Khi nhìn vào lịch, chúng ta có thể thấy: “Năm 2024 sau Công Nguyên là năm nhuận, có tổng cộng 366 ngày và 53 tuần. Năm Giáp Thìn theo âm lịch (Năm con Rồng) không có tháng nhuận, tổng cộng có 354 ngày và 23 tiết khí. Hơn nữa, người ta cũng đặc biệt đánh dấu thời gian bắt đầu của năm Giáp Thìn 2024 là từ ngày 10/2/2024 đến ngày 28/1/2025 thì kết thúc.
Nói cách khác, 2024 là năm Giáp Thìn, ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán rơi vào ngày 10/2/2024 theo dương lịch và ngày 28/1/2025 là giao thừa, tổng cộng có 354 ngày. Xem xét từ ngày Mồng một Tết Giáp Thìn, có thể thấy, tiết khí đầu tiên xuất hiện là “Vũ Thủy” vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch. Vậy tiết “Lập Xuân” đã biến đâu?
Trên thực tế, Lập Xuân năm 2024 là ngày 4/2, tương ứng với ngày 25 tháng 12 năm Quý Mão (năm con Mèo). Nói cách khác, năm Quý Mão 2023 có hai ngày Lập Xuân, một vào ngày 14 tháng Giêng và một vào ngày 25 tháng Chạp âm lịch, dẫn đến sự vắng mặt của tiết khí Lập Xuân trong năm Giáp Thìn.
Tình trạng này xảy ra do các nhà khoa học soạn lịch cổ cứ 19 năm lại thêm 7 tháng nhuận vào âm lịch để thích ứng với sự biến đổi của thời tiết. Trong 19 năm sẽ có 7 năm không có tiết Lập Xuân, 7 năm có 2 ngày Lập Xuân và 5 năm có một ngày. Đây là kết quả của sự sắp xếp “căn chỉnh” cần thiết giữa dương lịch và âm lịch.
“Căn chỉnh” giữa lịch dương và lịch âm
Thời xưa chưa có thiết bị đo thời gian như bây giờ nên người ta chỉ có thể đưa ra phán đoán bằng cách tham khảo một số hiện tượng và sự vật tự nhiên. Một số người phát hiện ra rằng mặt trời xuất hiện và lặn rất có quy luật nên họ dùng mặt trời để đo thời gian. Lại có một số người nhận thấy quá trình trăng tròn trăng khuyết cũng rất có quy luật nên đã dùng mặt trăng để đo thời gian. Cũng có một số người tính thời gian bằng cách nhìn cả mặt trời lẫn mặt trăng.
Trải qua quá trình phát triển lịch sử, những người tính thời gian theo mặt trời đã phát minh ra "lịch mặt trời" mà chúng ta gọi là “dương lịch”; những người tính thời gian theo mặt trăng đã phát minh ra “lịch Thái âm” mà chúng ta gọi là "âm lịch". Những người nhìn cả mặt trời và mặt trăng để tính giờ đã phát minh ra “âm dương hợp lịch”, chính là nông lịch hiện nay.
Tuy nhiên, độ dài của một năm dương lịch là 365 ngày trong năm thường và 366 ngày trong năm nhuận; độ dài mỗi ngày là khoảng 23 giờ 56 phút. Sau đó, cứ bốn năm lại có một ngày nhuận để bù vào khoảng thời gian này, do đó, độ dài của một năm dương lịch là khoảng 365,25 ngày mà chúng ta vẫn quen gọi là 365 ngày.
Âm lịch xác định ngày và tháng dựa trên các giai đoạn của mặt trăng. Một tháng âm lịch có trung bình 29,5306 ngày, 12 tháng âm lịch có 354 hoặc 355 ngày. Như vậy, chênh lệch thời gian giữa năm âm lịch và năm dương lịch (khoảng 365,25 ngày) là khoảng 11 ngày, chênh lệch thời gian cộng dồn trong 3 năm sẽ hơn một tháng. Vì vậy, phải phát minh ra một loại lịch để chúng có thể tương thích với nhau, đó là “âm dương hợp lịch”.
Âm lịch hiện tại của chúng ta chính là “âm dương hợp lịch”, dựa trên chu kỳ thay đổi của các giai đoạn của mặt trăng. Mỗi chu kỳ thay đổi tròn - khuyết (“sóc” - “vọng”) của mặt trăng là một tháng. Tham khảo đến độ dài của chu kì quay trở lại của mặt trời là một năm và cộng thêm 24 tiết khí, lập ra tháng nhuận để cho phù hợp với năm dương lịch. Bằng cách này, lịch có thể thích ứng với những thay đổi về thời tiết, bốn mùa sẽ không bị tách rời các tiết khí.
Sẽ không có ngày 30 Tết trong 5 năm liên tiếp
Tại sao có năm không có đêm giao thừa? Điều này có liên quan đến cách tính lịch âm độc đáo. Trong dương lịch có tháng 30 ngày, một số tháng 31 ngày, tháng 2 chỉ có 28-29 ngày. Trong âm lịch cũng có tháng đủ và tháng thiếu, tháng đủ có 30 ngày và tháng thiếu có 29 ngày. Điều này là do âm lịch được biên soạn dựa trên sự tròn và khuyết của mặt trăng, được gọi là “sóc vọng nguyệt” trong thiên văn học. Ngày “sóc” là ngày đầu tiên của tháng âm lịch”. Từ “sóc” đến “vọng”, rồi đến “sóc” tiếp theo, một chu kỳ khoảng 29,53 ngày, nên số ngày trong tháng âm lịch là 29 ngày trong tháng thiếu hoặc 30 ngày trong tháng đủ.
Trên thực tế, không ít tháng 12 âm lịch (Chạp) là tháng thiếu, khả năng không có đêm giao thừa là không ít. Sau năm 2000, các năm 2001, 2003, 2006, 2012, 2013, 2016 đều không có ngày 30 Tết. Những năm gọi là không có đêm giao thừa này thực ra không phải là hiếm, đôi khi diễn ra liên tục, chẳng hạn bắt đầu từ năm 2025 cho đến năm 2029 sẽ không có đêm giao thừa trong 5 năm liên tục.