Tàn nhang là gì? 5 nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

Tàn nhang là tình trạng tăng sắc tố da rất phổ biến và có thể bắt gặp ở mọi độ tuổi. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu những thông tin về nguyên nhân, cách điều trị cũng như phòng tránh tình trạng tàn nhang.

tàn nhang

Tàn nhang là gì?

Tàn nhang là những dát tăng sắc tố trên da, có màu nâu từ nhạt đến đậm, kích thước thường khoảng 1 - 5mm, xuất hiện ở các vị trí tiếp xúc với ánh nắng như mặt, cổ, tay… các đốm tàn nhang không gây hại cho sức khỏe nhưng có có thể gây ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ da. Tàn nhang hình thành vì da sản xuất quá nhiều melanin (chất tạo màu cho da và tóc) khi tiếp xúc với tia cực tím.

Những vết tàn nhang có thể khác nhau về kích thước và màu sắc, một số có thể tồn tại trong thời gian dài trong khi một số khác có thể mờ đi hoặc biến mất một cách tự nhiên. Tàn nhang cũng có xu hướng giảm dần khi con người già đi, các vết đồi mồi có thể thay thế cho các nốt tàn nhang lúc trẻ nếu không có biện pháp chống nắng thích hợp. (1)

tàn nhang trên mặt là gì
Tàn nhang là những dát tăng sắc tố có kích thước từ 1 - 5mm có thể xuất hiện trên các vùng da thường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Tàn nhang xuất hiện ở đâu trên cơ thể?

Tàn nhang thường xuất hiện ở hầu hết các vùng da hở trên cơ thể, nơi thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như má, mũi, vai, lưng trên… Ở một số bệnh nhân mắc u xơ thần kinh, vùng da không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời như nách vẫn có thể xuất hiện tàn nhang.

Tàn nhang hình thành như thế nào?

Như đã nói, tàn nhang hình thành vì sắc tố melanin được tạo ra quá nhiều bởi các tế bào melanocyte. Tế bào melanocyte (tế bào sản xuất melanin) có chức năng bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím (UV) bằng cách sinh các sắc tố màu nâu đen giúp hấp thụ và phản xạ các tia UV. Vì vậy, hình thành tàn nhang là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể trước ánh nắng mặt trời. (2)

5 nguyên nhân bị tàn nhang

2 yếu tố phổ biến nhất gây ra tàn nhang là di truyền và tia UV. Một số nguyên nhân khác có thể là yếu tố ảnh hưởng đến việc hình thành tàn nhang chứ không trực tiếp gây ra tàn nhang.

1. Tia UV

Tia UV hay tia cực tím chính là “kẻ thù” hàng đầu của làn da, gây lão hóa da, cháy nắng, tổn thương DNA tế bào… Có khoảng 90% số người bị ung thư da là do tác động của tia UV. Việc da sinh ra các hắc tố melanin như tàn nhang là một phần của cơ chế tự vệ chống lại các nguy cơ gây hại từ tia cực tím trong ánh nắng mặt trời.

Khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài, da sẽ kích hoạt phản ứng dưới dạng tăng sản xuất melanin (tức là hắc tố). Một số người đơn giản là dễ bị tàn nhang hơn do đặc điểm di truyền và môi trường của họ.

nguyên nhân bị tàn nhang
Tia UV kích thích các tế bào melanocyte sản sinh ra melanin để bảo vệ da.

2. Di truyền

Di truyền đóng một vài trò quan trọng trong việc quyết định ai có khả năng phát triển tàn nhang dựa trên loại melanin mà cơ thể sản xuất. Cụ thể, có hai loại melanin là Eumelanin và Pheomelanin, gen quyết định việc cơ thể sản xuất loại melanin nào là một gen có tên MC1R.

Đột biến gen nhạy cảm với tia UV khiến tế bào tăng sản xuất số lượng hắc tố melanin, chứ không tăng sinh số lượng tế bào sắc tố (melanocyte) như trong các thương tổn đồi mồi…

Một số bệnh lý di truyền có biểu hiện là tàn nhang như khô da sắc tố (Xeroderma pigmentosum), u xơ thần kinh…

Bệnh khô da sắc tố là bệnh di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường, khiến da rất nhạy cảm với ánh sáng mặt trời, da khô, bỏng nắng nghiêm trọng không thể tự phục hồi, tàn nhang, tăng giảm sắc tố, da nhanh chóng lão hoá và tiến triển thành ung thư da, ngoài ra còn có thể gây bất thường về thần kinh và thị giác.

U xơ thần kinh là rối loạn di truyền hiếm gặp làm xuất hiện các khối u trên mô thần kinh. Những khối u này thường lành tính, gồm 3 loại là u xơ thần kinh loại 1 (NF1), u xơ thần kinh loại 2 (NF2) và bệnh Schwannomatosis. Tàn nhang thường gặp trong NF1, xuất hiện ở các vùng không tiếp xúc với ánh sáng như vùng nếp ở nách, bẹn.

3. Tuổi tác

Tàn nhang có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng thường khởi phát ở trẻ em. Khi về già, tàn nhang có xu hướng bị thay thế bằng các đốm đồi mồi với kích cỡ lớn hơn rất nhiều so với tàn nhang.

4. Hormone thay đổi

Nhiều người thường nhầm lẫn việc hormone thay đổi gây ra tình trạng tàn nhang. Tuy nhiên, việc thay đổi hormone thường gây ra nám da chứ không phải tàn nhang.

5. Tiếp xúc nhiều với hóa chất, mỹ phẩm

Một số sản phẩm dùng ngoài da có thành phần như: retinol, hydroquinone, citrus oil, BHA, AHA, hương liệu, coal tar, chất kháng khuẩn… có thể gây tăng nhạy cảm ánh sáng, biểu hiện viêm, đỏ da, ngứa rát, đôi khi nổi bóng nước, bỏng nắng, tăng sắc tố sau viêm… Nhưng đến nay chưa có nghiên cứu nào chỉ ra việc sử dụng các hóa chất, mỹ phẩm có thể gây ra tình trạng tàn nhang.

Một số dấu hiệu nhận biết sớm vết tàn nhang

Biểu hiện của tàn nhang rất dễ nhận biết, tuy nhiên đôi khi tàn nhang có thể bị nhầm lẫn với nám da, đồi mồi hoặc nốt ruồi. Đặc điểm nhận diện của tàn nhang gồm:

Tàn nhang có cần điều trị không?

Bạn không cần phải điều trị đối với tàn nhang tự nhiên, một số người còn xem đây là một nét đẹp độc đáo mà không phải ai cũng có được. Tàn nhang cũng có thể biến mất một cách tự nhiên trong quá trình trưởng thành.

Đối với những người không thích việc da tồn tại những đốm sắc tố, không đều màu thì việc điều trị tàn nhang là hoàn toàn có thể. Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị giảm làm mờ hiệu quả các nốt tàn nhang trên làn da.

Phương pháp điều trị tàn nhang hiệu quả

Dưới đây là một số phương pháp phổ biến và có độ hiệu quả cao trong điều trị tàn nhang.

1. Thuốc và các sản phẩm thoa tại chỗ

Các hoạt chất bôi thường có tác dụng chính là ức chế việc các tế bào tăng sinh sắc tố gây tàn nhang, nám, sạm da, nhờ đó hạn chế hình thành tàn nhang mới, tăng luân chuyển tế bào sừng giúp sáng da, mờ sắc tố. Một số thành phần phổ biến trong các loại kem hay thuốc bôi ức chế sắc tố da là:

Bên cạnh đó, việc sử dụng kem chống nắng là rất quan trọng trong việc ngăn ngừa hình thành tàn nhang. Các chuyên gia thường khuyên dùng kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên trước khi ra ngoài 30 phút và bôi kem lặp lại sau mỗi 2 giờ để đạt hiệu quả chống nắng tốt nhất.

Sử dụng các loại mỹ phẩm, thuốc bôi có khả năng điều trị các vấn đề về sắc tố để làm mờ các nốt tàn nhang.

2. Thuốc uống

Ngoài dùng mỹ phẩm và các loại kem bôi để ức chế tăng sinh sắc tố, bác sĩ có thể kê thêm các loại thuốc uống với cùng công dụng. Những loại thuốc uống có khả năng hạn chế tăng sinh sắc tố da thường có các thành phần như L-cystine, vitamin C, Glutathione, Tranexamic Acid,…

3. Peel da

Peel da hay thay da hóa học là phương pháp sử dụng các hoạt chất có tác dụng làm bong tróc da có kiểm soát nhằm loại bỏ tế bào chết, làm sạch sâu cũng như cải thiện các vấn đề về màu da như tàn nhang. Một số hoạt chất peel da thường được sử dụng là Alpha Hydroxy Acid (AHA), Salicylic Acid (BHA), Tricloacetic Acid (TCA),… Các hoạt chất sẽ được lựa chọn theo độ sâu vùng da mà bác sĩ muốn tác động để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.

Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi thời gian từ 1 - 2 tuần để làn da bong tróc và lành hoàn toàn. Bên cạnh đó, người được peel da có thể có cảm giác châm chích, ngứa ngáy, tình trạng da đóng vảy, bong tróc một khoảng thời gian sau khi peel.

4. Liệu pháp áp lạnh

Liệu pháp áp lạnh sẽ sử dụng nhiệt độ cực lạnh để đóng băng và loại bỏ các mô bất thường trên cơ thể. Các bác sĩ sẽ sử dụng nitơ lỏng để làm đóng băng các vết tàn nhang và đồi mồi, sau đó vùng da được điều trị sẽ sẫm màu hơn và bong tróc ra sau vài ngày. Tuy nhiên, phương pháp này cũng dễ tổn thương các vùng da lành, dễ tạo sẹo và tăng sắc tố sau viêm nên ít được áp dụng.

5. Laser và các thiết bị ánh sáng

Đây là phương pháp hiệu quả, nhanh chóng, được dùng phổ biến hiện nay để điều trị tàn nhang. Các loại thiết bị như laser Q-Switched alexandrite 755nm, Q-Switched KTP 532, 1064, IPL,… giúp phá vỡ sắc tố melanin và bong tróc tế bào thượng bì chứa melanin, nhờ đó tàn nhang được xoá mờ nhanh chóng mà không ảnh hưởng đến các vùng da xung quanh.

>>Bài viết liên quan: Tàn nhang có trị được không? Yếu tố nào ảnh hưởng đến kết quả?

bắn laser trị tàn nhang
Bắn tia laser là phương pháp điều trị tàn nhang và các vấn đề về sắc tố da phổ biến.

Biện pháp ngăn ngừa tàn nhang phát triển trên da mặt

Ánh nắng mặt trời là nguyên nhân lớn nhất gây ra tàn nhang, thế nên để ngăn chặn xuất hiện tàn nhang trên da, bạn cần bảo vệ da khỏi tác động của ánh nắng. Một số lưu ý khi chống nắng bao gồm:

không quên kem chống nắng để ngừa tàn nhang
Kem chống nắng giúp bảo vệ da trước các tác động có hại của ánh nắng mặt trời

Một số câu hỏi liên quan

1. Tàn nhang có lan ra không?

Câu trả lời là có. Nếu không được bảo vệ, che chắn đúng cách thì các vết tàn nhang có thể lan rộng cả về kích thước lẫn số lượng trên da.

2. Tàn nhang có trị dứt điểm được không?

Tàn nhang có thể biến mất sau điều trị, tuy nhiên vẫn có tỉ lệ tái phát nếu không tránh nắng kỹ, do các tế bào melanocyte còn tồn tại ở màng đáy của da sẽ tiếp tục sản sinh sắc tố melanin khi da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

3. Tàn nhang có tự hết được không?

Tàn nhang có thể biến mất mà không cần can thiệp. Tuy nhiên, chúng có thể quay trở lại khi thời tiết nhiều nắng hơn, ngay cả khi những vết tàn nhang cũ mờ đi thì những vết tàn nhang mới vẫn có thể xuất hiện.

Trên đây là những thông tin về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết cũng như cách điều trị và ngăn ngừa tàn nhang. Tàn nhang không nguy hiểm, có nhiều phương pháp điều trị (nhưng không triệt để) và có thể tự biến mất theo thời gian. Để ngăn ngừa tàn nhang, chống nắng là phương pháp bắt buộc và hữu hiệu nhất.

Link nội dung: https://tuvitot.edu.vn/not-ruoi-o-nach-phai-nam-gioi-a17224.html