Khắc phục chân chữ X giúp giảm khó khăn trong sinh hoạt và những ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ Chấn thương chỉnh hình có thể chỉ định phẫu thuật cắt xương hay căn chỉnh khớp gối.
Chân chữ X có thể tự khỏi trong quá trình phát triển của trẻ. Trẻ em bắt đầu xuất hiện tình trạng chân chữ X từ 2 tuổi và trở nên rõ ràng nhất ở độ tuổi từ 3 đến 4. Sau đó, nó thường giảm xuống vị trí ổn định, hơi vẹo vào lúc 7 tuổi. Tuy nhiên, ở trẻ sau 7 tuổi hay người trưởng thành, nếu tình trạng chân chữ X vẫn chưa cải thiện hoặc tiếp diễn nặng hơn cần đưa trẻ đi khám để được đánh giá để điều trị, tránh gây ra các bệnh lý cơ xương khớp nghiêm trọng về sau.
Chân cong hình chữ X là một dị tật về cấu trúc khiến khớp gối quay vào bên trong. Khi đứng thẳng, hai đầu gối chạm vào nhau nhưng mắt cá chân cách xa nhau bàn chân xoay ra ngoài. Quan sát toàn diện sẽ thấy chân tạo thành hình chữ X. Khi khoảng cách giữa 2 mắt cá chân lớn hơn 8cm, thì đây được coi là chân chữ X bệnh lý, cần được can thiệp sớm. (1)
Tình trạng này xảy ra do nguyên nhân như di truyền, thiếu dinh dưỡng cho xương khớp, nhiễm trùng, thừa cân béo phì, biến chứng từ các bệnh cơ xương khớp khác…
Các phương pháp khắc phục chân chữ X đều có tiên lượng tốt, bao gồm cả điều trị nội khoa hay phẫu thuật. Tùy vào tình trạng chân chữ X và nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị phù hợp. (2)
Trẻ em dưới 7 tuổi mắc phải tình trạng chân chữ X thì chưa cần điều trị. Ba mẹ cần quan sát hình dáng chân của trẻ và chú ý những biểu hiện khi trẻ cử động khớp gối. Ba mẹ có thể cho trẻ tắm nắng trong khoảng thời gian từ 6 - 9 giờ sáng để tăng khả năng tổng hợp vitamin D, bổ sung thêm vitamin D và Canci với trường hợp sự phát triển thể chất của bé dưới ngưỡng trung bình. Đồng thời, kết hợp chế độ dinh dưỡng phù hợp với tầm phát triển của trẻ để thúc đẩy nhanh quá trình phát triển đôi chân trở lại hình dáng bình thường.
Người bệnh cần thực hiện điều trị chân chữ X khi biến dạng này vẫn tiếp diễn sau 8 tuổi hoặc được chẩn đoán là có liên quan đến các vấn đề xương khớp khác. Đặc biệt, khi chân chữ X gây ra những triệu chứng lâm sàng như đau mỏi khớp gối thường xuyên, viêm khớp gối, yếu cơ… thì người bệnh cần đi khám để tiếp nhận điều trị.
Tình trạng chân chữ X khiến khớp gối phải chịu áp lực lớn hơn. Ở cấu trúc khỏe mạnh, khớp gối là một trong những cơ quan chính tham gia nâng đỡ cơ thể, đồng thời thực hiện các chuyển động xương khi đi lại, chạy nhảy.
Tuy nhiên, biến dạng chân chữ X có thể do xương bánh chè bị lệch tâm, làm tăng áp lực lên vùng gối trước. Đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm khớp gối sau này và những hệ lụy xương khớp khác. Sự bất thường ở cấu trúc khớp gối chân chữ X cũng ảnh hưởng đến biên độ gập duỗi gối, tiềm ẩn nguy cơ đau thắt lưng, khớp háng sau này.
Nếu không khắc phục chân chữ X kịp thời, người bệnh có thể bị chênh lệch chiều dài chân, gây ra dáng đi bất thường và tác động xấu đến chức năng hoạt động của khớp gối, hệ thống dây chằng, gân cơ quanh khớp gối.
Thuốc được kê dựa trên triệu chứng lâm sàng của người bệnh như thuốc giảm đau để giải quyết cơn đau nhức tại khớp gối. Nếu chân chữ X do bệnh còi xương hoặc trẻ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, kém phát triển, bác sĩ sẽ kê các thuốc bổ sung vitamin D và canxi cho trẻ. (3)
Người bệnh được khuyến cáo uống thuốc giảm đau hay thực phẩm chức năng theo liều lượng chỉ định của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ, gây hại đến sức khỏe người bệnh.
Thực hiện các bài tập kháng lực làm tăng cường sức mạnh nhóm cơ tại đầu gối, cải thiện độ linh hoạt khớp gối và phát triển tư thế như các bài tập cơ trục thân, khớp háng, khớp cổ chân để đem lại dáng đi an toàn cho người bệnh. Điều này giúp người bệnh khắc phục những trở ngại, hạn chế do chân chữ X gây ra. Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để chọn ra những bài tập phù hợp, hỗ trợ cải thiện chân chữ X một cách tối ưu.
Giảm cân là phương pháp giảm nhẹ trọng lượng lên khớp gối. Bắt buộc thực hiện ở những người bị chân chữ X nhưng đồng thời có tình trạng thừa cân béo phì. Đây cũng là một nguyên nhân gây ra biến dạng chân chữ X do khớp gối phải tải một trọng lượng vượt ngưỡng chịu đựng trong thời gian dài.
Thừa cân béo phì sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Triệu chứng đau khớp gối cũng trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, với bất kỳ phương pháp điều trị chân chữ X nào, trước tiên người bệnh cần giảm số cân nặng và đưa chỉ số BMI về mức phù hợp.
Nẹp là phương pháp điều chỉnh cấu trúc khớp gối, thường được áp dụng trong điều trị chân chữ X ở trẻ em với tình trạng trẻ nhỏ, tình trạng biến dạng trục chân ít. Mục đích là đưa khớp gối về lại cấu trúc đúng, cải thiện tình trạng xoay ngoài của mắt cá chân và định hướng sự phát triển xương cho trẻ.
Trường hợp người bệnh đã xuất hiện biến chứng chân không đều nhau, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng lót giày để làm thuyên giảm các triệu chứng đau khớp, dáng đi bất thường, cũng như cải thiện tình trạng chân lệch nhau. Thời gian nẹp được chỉ định bởi bác sĩ, dựa trên kết quả lâm sàng và tiên lượng của từng người bệnh.
Phẫu thuật chân chữ X được chỉ định cho những trường hợp không đáp ứng với những phương pháp điều trị nội khoa trước đó. Sau một thời gian điều trị, người bệnh vẫn còn biến dạng chân chữ X, cùng với tình trạng mất vững gối, đau khớp gối chưa chấm dứt. (4)
Phương pháp thực hiện cắt xương hoặc can thiệp vào sự phát triển của xương ở vùng đĩa tăng trưởng, cố định khớp gối ở cấu trúc đúng bằng nẹp vít kim loại. Tùy vào độ phức tạp, biến dạng của khớp gối mà bác sẽ chỉ định cắt xương đùi hay cắt kết hợp xương đùi và xương chày.
Sau can thiệp, bác sĩ phẫu thuật thường chỉ định phối hợp tập VLTL để tránh các biến chứng của tình trạng hạn chế vận động như teo cơ, cứng khớp và giúp người bệnh có thể phục hồi tốt nhất có thể.
Sau khi khắc phục chân chữ X, người bệnh thường được yêu cầu tiếp tục thực hiện các bài tập giúp cải thiện chức năng khớp gối để hạn chế các triệu chứng mất vững, đau khớp gối, viêm sưng có thể tái phát.
Những phương pháp điều trị chân chữ X đều có hiệu quả điều trị cao, tỷ lệ tái phát thấp. Tuy nhiên, thời gian hồi phục và sự cải thiện chức năng khớp gối sẽ phụ thuộc khá nhiều vào cách giữ gìn và chăm sóc khớp gối của người bệnh. Người bệnh cần duy trì thói quen sinh hoạt tích cực, chủ động phòng tránh các nguy cơ gây chấn thương khớp gối để tăng cường độ vững chắc, linh hoạt của khớp gối.
Không có phương pháp ngăn ngừa hoàn toàn chân chữ X. Tuy nhiên có thể phòng tránh các yếu tố rủi ro hoặc giảm thiểu các ảnh hưởng của biến dạng chân chữ X lên chức năng khớp gối.
Ba mẹ có thể phòng tránh chân chữ X ở trẻ bằng cách phòng tránh bệnh còi xương, thừa cân béo phì. Những lưu ý tránh bệnh còi xương và làm chắc khỏe xương khớp cho trẻ gồm:
Đối với người trưởng thành bị chân chữ X, thể dục thể thao điều độ là một phương pháp tối ưu có thể thay thế cho phẫu thuật. Thực hiện đúng bài tập với cường độ vừa phải, người bệnh có thể làm giảm thiểu các triệu chứng mất vững gối, giảm thiểu nguy cơ bị viêm sưng khớp gối thường gặp ở người có chân chữ X.
Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Người bệnh cần tìm cách khắc phục chân chữ X nhanh chóng vì biến dạng này có thể gây ra những vấn đề liên quan đến xương khớp khác, thậm chí là loãng xương và thoái hóa khớp gối sớm. Người bệnh cũng nên chủ động nâng cao sức khỏe cơ xương khớp, có chế độ tập thể dục thích hợp để hạn chế các triệu chứng bệnh tái phát sau này.
Link nội dung: https://tuvitot.edu.vn/van-tay-chu-x-a19753.html