Ở Việt Nam, mỗi năm Âm lịch đều được "hộ trì" bởi một trong số mười hai con vật. 12 con giáp của người Việt có gì đặc biệt?
Theo sách 12 con giáp trong văn hóa người Việt, 12 con giáp có nguồn gốc từ lịch Can - Chi. Loại lịch này xuất hiện vào thời nhà Thương (1766-1122 TCN) ở Trung Quốc. Theo đó, 12 con giáp gắn với Thập Nhị Chi.
Còn lại là hệ thống Thập Thiên Can (10 can: Canh, Tân, Nhâm, Quý, Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ), được tạo thành bởi năm nguyên tố Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Mỗi nguyên tố lại được ghép với Âm hoặc Dương để tạo thành chu kỳ 10 năm.
Khi 12 con giáp của Thập Nhị Chi được ghép với một nguyên tố trong Ngũ Hành, cùng Âm hoặc Dương của Thiên Can, sẽ tạo thành 60 năm từ những tổ hợp khác nhau, gọi chung là Lục thập Hoa giáp, hay Can Chi.
Theo lịch này, người Trung Quốc xưa đã chọn ra 12 con vật gắn liền với đời sống con người hoặc được con người thuần dưỡng sớm nhất để đưa vào lịch Can - Chi, theo thứ tự Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi (tương ứng với Chuột, Trâu, Hổ, Thỏ, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, Gà, Chó, Lợn).
Theo sách Chuyện Đông, Chuyện Tây của tác giả An Chi, con giáp là một lối nói của phương ngữ Nam Bộ. Trong phương ngữ này, con giáp là chu kỳ 12 năm âm lịch, gọi từ tên của 12 địa chi từ Tý đến Hợi. Nghĩa này đã cho ra một nghĩa rộng là chu kỳ thời gian từ một năm cho đến năm cuối cùng một chi với nó sau đó 12 năm, chẳng hạn như năm Nhâm Thìn 1832 đến năm Giáp Thìn 1844.
Ngoài ra, trong khẩu ngữ tiếng địa phương Nam Bộ, con giáp còn có nghĩa là con vật tượng trưng mỗi chi trong 12 địa chi nữa. Chẳng hạn, con chuột cho năm Tý, con trâu cho năm Sửu. Do đó mới có câu “12 con giáp không giống con nào”.
12 con giáp trong văn hóa người Việt.
Vậy tại sao gọi là con giáp? Ngày xưa đã theo thứ tự trước sau của một thập can và thập chi mà chi phối hợp với can và các chi với nhau sao cho được một chu kỳ gồm 60 đơn vị, bắt đầu từ Giáp Tý cho đến Quý Hợi, trong đó mỗi đơn vị được gọi bằng một tên kép gồm có một tên can và một tên chi. Chu kỳ này được trình bày thành 1 bảng 60 ô, bảng này được gọi là Hoa giáp.
Trong phương ngữ Bắc Bộ, hoa giáp được gọi tắt thành giáp. Giáp thoạt đầu vẫn được hiểu là một chu kỳ 60 năm về sau lại được linh động hiểu thành chi kỳ 12 năm như hiện nay.
Tuy cùng một cách chuyển nghĩa như trên nhưng trong phương ngữ Nam Bộ thì Hoa giáp lại thường trở thành con giáp vì hai lý do.
Một là người ta vẫn bị ám ảnh với các con vật tượng trưng cho mỗi chi khi nói đến hoa giáp. Hai là tiếng "con" vừa có tác dụng nhắc nhớ đến các con vật như đã nói ở trên, lại vừa đồng âm với con là một tử chỉ chu kỳ như trong từ con nước, con trăng… mà Hoa giáp rõ ràng là một chu kỳ. Vì hai lý do đó mà con đã thay thế cho hoa.
12 con giáp ở Trung Quốc và Việt Nam đều gồm: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Tuy nhiên, điểm khác biệt trong 12 con giáp của Trung Quốc so với Việt Nam và nhiều nước khác là vị trí năm Mão (mèo) dù vẫn có cách phát âm tương tự nhưng được thay bằng con thỏ.
Sim Sang - Joon, Giám đốc Trung tâm Giao lưu văn hoá Việt - Hàn, giải thích con mèo tuy không phải loài vật nằm trong Thập Nhị Chi nhưng lại được ghi âm chữ Hán giống với con thỏ (máo - âm Hán Việt là “miêu”).
Trong tiếng Trung Quốc, hai từ này khác nhau về dấu song về âm thì thỏ (măo) và mèo (máo) đều là mao. Điều thú vị nữa là trong Việt Nam tự điển, chữ Mão - nghĩa là con thỏ - lại được dùng để chỉ con mèo.
Tác giả giải thích ở Việt Nam điều kiện môi trường để loài thỏ phát triển sinh sôi không tốt bằng mèo. Vì Việt Nam là văn hóa thảo mộc chứ không phải văn hoá thảo nguyên. Nếu thảo nguyên là môi trường có những đồng cỏ mềm mượt, mà các loài động vật có thể thoả sức ăn thành từng bầy đàn, thảo mộc lại là môi trường phong phú đa dạng các thảm thực vật đan xen lẫn nhau. Lý do Việt Nam nhiều thảo mộc như vậy là bởi khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều.
Dù đã tiếp thu Thập Nhị chi (12 con giáp) của Trung Quốc, song có lẽ do yếu tố môi trường tự nhiên này nên người Việt đã không tiếp thu y nguyên mô hình ở Trung Quốc mà biến cải cho phù hợp với môi trường sống của mình.
Từ đó, trong quá trình giao lưu văn hoá với Trung Quốc, ở Việt Nam hình ảnh con mèo thân thuộc đã thay thế cho con thỏ bởi điều kiện tiếp thu có biến động từ ngôn ngữ đến hình ảnh trong Thập Nhị Chi - 12 con giáp. Ở đây, chúng ta cũng cần xem xét vấn đề qua việc lựa chọn âm tiếng Hán con mèo do có cùng âm tiếng Hán với con thỏ.
Theo tác giả, cách nhìn nhận này là vẹn cả đôi đường. Trên lập trường của Trung Quốc, quốc gia có ảnh hưởng văn hoá, dù Việt Nam có chọn tên năm Mèo vẫn không đánh mất chữ Máo - chỉ con thỏ. Ngược lại, trên lập trường một nước tiếp biến văn hoá bên ngoài như Việt Nam, dù có lựa chọn con mèo - con vật quen thuộc với người Việt - vẫn nằm trong mạch ảnh hưởng văn hoá của Trung Quốc. Việc thay đổi tinh tế chữ Máo - chỉ con thỏ - sang con mèo đã cho thấy tài trí của người Việt Nam trong tiếp biến văn hoá!
Link nội dung: https://tuvitot.edu.vn/nguon-goc-12-con-giap-a1503.html