi trên lưng, tất cả chúng tôi đều rơi nước mắt", Jan Creamer chia sẻ thêm. "Thái độ của con vật đã tốt lên rất nhiều, nó trở nên thoải mái và không còn sợ hãi nữa".

Con sư tử "cô độc nhất thế giới" và hành trình 8.300km trở về quê hương (Video: ADI).

Hiện Ruben đã có thể lấy lại tiếng gầm của mình và làm quen với những con sư tử khác trong khu bảo tồn Free State. Ruben sẽ tiếp tục được các chuyên gia của ADI giám sát về tình trạng sức khỏe để đảm bảo con vật có thể thích nghi với môi trường sống mới và đề phòng trường hợp Ruben bị những con sư tử khác trong khu bảo tồn xa lánh.

Thông thường, tuổi thọ của sư tử đực trong thế giới tự nhiên là từ 15 đến 16 năm, còn với sư tử cái là từ 8 đến 10 năm. Tuổi thọ của sư tử trong điều kiện nuôi nhốt kéo dài hơn đáng kể, lên đến 20 năm, do được chăm sóc tốt, không phải tốn sức đi săn.

Con sư tử đực có tên Arjun được ghi nhận là cá thể sư tử sống lâu nhất thế giới, với tuổi thọ lên đến 29 năm. Arjun được sinh ra và chăm sóc tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Ấn Độ, chưa từng sống một ngày nào ngoài thế giới tự nhiên.

Arjun chết vào ngày 17/5/2018. Nguyên nhân cái chết của con sư tử này là vì suy đa tạng do tuổi cao.

Con sư tử đực có tên Loonkito được ghi nhận là cá thể sư tử đực cao tuổi nhất sống ngoài tự nhiên. Con vật này sống tại Vườn quốc gia Amboseli (Kenya), nhưng đã bị những người chăn gia súc dùng giáo giết chết khi con vật đi vào làng để tấn công gia súc và tìm kiếm thức ăn. Vào thời điểm bị giết chết, Loonkito đã được 20 năm tuổi.

Theo NYPost/YN

Link nội dung: https://tuvitot.edu.vn/su-tu-tuoi-tho-a20333.html