Mỗi ngày, ông P. ăn hơn 3 nắm tay bánh ngọt, thêm bánh mì, trái cây khiến đường huyết tăng gần gấp đôi, gây biến chứng hoại tử 2 ngón chân.
Ông N.V.P. (62 tuổi, ngụ TP.HCM) ăn chay trường hơn 15 năm và phát hiện tiểu đường gần 2 năm nay. 2 tháng gần đây, ông không còn tuân thủ chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sĩ. Mỗi ngày, sau khi ăn sáng với bún hoặc hủ tiếu chay, ông uống thêm 1 ly ngũ cốc dùng đường kiêng do sợ thiếu chất. Buổi trưa, ông ăn cơm và ăn cháo vào buổi tối. Ngoài ra, ông tự mua thêm các món ăn vặt như: rong biển sấy khô, tàu hũ ky, trái cây, bánh ngọt, bánh mì trắng… để ăn giữa các bữa. Riêng bánh ngọt, mỗi lần ông ăn hơn 1 nắm tay, 3-4 lần/ngày. “Không ăn bánh ngọt thì tôi ăn 1 ổ bánh mì cỡ bằng bàn tay hoặc trái cây”, ông P. nói.
5 ngày trước khi nhập viện, ông P. thấy hai ngón chân chuyển sang màu đen, có mùi hôi nhưng không đau, ông đến phòng khám Bàn chân tiểu đường, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Thạc sĩ bác sĩ Hoàng Thị Hồng Linh, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, cho biết ông P. bị hoại tử 2 ngón chân trái số 2 và số 3 (tính từ ngón chân trỏ), chỉ số HbA1c (chỉ số đường huyết trung bình 2-3 tháng) cao gần gấp đôi bình thường, da dưới 2 lòng bàn chân bị dày sừng, chai nhiều vị trí, không còn cảm giác. Ông P. bị biến dạng bàn chân vẹo ra ngoài. Ông được chỉ định nhập viện xử lý vết thương, tránh nguy cơ hoại tử sâu có thể cắt cụt ngón.
Ông P. được điều trị ổn định đường huyết, kháng sinh, chăm sóc vết thương cắt lọc các mô hoại tử, làm sạch, băng bó vết thương hàng ngày, xử lý vùng da dày sừng ở dưới lòng bàn chân. Bác sĩ Linh hướng dẫn cho ông P. chế độ dinh dưỡng phù hợp, hạn chế ăn vặt bằng bánh ngọt quá nhiều làm tăng đường huyết dẫn đến biến chứng tiểu đường. Sau 5 ngày điều trị, ông P. được ra viện.
“Người tiểu đường kiểm soát đường huyết không tốt sẽ dẫn tới hàng loạt biến chứng, trong đó có biến chứng lên bàn chân. Trường hợp ông P. vừa bị biến chứng thần kinh gây giảm cảm giác ở bàn chân, vừa bị biến dạng bàn chân, nhiễm trùng ngón chân,… Người bệnh cần điều chỉnh lại chế độ ăn, hạn chế ăn thực phẩm nhiều đường, tinh bột; cần tái khám với bác sĩ để ngừa biến dạng bàn chân”, bác sĩ Linh lưu ý.
Theo bác sĩ Hoàng Thị Hồng Linh, người bệnh tiểu đường cần kiểm soát đường huyết tốt với bộ 3: thuốc, dinh dưỡng và vận động. Trường hợp ông P. tuy uống thuốc đều đặn, tập yoga hàng ngày nhưng chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp vẫn khiến đường huyết tăng cao. Đường huyết cao trong thời gian dài gây tổn thương hàng loạt lên các cơ quan như: thần kinh, thận, mắt, tim, mạch máu; trong đó có biến chứng bàn chân tiểu đường. Tại khoa Nội tiết - Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, trong số bệnh nhân tiểu đường nhập viện có khoảng 35% người bệnh bị biến chứng bàn chân tiểu đường.
Đáng lưu ý, biến chứng bàn chân tiểu đường là hậu quả từ các biến chứng mạch máu, thần kinh.
Biến chứng mạch máu do hình thành mảng xơ vữa trong lòng các động mạch, làm cản trở khả năng lưu thông của máu đến các cơ quan, trong đó có bàn chân. Với biến chứng bàn chân, người bệnh sẽ có các triệu chứng như: đùi và cẳng chân thường đau khi vận động; lông cẳng bàn chân - ngón cái rụng; tê, chuột rút, nhức mỏi vùng chân, lạnh chân; vết thương chậm lành, có thể hoại tử đen, khô…
Biến chứng tiểu đường còn gây tổn thương dây thần kinh làm giảm hoặc mất cảm giác ở chân. Dây thần kinh ở chân bị tổn thương dẫn đến các triệu chứng như: thần kinh cảm giác (tê, ngứa ran, đau khó chịu, châm chích, bỏng rát ở bàn chân); thần kinh vận động (yếu cơ, mất thăng bằng, thay đổi hình dạng bàn chân - còn gọi biến dạng bàn chân gây ngón chân quắp, vẹo hoặc ngón chân hình búa…); thần kinh tự trị (chân khô, da nứt nẻ…)
Bác sĩ Linh khuyến cáo người bệnh tiểu đường nên kiểm soát tốt đường huyết bằng cách uống thuốc đều đặn, có chế độ dinh dưỡng phù hợp và tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Nên ăn ít tinh bột, đường; ăn nhiều rau; hạn chế ăn thịt đỏ, dầu mỡ; ăn đúng bữa, không ăn khuya, không bỏ bữa… Người bệnh có thể ăn vặt giữa các bữa sáng - trưa, trưa - chiều với các thực phẩm ít tinh bột, đường như: trái cây ít ngọt và các loại hạt… (lượng bằng 1 nắm tay cho 1 lần), 1 hũ sữa chua hoặc 1 ly sữa tươi không đường… Hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều tinh bột, đường như: bánh mì trắng, các loại bánh ngọt nói chung, kẹo, thực phẩm ăn liền, thực phẩm chế biến sẵn… Ngoài ra, người bệnh cần chủ động đi khám theo chỉ định để bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị cũng như kiểm tra bàn chân, phòng biến chứng bàn chân tiểu đường.
Link nội dung: https://tuvitot.edu.vn/not-ruoi-ngon-chan-tro-a18745.html